Học sinh Hà Nội hào hứng tham dự Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ năm 2022 - Ảnh: THẾ SẢY
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ ngày 22-7 đến 17h ngày 20-8 thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần theo hình thức trực tuyến trên hệ thống (http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn/) hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Phân biệt đăng ký xét tuyển và nguyện vọng
Ở đợt 1 mùa tuyển sinh năm nay, thí sinh cần phân biệt rõ việc đăng ký xét tuyển và đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống. Theo đó, đến thời điểm này thí sinh được đăng ký xét tuyển phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2022, các phương thức xét kết hợp với sử dụng điểm thi THPT và phương thức xét tuyển riêng của các trường cùng đợt xét của bộ.
Thí sinh chưa trúng tuyển bất kỳ phương thức nào cần đăng ký xét tuyển (không giới hạn nguyện vọng) và được phép điều chỉnh, thay đổi thứ tự nguyện vọng trên hệ thống trong thời gian quy định. Thí sinh dựa vào kết quả thi của mình để cân nhắc đăng ký lựa chọn nguyện vọng xét tuyển theo phương thức xét điểm thi THPT.
Thí sinh đã hoàn thành dự tuyển vào các trường đại học theo kế hoạch xét tuyển sớm (xét học bạ THPT, đánh giá năng lực, chứng chỉ quốc tế, ưu tiên xét tuyển…) và đủ điều kiện trúng tuyển vẫn phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung của bộ.
Với các thí sinh đã trúng tuyển ở một hoặc nhiều phương thức xét tuyển sớm, để được công nhận trúng tuyển chính thức phải đăng ký nguyện vọng trong số các ngành/trường đã trúng tuyển; còn nếu muốn chọn ngành/trường khác yêu thích hơn thì đăng ký bổ sung các nguyện vọng ở phương thức xét điểm thi THPT (hoặc các phương thức xét tuyển riêng).
Bộ chỉ lọc ảo, xét tuyển là việc của các trường
Giải thích về quy trình xét tuyển năm nay, ông Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) - cho hay ngày 22-7 bộ đã mở cổng để thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đợt 1 và việc này sẽ kết thúc vào lúc 17h ngày 20-8.
"Một trong những điều chỉnh quan trọng trong tuyển sinh năm nay là Bộ GD-ĐT sẽ lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển. Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, phương thức tuyển sinh ở tất cả các trường được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Tất cả các nguyện vọng xét tuyển của thí sinh theo các phương thức xét tuyển của các trường được xử lý trên hệ thống và mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số nguyện vọng đã đăng ký khi đảm bảo điều kiện trúng tuyển.
Tất cả dữ liệu thí sinh đăng ký trên hệ thống sẽ được các trường tải về xét để xác định điểm chuẩn. Bộ chỉ thực hiện lọc ảo từ kết quả xét tuyển của các trường ở nhiều phương thức khác nhau, dựa trên nguyện vọng thí sinh để xác định thí sinh đỗ vào nguyện vọng ưu tiên nhất có thể" - ông Hùng nói.
PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - lưu ý thí sinh cần cẩn trọng khi đăng ký, sắp xếp lại nguyện vọng xét tuyển. Khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống, thí sinh phải điền đủ thông tin: thứ tự nguyện vọng, mã trường, tên trường, mã tuyển sinh, mã phương thức, tên phương thức, mã tổ hợp, tên tổ hợp.
"Thí sinh vẫn đăng ký theo thứ tự ưu tiên từ trên cao xuống thấp đối với các ngành mà mình yêu thích. Nếu quyết định chỉ chọn một ngành trong số các ngành của các trường đã được đủ điều kiện trúng tuyển để học thì cần vào hệ thống đăng ký duy nhất một nguyện vọng là trường ở ngành đó là nguyện vọng 1. Cần hết sức lưu ý, nếu chọn lộn phương thức khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống thì vẫn có nguy cơ không trúng tuyển" - ông Thắng cảnh báo.
Ông Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cho biết thêm: "Bộ GD-ĐT đã công bố mã đăng ký nguyện vọng đối với 20 phương thức xét tuyển năm nay.
Thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin về mã trường, mã tuyển sinh, mã phương thức xét tuyển, mã tổ hợp được công khai trong đề án tuyển sinh trên website của các trường để nhập liệu cho chính xác thông tin nguyện vọng đăng ký xét tuyển lên hệ thống của bộ".
Lưu ý với tuyển sinh riêng
Các trường có phương thức tuyển sinh riêng xét trong cùng đợt 1 theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT đều lưu ý thí sinh về việc bắt buộc phải thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của trường trong thông báo tuyển sinh: đăng ký trực tuyến trên hệ thống của bộ; nộp hồ sơ, minh chứng để hưởng ưu tiên đối tượng về trường trong thời gian quy định của trường; nộp lệ phí đăng ký xét tuyển cho trường.
Ở mỗi phương thức, thí sinh cũng được đăng ký không giới hạn nguyện vọng. Sau khi có kết quả xét tuyển, các trường nhập danh sách thí sinh trúng tuyển lên hệ thống để bộ lọc ảo.
Nhiều thí sinh thắc mắc việc Trường ĐH Y dược TP.HCM yêu cầu thí sinh nộp chứng chỉ IELTS về trường vừa phải đăng ký xét tuyển trên hệ thống của bộ. PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo nhà trường - giải thích: "Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (chỉ áp dụng với một số ngành) là một trong hai phương thức xét tuyển của trường (cùng với xét điểm thi THPT ở tất cả các ngành).
Với xét chứng chỉ IELTS như điều kiện sơ tuyển của trường, nhà trường yêu cầu thí sinh nộp chứng chỉ, những bạn nào có tên trong danh sách trường đã công bố mới đủ điều kiện sơ tuyển. Khi xét tuyển, trường cũng dựa vào điểm thi THPT được lấy từ hệ thống của bộ và xét cùng đợt xét của bộ".
Đóng phí đăng ký nguyện vọng xét tuyển ra sao?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trên hệ thống của Bộ GD-ĐT chỉ yêu cầu thí sinh đóng lệ phí đăng ký xét tuyển theo kết quả thi THPT (20.000 đồng/nguyện vọng). Đối với xét tuyển sớm hoặc xét tuyển riêng, thí sinh đóng lệ phí cho các trường, trên hệ thống của bộ không thu phí với đăng ký xét tuyển các phương thức này.
"Thí sinh nộp lệ phí bằng hình thức chuyển khoản vào số tài khoản ghi trên hệ thống. Việc đóng phí này đơn giản giống như thanh toán mua hàng online" - ông Hùng nói.
Phụ huynh "choáng" với phí đăng ký nguyện vọng
Thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức điểm học bạ vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - Ảnh: HUFI
Khảo sát từ nhiều trường đại học cho thấy lệ phí các phương thức xét tuyển sớm như đánh giá năng lực... dao động từ 20.000 đến 50.000 đồng/nguyện vọng. Tuy nhiên, có một số trường thu phí từ 100.000 đến 150.000 đồng/nguyện vọng.
Anh Đ. cho biết con anh đăng ký xét tuyển 3 nguyện vọng theo phương thức điểm học bạ Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Tổng lệ phí mà con anh phải đóng là 450.000 đồng. Anh cho rằng mức phí 150.000 đồng/nguyện vọng là quá cao.
Trong khi đó, một số trường thu lệ phí xét tuyển chung cho phương thức xét tuyển sớm, không quy định theo từng nguyện vọng. Trường ĐH Điện lực thu 100.000 đồng/thí sinh, Trường ĐH FPT và Trường ĐH Y khoa Tokyo thu 200.000 đồng/thí sinh...
Ông Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho biết trường đã giữ quy định mức lệ phí này từ năm 2011. Nếu thí sinh đăng ký nhiều thì đóng nhiều tiền.
Cũng theo ông Sơn, lệ phí này không phải quy định của Nhà nước mà là quy định của trường về nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ THPT và phục vụ cho việc xét tuyển. Lệ phí xét tuyển theo các phương thức khác như tuyển thẳng, điểm đánh giá năng lực thu theo quy định của Bộ GD-ĐT.
"Mục đích của việc này là để thí sinh cân nhắc cẩn trọng ngành và nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển. Vì mức lệ phí như vậy nên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM nhận ít hồ sơ bằng học bạ hơn các trường đại học khác. Năm nay, trường nhận khoảng hơn 8.000 hồ sơ bằng học bạ. Nếu so sánh với các trường đại học khác thì ít hơn rất nhiều" - ông Sơn nói thêm. (MINH GIẢNG)
TTO - Nhiều thí sinh tự do cho biết do không có thông tin hoặc có thông tin trễ không kịp đăng ký tài khoản trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và đào tạo. Liệu thí sinh có bị mất quyền xét tuyển đại học năm nay?
Xem thêm: mth.58040023282702202-coh-iad-neyut-tex-yk-gnad-ohc-ior-og/nv.ertiout