vĐồng tin tức tài chính 365

Báo động ca sĩ trẻ phát âm sai tiếng Việt

2022-07-29 12:53

Nhạc sĩ Lê Tâm: Nhiều ca sĩ mắc bệnh sao chép

Mỗi dân tộc cần có bản sắc, sự đề kháng, tự vệ về văn hóa. Vì nó là dấu hiệu quốc gia. Mỗi dân tộc có cách quy định về tên họ mang bản sắc riêng. Giờ theo trào lưu công dân toàn cầu, thế giới phẳng… dấu hiệu đó có xu hướng bị nhòa đi. Đầu tiên chỉ là trò đùa, thể hiện chút cá tính. Khi thành trào lưu nó có tính chất nguy hại. Đặt biệt danh để đùa vui là một chuyện, nếu mình sử dụng thành tên thì không hay. Đang họ trước tên sau tự nhiên đảo lộn lên. Đang là người có tự chủ tự nhiên bị lệ thuộc biến thành thứ hoàn toàn xa lạ với truyền thống.

Cái này là do thói quen chứ không phải có một ý đồ gì trong đó. Giống chuyện con ếch trong nồi nước nóng dần nó chẳng biết. Đến một lúc nào đấy nó muốn thay đổi thì không kịp nữa rồi.

Sơn Tùng và khách mời rapper Snoop Dog (Mỹ) trong MV Hãy trao cho anh. Bài hát này bị không ít khán giả phàn nàn vì không nghe rõ lời

Hiện tượng phát âm sai lệch thể hiện ngay trong tiếng nói hằng ngày. Ngày càng phổ biến hiện tượng đầy lưỡi trong thế hệ 9X trở đi. Ví dụ họ có thể phát âm được chữ “think” trong tiếng Anh nhưng không phát âm được “xinh”, tất cả thành “think” hết.

Thế hệ tôi đã bắt đầu bị. Những người nào mà bị sẽ bị chế giễu. Nhưng càng về sau nó càng phát triển mà không có ai uốn nắn. Ngay phát âm hằng ngày đã hỏng nói gì đến hát. Với một vài ca sĩ thành danh thì nó đã thành tật rồi.

Ca sĩ mỗi thời có một kiểu bệnh khác nhau. Kể cả những ca sĩ thần tượng hiện nay cũng mắc những vấn đề không nhỏ. Chính thế hệ phát âm được coi là “lớt phớt” hôm nay lại giải quyết được hạn chế của thế hệ trước đua nhau dựng khẩu hình, cộng minh. Kiểu “dựng mồm” này trước miền Bắc không có. Những năm 1970, Bích Liên, Tuyết Thanh, Kiều Hưng… hát rất dễ nghe, họ rất tôn trọng sự tự nhiên trong khi vẫn đáp ứng rất tốt những tiêu chuẩn về thanh nhạc.

Nhưng cũng phải công nhận một số giọng thính phòng hát ngày càng hay sau khi đã khắc phục được việc lạm dụng kỹ thuật. Trong khi nhiều ca sĩ vẫn mắc bệnh hình thức, sao chép lẫn nhau. Dẫn đến mỗi khi cất giọng lên lại thành ai đó chứ không phải mình nữa.

Báo động ca sĩ trẻ phát âm sai tiếng Việt - Ảnh 1.

Một loạt ca sĩ áp dụng cách phát âm nhẹ, lướt âm, nối âm hoặc không đóng âm vào thể hiện các bài nhạc Trịnh trong dự án GenZ và Trịnh. Một vài người còn có dấu hiệu bị "ngọng" trong phát âm một số từ

NSƯT Đăng Dương: Mất hàng chục năm luyện hát chuẩn tiếng Việt

Có thể thế hệ trẻ ngày nay do nói tiếng Anh, hát tiếng Anh nhiều quá dẫn đến phát âm tiếng Việt sai, đặc biệt ở dòng nhạc nhẹ. Các bạn “chính thống” (chỉ các ca sĩ hát theo phong cách thính phòng- PV) sẽ không bị ảnh hưởng điều này. Tất cả là môi trường, thói quen. Nhiều khi các bạn trẻ ngay cái tên cũng phải đặt theo tiếng Anh. Người Việt thì cứ lấy tên Việt chứ sao lại cứ phải đệm một từ tiếng Anh vào.

“Mình học phương Tây để áp dụng kỹ thuật, hơi thở thôi, phát âm phải khác vì tiếng Việt khác tiếng nước ngoài. Không phải riêng tôi, tất cả các bạn ở nhà hát tôi đều như vậy. Ngày xưa một số bạn có thể hát cứng hơn nhưng bây giờ cũng rất mềm mại, rõ lời. Nghĩa là các bạn ấy cũng tự nghe hằng ngày và điều chỉnh được”.

NSƯT Đăng Dương

Tôi nghĩ người Việt phải sử dụng chuẩn tiếng Việt. Nó là vấn đề dòng giống. Sao ta cứ phải chạy theo những trào lưu hình thức, lai căng. Nếu hát hay thì sẽ được để ý, chứ đâu phải vì cái tên đệm bằng tiếng Anh

Khi thấy ca sĩ phát âm sai, người sáng tác phải có ý kiến đầu tiên, phải điều chỉnh ngay từ đầu. Nhà sản xuất, những người trong ê-kíp của nghệ sĩ cũng cần có trách nhiệm. Cứ bỏ qua ca sĩ lại tưởng thế là hay, là mới. Dần dần tiếng Việt thành tiếng gì ấy! Trong quá trình cấp phép, duyệt các chương trình ca nhạc, nhà quản lý cũng cần lưu ý vấn đề này. Nếu sản phẩm đã ra rồi thì khán giả cứ thế nghe thôi.

Chúng tôi bị ảnh hưởng khi học trong trường phải cộng minh (kỹ thuật sử dụng âm thanh cộng hưởng từ các khoang xương trong cơ thể để tăng âm lượng tiếng hát- PV), dựng âm thanh… nhưng khi đưa vào tiếng Việt lại thành ra không rõ lời. Bản thân tôi đã phải sửa rất nhiều để có thể áp dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật trường lớp vào phát âm tiếng Việt. Giờ vẫn có nhiều nghệ sĩ hát chính thống hát không rõ lời vì áp dụng kỹ thuật nhiều quá.

Cái này chỉ có tự lắng nghe, tự điều chỉnh, chứ hầu như ít ai góp ý vấn đề này. Chỉ khi tôi hát mềm mại đi, rõ chữ hơn thì lập tức khán giả nhận ra và khen ngay. Tôi có lợi thế làm việc tại đài phát thanh, thường xuyên được thu thanh và tiếp cận với kho tàng tư liệu của các thế hệ trước. Các cô chú ngày xưa hát rất rõ lời, phát âm nhả chữ chuẩn tiếng Việt.

NSND Thanh Hoa: Rèn ngữ âm tiếng Việt từ bậc học phổ thông

Hát tiếng Việt như người nước ngoài hay như trẻ con mới tập nói là hiện tượng vài năm trở lại đây và chúng ta cũng không chấn chỉnh nên một số bạn trẻ cứ nghĩ thế mới là văn minh, mới lạ. Tiếng nào phải ra tiếng đấy. Tiếng Việt có đặc trưng đơn âm, bằng trắc rõ ràng. Mình không biết trân trọng vẻ độc đáo mà cứ làm mất sự trong sáng, cái đẹp của tiếng nước mình đi. Đánh mất nó thì cũng mất luôn nguồn cội.

Theo tôi các trường chuyên nghiệp phải nghiêm khắc trong rèn cách nhả chữ khi thể hiện bài hát Việt Nam. Không ít bạn qua trường lớp chính quy rồi vẫn vô tình hay cố ý hát không rõ lời. Tiếng Việt để hát chuẩn đã không dễ, lại còn bắt chước tiếng Anh một tí, lai tiếng Hàn một tí rồi lầm tưởng đó là văn minh, mới mẻ. Nó chỉ thể hiện trình độ thẩm âm, thẩm mỹ và suy nghĩ của các bạn mà thôi.

Làm nhòe phát âm tiếng Việt cả trong cách nói, cách hát là một thực tế đáng báo động. Phải chăng càng ngày chúng ta càng quan trọng dạy tiếng Anh ở bậc phổ thông mà quên mất rèn giũa tiếng Việt cho thế hệ tiếp nối. Giáo dục về ngữ âm ngay từ bậc phổ thông rất quan trọng. Cho nên đòi hỏi các thầy cô phải phát âm chuẩn, không nói ngọng, phải là tấm gương về ngôn ngữ để học trò noi theo.

Việc này cũng không thể đổ lỗi toàn bộ cho giới trẻ. Phải hiểu rõ giá trị của tiếng Việt, phải trân trọng, phải yêu nó thì mới phát âm chuẩn và hay được.

Ca sĩ Ánh Tuyết: Đừng áp dụng phát âm ngoại ngữ vào hát tiếng Việt!

Để có được lối phát âm nhẹ nhõm, như chơi mà vẫn tròn vành rõ chữ là bản lĩnh của những giọng ca đã thành danh. Nó là kết quả của sự tìm tòi, rèn luyện lâu dài hoặc bẩm sinh họ đã phát âm như vậy. Nhưng những người sau thấy người đó nổi tiếng bèn bắt chước, học theo không suy nghĩ. Hai thập niên vừa rồi tôi thấy đa số người sau bắt chước người trước, người chưa nổi tiếng bắt chước người nổi tiếng. Mà nổi tiếng về… đủ thứ luôn chứ không phải nổi tiếng một cách nghiêm túc trong nghệ thuật. Cứ miễn nổi tiếng là được, không cần biết đúng sai; nổi càng nhanh càng tốt, không thích theo khuôn khổ…

“Lớp trẻ sau này nghe và hát nhạc ngoại nhiều hơn trước. Hát nhạc ngoại vậy mà dễ hơn hát nhạc Việt nhiều lắm. Một từ tiếng Việt lên cao xuống thấp hay phát âm lệch cái là khác nghĩa liền. Tréo ngoe ở chỗ các bạn lại ứng dụng cách phát âm tiếng nước ngoài vào tiếng Việt. Hát trệu trạo không rõ chữ rõ lời cũng gọi là hát. Mới nghe tưởng tiếng nước ngoài. Nếu cho đó là cách hát mới, hay thì còn mệt cho lớp kế thừa sau nữa”

Ca sĩ Ánh Tuyết

Trong những cuộc thi thi bolero được quảng bá rộng rãi, khi thí sinh bắt chước máy móc giọng hát của nghệ sĩ cũ liền được tán thưởng, cho là làm theo thần tượng. Những chương trình như thế vô tình làm sai lệch tư duy làm nghệ thuật của lớp trẻ. Lỗi không phải ở nhạc bolero mà do cách tổ chức, ý đồ thực hiện chương trình thế nào đó làm biến dạng thẩm mỹ, dần làm cho khán giả hiểu nhầm đi.

Các bạn trẻ bây giờ có điều kiện phát triển rất tốt, nhưng không phải cái gì các bạn thể hiện cũng chuẩn cả. Ngày nay nhiều bạn thường học trên mạng, học giảng viên nước ngoài nhưng họ đâu biết tiếng Việt để có thể dạy các bạn. Mỗi ngày lệch đi một chút rồi thành người nước ngoài hát tiếng Việt lúc nào không hay.

Theo Nguyễn Mạnh Hà

Tiền Phong

Xem thêm: nhc.48341630192702202-teiv-gneit-ias-ma-tahp-ert-is-ac-gnod-oab/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Báo động ca sĩ trẻ phát âm sai tiếng Việt”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools