Tại hội thảo về thuế đối với thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới ngày 29/7, Cục thuế TP HCM cho biết từ 2017 đến nay, cơ quan này đã phát hiện và truy thu thuế với hàng loạt cá nhân có thu nhập khủng từ Facebook, Google, Youtube... nhưng quên kê khai, nộp thuế.
Cụ thể, năm 2017, cơ quan này đã phát hiện một phụ nữ kinh doanh mỹ phẩm bằng hình thức livestream, nhận tiền qua tài khoản ngân hàng và COD (giao hàng thu tiền hộ) có doanh thu giai đoạn 2013-2016 trên 499 tỷ đồng. Do chưa kê khai, chậm nộp thuế, người này bị truy thu và đã nộp số tiền trên 9 tỷ đồng. Một cá nhân khác sản xuất mỹ phẩm, kinh doanh trực tuyến và là một trong những người cung cấp hàng hoá cho người phụ nữ trên cũng đã nộp số tiền truy thu thuế hơn 1,7 tỷ đồng.
Năm 2018, Cục thuế TP HCM cũng truy thu được 4 tỷ đồng từ một người đàn ông có khoản thu nhập 41 tỷ đồng từ Google. Với trường hợp của một cá nhân khác ở Quang Nam có thu nhập gần 17 tỷ đồng từ Google, cơ quan thuế TP HCM đã chuyển cho Cục thuế địa phương này xử lý.
Năm 2021-2022, có hai cá nhân nộp tiền truy thu thuế trên 8 tỷ đồng mỗi người do có thu nhập từ các chương trình quay clip, phim giải trí trên Youtube, Tiktok.
Về kinh doanh bán hàng giao qua các app giao hàng của hộ kinh doanh ăn uống, một hộ tại TP Thủ Đức có doanh thu khoán, doanh thu kê khai từ sử dụng hóa đơn năm 2021 là gần 2,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi rà soát lại, cơ quan thuế đề nghị hộ này tự kê khai, điều chỉnh doanh thu kê khai thuế chỉ trong quý I/2022 là 3,2 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, Cục thuế thành phố cũng cho biết có 1.194 cá nhân hoạt động thương mại điện tử, nhận thu nhập từ các tổ chức nước ngoài như Google, Facebook. Tính đến cuối năm ngoái, số nộp ngân sách năm 2020 là 134 tỷ đồng, năm 2021 là 129,3 tỷ đồng. Hiện Cục thuế TP Hà Nội đã xây dựng cơ sở dữ liệu của 32.084 cơ sở có bán hàng online, 2.307 cơ sở cho thuê nhà, lưu trú để quan lý thuế từ năm 2021.
Tổng cục Thuế cho biết, Việt Nam đang có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, trong đó 41 sàn bán hàng, 98 sàn cung cấp dịch vụ; 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có giao dịch. Số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn cũng được ước tính tương ứng khoảng 3,5 triệu lượt mỗi ngày.
Với việc quản lý thuế, Tổng cục Thuế cho biết số thu từ hoạt động thương mại điện tử thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai nộp thay nhà thầu từ 2018 luỹ kế đến 14/7/2022 là 5.458 tỷ đồng, tốc độ thu bình quân 130%, số thu trung bình khoảng 1.200 tỷ đồng một năm. Trong đó, với Facebook là 2.076 tỷ đồng, Google là 2.040 tỷ đồng, Microsoft là 699 tỷ đồng.
Ngoài ra sau khi có Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ tháng 3/2022, đã có 26 nhà cung cấp lớn như Microsoft, Google, Netflix, Tiktok, Ebay... đăng ký kê khai và nộp thuế với tổng số tiền 20 triệu USD.
Tới đây, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về thuế để tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử trong kê khai, nộp thuế thay người bán; dịch vụ thông qua các sàn này sẽ có chức năng đặt hàng trực tuyến và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế bằng phương pháp điện tử...
Đức Minh