Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất thêm 0,75% đêm 27/7 vừa qua. Đây là lần tăng lãi suất thứ 4 trong năm nay của FED, đưa mức lãi suất tham chiếu tại Mỹ lên mức 2,25% - 2,5%, cao nhất kể từ tháng 12/2018.
Về tác động đến kinh tế Việt Nam, theo các chuyên gia, khi lạm phát tăng, chứng khoán giảm - đó là quy luật dễ dàng nhận ra của diễn biến thị trường. Việc FED tăng lãi suất nhanh sẽ làm chậm đà tăng trưởng của nền kinh tế. Nền kinh tế Mỹ đi vào suy thoái là một điều bất lợi cho kinh tế Việt Nam khi Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam, người dân Mỹ giảm nhu cầu mua sắm, hàng hóa xuất khẩu từ nước ta sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.
Bên cạnh sự tác động đến xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, FED tăng lãi suất cũng sẽ tác động đến các thị trường tài chính của Việt Nam với một độ trễ từ vài ngày đến vài tuần, thậm chí đến vài tháng. Giá vàng trong nước dự báo cũng sẽ có những biến động mạnh trong thời gian tới theo giá vàng thế giới và thị trường lãi suất cũng cần có những điều hành linh hoạt hơn.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích: “Thị trường chứng khoán của Mỹ và của Việt Nam tăng điểm sau khi FED tăng lãi suất 0,75 % nhưng theo tôi thì đây chỉ là phản ứng nhất thời. Một độ trễ có thể vài ngày hay vài tuần thị trường chứng khoán Mỹ sẽ giảm điểm khi mà giá cổ phiếu và trái phiếu sẽ suy giảm vì lãi suất tăng kéo theo lợi suất của chứng khoán và đẩy giá chứng khoán xuống, thị trường chứng khoán của Việt Nam cũng sẽ bị tác động bởi xu hướng giảm trên thị trường chứng khoán của Mỹ.
Bên cạnh đó, với Việt Nam thì sẽ có một dòng tiền có thể sẽ rút ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam để trở về với những tài sản tài chính của Mỹ có giá trị cao hơn, tỷ giá của đồng Việt Nam so với USD sẽ tăng. Điều này lợi cho xuất khẩu của Việt Nam nhưng lại bất lợi cho nhập khẩu kéo theo việc nhập khẩu lạm phát vì hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và các nước khác đang tăng giá rất mạnh”.
Quyết định tăng lãi suất lần thứ tư của FED được đưa ra trong bối cảnh các nhà kinh tế và hoạch định chính sách đang lo ngại nền kinh tế số 1 thế giới đang tiến tới suy thoái, khi GDP giảm quý thứ 2 liên tiếp. Ở phố Wall, các nhà đầu tư cũng đang dự báo về một cuộc khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, chủ tịch FED bác bỏ khả năng suy thoái kinh tế.
Một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ việc FED tăng lãi suất nói riêng và các nước phát triển thắt chặt tiền tệ nói chung.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra một số khuyến nghị: “Bên cạnh việc Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định về lãi suất cũng như là đảm bảo điều hành một cách linh hoạt, ổn định về tỷ giá thì vấn đề đảm bảo thu xếp vốn tín dụng, nới trần tín dụng cho các ngân hàng, đảm bảo việc thu xếp nguồn vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh và phục hồi tăng trưởng cuối năm là rất cần thiết. Thứ hai, làm sao để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân có thể tiếp cận được các nguồn vốn với lãi suất phù hợp”.
Cũng theo các chuyên gia, tỉ giá giữa đồng Việt Nam và USD dự báo tăng không quá lớn do dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn ở mức khá cao sẽ góp phần tạo “tấm đệm” với các cú sốc bên ngoài và ổn định tỉ giá. Nguồn cung ngoại tệ như kiều hối, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự báo vẫn tăng, cán cân thương mại dự báo cả năm vẫn thặng dư và Ngân hàng Nhà nước kiên định chính sách điều hành tỉ giá linh hoạt./.
Xem thêm: vov.268959tsop-oan-eht-uhn-man-teiv-et-hnik-ned-gnod-cat-taus-ial-gnat-def/et-hnik/nv.vov