Hiện TP.HCM có hai phà gồm Cát Lái (TP Thủ Đức) và Bình Khánh (nối huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ). Hai phà này có lưu lượng người dân và phương tiện đi lại rất lớn. Theo đó, hai phà này hiện không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân khi thường xuyên kẹt xe kéo dài hàng giờ đồng hồ.
Kẹt xe khu vực phà Bình Khánh vào ngày 28-7. Ảnh: ĐT |
Né kẹt đường gặp kẹt phà
Theo ghi nhận của PV, dù cao điểm hay thấp điểm thì việc chờ phà đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Xe máy sẽ phải đợi ít nhất 15-30 phút, còn ô tô phải mất chừng 30 phút. Thậm chí vào giờ cao điểm hoặc những ngày cuối tuần, khi đi qua phà Cát Lái và phà Bình Khánh, người dân phải mất ít nhất 1 tiếng đồng hồ mới được lên phà.
Tình trạng kẹt phà đã kéo theo hàng loạt tuyến đường huyết mạch kết nối tới bến phà như Nguyễn Thị Định (TP Thủ Đức), Huỳnh Tấn Phát (huyện Nhà Bè) cũng rơi vào tình trạng ùn ứ kéo dài.
Điển hình vào các ngày 26, 27 và 28-7, khi cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây triển khai thu phí không dừng những ngày đầu tiên đã có tình trạng kẹt xe trên cao tốc. Theo đó, rất nhiều tài xế đã chọn phà Cát Lái để “né” kẹt xe cao tốc nhưng không ngờ phà này cũng bị kẹt hàng giờ đồng hồ.
“Né kẹt đường gặp kẹt phà. Tôi đã bị kẹt xe hàng giờ đồng hồ ở phà Cát Lái, rất ám ảnh. Không nghĩ rằng đi lại trong TP.HCM lại khó khăn và mất thời gian đến vậy” - chị Nguyễn Thị Hương (ngụ TP Thủ Đức) cho biết.
Tương tự, khu vực phà Bình Khánh cũng là nỗi ám ảnh của người dân lưu thông qua đây. Mỗi dịp lễ, tết, dòng ô tô, xe máy phải xếp hàng dài hàng kilomet chỉ để chờ lên phà.
Chị Nguyễn Thị Tình (ngụ huyện Cần Giờ) kể: “Vào ngày 26-7 vừa qua, cả gia đình tôi quyết định đi chơi ở Cần Giờ. Tuy nhiên, để từ Nhà Bè qua Cần Giờ phải đi qua phà Bình Khánh. Lần đó, chúng tôi chờ hơn 1 tiếng đồng hồ mới lên được phà”.
Nguyên nhân là do thiếu phà
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Xí nghiệp quản lý phà Thanh niên xung phong TP.HCM (đơn vị quản lý phà Cát Lái), cho biết hiện nay bến Cát Lái đang vận hành tất cả bảy phà. Trong bảy phà này có hai phà 200 tấn, ba phà 100 tấn và hai phà 60 tấn. Trên thực tế là bến đang thiếu phà để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
“Tôi đã bị kẹt xe hàng giờ đồng hồ ở phà Cát Lái, chưa bao giờ đi lại trong TP.HCM lại khó khăn và mất thời gian đến vậy.”
Chị Nguyễn Thị Hương (ngụ TP Thủ Đức)
Theo ông Tuấn, để giải quyết tình trạng thiếu phà, đơn vị đang chủ động xin đóng phà mới. Hiện chỉ cần khu vực cao tốc gặp trục trặc hoặc vào dịp cuối tuần, cao điểm thì tất cả bảy phà đều chạy không xuể.
“Lượng hành khách qua phà Cát Lái bình quân vào thứ Bảy, Chủ nhật ước tính đạt 70.000 lượt/ngày, đơn vị quản lý phải huy động tất cả phà và nhân lực để phục vụ khách” - ông Tuấn thông tin.
Đại diện bến phà Bình Khánh cho biết hiện nay đang vận hành sáu phà, song cuối tuần không thể đáp ứng nhu cầu khoảng 20.000 lượt/ngày. Chính vì vậy, đơn vị cũng đang xin đóng mới thêm tàu để phục vụ người dân.
Đại diện Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong cho biết đến năm 2023 và 2024 sẽ có hai phà hết niên hạn (mỗi bến một phà). Những chiếc phà từ An Giang về TP.HCM chưa kịp sử dụng cũng đã hết niên hạn. Đến nay, các phà này đã hết hạn đăng kiểm và trong tình trạng hư hỏng nặng.
Với số lượng phà còn lại thì năng lực vận chuyển không đủ đáp ứng lượng hành khách hiện nay. Do đó, việc đóng thêm hai phà 200 tấn là hết sức cấp bách và cần thiết để góp phần giải quyết ùn tắc giao thông hai đầu bến. Tổng mức đầu tư hai phà dự kiến khoảng 79 tỉ đồng.
Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết: Về việc các đơn vị xin đóng phà mới, Sở Tài chính đang xác nhận và xử lý theo đúng thủ tục. “Hiện nay đúng là có tình trạng thiếu phà, lưu lượng di chuyển cao nên sở cũng đồng ý với việc đóng mới phà trong thời điểm hiện nay” - ông An thông tin thêm.
Ngoài giải pháp đóng thêm phà để giải tỏa ùn tắc, TS khoa học Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho rằng cần đẩy nhanh việc xây dựng cầu Bình Khánh và cầu Cát Lái. Khi phà Bình Khánh là con đường độc đạo để liên thông trung tâm TP với huyện Cần Giờ thì cầu Bình Khánh sẽ phá thế độc đạo của phà này, góp phần phát triển kinh tế cho huyện Cần Giờ và phía nam TP. Tuy nhiên, khi làm cầu Cần Giờ phải xem xét làm sao để giữ lại “lá phổi xanh” của TP, bởi khi có cầu thì sẽ “mọc” lên rất nhiều dự án bất động sản.
Còn cầu Cát Lái sẽ góp phần quan trọng trong việc liên kết, phát triển kinh tế của TP.HCM, tỉnh Đồng Nai nói chung và TP Thủ Đức nói riêng. Đồng thời, cầu có vai trò kết nối với các cảng Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải, Hiệp Phước, từ đó góp phần phát triển kinh tế biển cho khu vực Đông Nam bộ.•
Đang xem xét xây cầu Cát Lái, cầu Cần Giờ
Dự án xây dựng cầu Cần Giờ được Sở GTVT TP.HCM xem là một trong những nội dung cấp bách trong lĩnh vực GTVT để trình HĐND TP thông qua các dự án trọng điểm. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng, được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Cầu Cần Giờ sau khi hình thành sẽ thay thế phà Bình Khánh, kết nối khu Nam TP với huyện Cần Giờ, đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực, phá thế độc đạo của phà Bình Khánh.
Tương tự, cầu Cát Lái hiện nay cũng được TP.HCM và tỉnh Đồng Nai phối hợp, nghiên cứu các phương án xây dựng. Trước mắt, hai địa phương đã đưa ra năm phương án để nghiên cứu, phân tích.
Hiện Sở GTVT TP.HCM cho rằng cần nghiên cứu tổng thể kết nối quy hoạch giao thông giữa TP.HCM và tỉnh Đồng Nai trên cơ sở quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.