Trong lần về nước trò chuyện cùng các sinh viên mới đây, Vương Phạm – CEO Fastboy Marketing - mặc một chiếc áo công nhân vệ sinh với màu xanh nhạt đặc trưng.
Sang Mỹ từ năm 16 tuổi, chàng trai 9x đi lên từ công nhân vệ sinh và bồi bàn đã tự lập doanh nghiệp, kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực marketing và cung cấp phần mềm quản trị cho các tiệm nail.
Khởi nghiệp từ 5 USD và quan điểm "Thà làm trùm thị trường ngách còn hơn bon chen với các bác ở thị trường to"
Chia sẻ trước các bạn sinh viên về câu chuyện khởi nghiệp, Vương kể 14 năm trước, khi làm bưng bê tại một quán phở, anh vô tình gặp một khách hàng đem thẻ Amazon ra thanh toán. Vị khách này rất rảnh, ông toàn đi những giờ vắng người. Gặp ông vài lần Vương mới dám hỏi han, thì biết ông buôn bán trên sàn điện tử Amazon.
"Ông ấy dùng từ "full time seller". Lúc đấy tôi mới ngộ ra: À, làm online cũng kiếm ra tiền được. Bây giờ các bạn nghe thấy bình thường nhưng 14 năm trước nghe thấy vậy, tôi bất ngờ lắm, cảm giác như người trên Sao Hỏa xuống vậy. Sau đó có một người em đưa cho 1 cái game nhờ bán hộ, với lời nhắn "bán được bao nhiêu thì bán, anh chỉ cần đưa em 5 USD"".
"Tôi viết đại vài dòng giới thiệu và đẩy lên, đại khái là "ai mua tôi bán, freeship luôn". Gần hết 7 ngày thì bất ngờ 30 giây cuối, người vào đấu giá ầm ầm, giá được đẩy lên 39 USD. Lúc đó, trừ chi phí ra và cả 5 USD trả đứa em, tôi lãi được 15 USD, bằng 3 giờ làm bưng bê của mình khi đó", Vương nhớ lại.
Chọn con đường ít người đi, hoặc một mình mình đi thì khỏe lắm, đường nào đã có ông lớn đi rồi thì né ra.
Bén duyên với thương mại điện tử, rồi marketing, sau chuyển sang làm phần mềm, Vương lập Fastboy Marketing với trụ sở chính tại Thành phố Houston, bang Texas, Mỹ, có văn phòng tại TPHCM.
Cuối năm 2020, với sự phát triển bùng nổ của ứng dụng Go Check In – một sản phẩm của công ty, Fastboy Marketing được Tạp chí Inc xếp hạng 834 trong danh sách 5.000 doanh nghiệp phát triển nhanh nhất nước Mỹ.
Chia sẻ với các sinh viên, Vương cho biết không dám đưa lời khuyên cho ai. Nhưng rút kinh nghiệm từ chính bản thân, Vương chia sẻ: Chọn con đường ít người đi, hoặc một mình mình đi thì "khỏe lắm".
"Còn con đường nào mà đã có các ông lớn đã đi rồi thì mình né ra cho các bác, các anh đi, mình bé nhỏ quá thì sẽ bị "đạp chết". Vương làm gì cũng vậy, sẽ nghiên cứu các thị trường ngách (Niche). Thà mình làm trùm một thị trường nhỏ vẫn kiếm được tiền, còn hơn chen chân vào trị trường to", Vương đúc kết.
Chiếc áo công nhân vệ sinh và câu hỏi "Khởi nghiệp nên xuất phát từ đâu?"
Trước câu hỏi sinh viên muốn khởi nghiệp nên bắt đầu từ đâu khi không có kinh nghiệm lẫn tài chính, Vương Phạm cho biết gia đình anh dù khá giả, nhưng cho anh xuất phát từ rất thấp - nhân viên vệ sinh trong doanh nghiệp của bà ngoại.
Một nhân viên vệ sinh được phát 3 chiếc áo đồng phục, 2 chiếc kia nhàu nát quá rồi, chiếc còn lại anh gấp mà quên chưa mặc, còn mới. Vậy nên trong dịp trò chuyện với các bạn sinh viên Việt Nam lần này, anh chọn mặc luôn.
Gia đình anh trước kia cũng cho anh chơi với các bạn ở quê, bắt ếch, bắt nhái, bắt rắn. Thuở ấy, xe cắt trước mặt thì Vương cùng bọn trẻ nông thôn đi theo bắt rắn, bán kiếm được 5.000 – 10.000 đồng.
"Chừng 15, 16 tuổi, tôi mặc áo công nhân đi làm kiếm tiền. Qua Mỹ, tôi là sinh viên, cũng phải đi làm thêm kiếm tiền. Tôi nói với mọi người là Vương xuất phát rất thấp. Xuất phát từ một cái đích nào đó thì không phải là Vương".
"Vốn khởi điểm của Vương là 5 USD. Các bạn đang ngồi trên ghế nhà trường cũng giống như Vương, vừa đủ 18 tuổi đủ tuổi bán hàng online. Vốn của Vương không có nhiều, cũng chẳng cần vốn.
Các bạn làm gì thì đừng làm lớn quá, dễ gãy, làm gì thì cũng nên làm từ dưới làm lên. Các bạn có thể bán đồ online hoặc bất cứ gì thích ngoài xã hội miễn không vi phạm pháp luật để kiếm tiền, thì không cần nhiều vốn vẫn có thể bắt đầu", Vương nói.
Triệu phú công nghệ cũng khuyên các bạn sinh viên nên kinh doanh để va chạm từ khi ngồi trên ghế nhà trường, để biết mình cần cái gì. Anh cũng bày tỏ quan điểm không phải làm kinh doanh, làm Giám đốc, thành triệu phú mới là hạnh phúc.
"Một nghiên cứu của Mỹ cho biết: Con người ta chỉ kiếm 70.000 USD/năm thì thấy hạnh phúc nhất. Những nhóm người kiếm 100.000 USD thì tỉ lệ hạnh phúc giảm xuống, và kiếm được 1 triệu USD thì hạnh phúc lại càng ít", Vương nói.
Theo thống kê của một số đơn vị, ngoài các tài sản như bất động sản, công ty Vương mang lại doanh thu chừng 10 triệu USD/năm. Chia sẻ với chúng tôi, Vương cho biết đây đã là số cũ, số mới cao hơn nhiều, nhưng anh không cung cấp con số cụ thể.
https://cafebiz.vn/trieu-phu-vuong-pham-mac-ao-cong-nhan-ve-sinh-tro-chuyen-voi-sinh-vien-viet-quan-niem-tha-lam-trum-thi-truong-ngach-con-hon-bon-chen-voi-cac-bac-o-thi-truong-to-20220729121754242.chn