vĐồng tin tức tài chính 365

Căn hộ 25 triệu/m2 sắp “tuyệt chủng”

2022-07-30 09:40

Ngày 28/7, Bộ Xây dựng đã có Thông cáo 123/TC-BXD về việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản Quý II/2022.

Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản Quý II/2022 có dấu hiệu hồi phục và phát triển tốt với tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền cao hơn cùng kỳ năm 2021.

Tỷ lệ hấp thụ sản phẩm ở hầu hết các phân khúc ở mức cao, hầu như không phát sinh lượng bất động sản tồn kho mới; tỷ lệ trống văn phòng, mặt bằng thương mại cho thuê giảm dần.

Số lượng nhà ở thương mại hoàn thành trong Quý II/2022 là 24 dự án với 5.608 căn, số lượng dự án tăng khoảng 9% so với quý 1/2022 và bằng khoảng 70,6 % so với cùng kỳ năm 2021; trong đó miền Bắc có 13 dự án với 2.343 căn, tại miền Trung có 3 dự án với 961 căn, tại miền Nam có 8 dự án với 2.304 căn.

Cùng đó, số lượng nhà ở thương mại đang triển khai xây dựng là 1.091 dự án với 327.125 căn, bằng khoảng 89,7% so với Quý I/2022 và tương đương 97,5% so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, miền Bắc có 210 dự án với 157.654 căn, miền Trung 211 dự án với 131.481 căn, miền Nam 670 dự án với 37.990 căn.

Trong quý vừa qua, số lượng nhà ở thương mại được cấp phép mới là 29 dự án với 6.753 căn, chỉ bằng khoảng 74,4% so với quý trước đó và bằng 42% so với cùng kỳ năm trước. Miền Bắc dẫn đầu với 17 dự án gồm 3.763 căn; miền Trung có 9 dự án với 678 căn và miền Nam chỉ có 3 dự án nhưng chiếm tới 2.312 căn.

Số liệu này cho thấy nguồn cung về nhà ở thương mại trong Quý II/2022 vẫn chưa được cải thiện, đặc biệt là số lượng dự án được cấp phép mới chỉ bằng khoảng 42% so với cùng kỳ năm 2021.

Đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở có tổng số 16 dự án đã hoàn thành với 7.324 ô đất nền. Số lượng dự án tăng khoảng 78% so với quý 1/2022. Số dự án đang triển khai xây dựng là 210 với 66.596 ô đất nền, tăng khoảng 16%; tổng số dự án được cấp phép mới là 10 dự án với 4.072 ô đất nền, bằng 77% so với quý 1.

Giá chung cư, đất nền đã chững lại

Tại báo cáo về thị trường bất động sản Quý II/2022, Bộ Xây dựng cho biết: "Các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm đô thị hầu như không có căn hộ dưới 25 triệu đồng/m2, mức giá này chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm".

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, căn hộ xoay quanh mức giá này chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm gồm các quận/huyện như tại Hà Nội là dự án xpHOMES (huyện Đan Phượng) giá 29 triệu đồng/m2, dự án Gemek Premium (huyện Hoài Đức) giá 26 triệu đồng/m2, dự án Xuân Mai Complex (quận Hà Đông) giá khoảng 27 triệu đồng/m2.

Tại Tp.HCM: dự án Dream Home Riverside (quận 8) giá khoảng 27 triệu đồng/m2, dự án Ehome S (quận 9) giá 25 triệu đồng/m2.

Tại Đà Nẵng, dự án FPT City Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn) có giá khoảng 25,7 triệu đồng/m2.

Phân khúc căn hộ chung cư trung cấp có mức giá khoảng 30 triệu đồng/m2 đến dưới 50 triệu đồng/m2 vẫn là sản phẩm chủ đạo trên thị trường.

Còn phân khúc căn hộ cao cấp tại Hà Nội và Tp.HCM có một số dự án với vị trí đặc biệt, được chào bán rất cao từ khoảng 75 triệu đồng/m2 đến 300 triệu đồng/m2.

Qua tổng hợp tại các địa phương, Bộ Xây dựng cho biết giá căn hộ chung cư vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021, mức độ tăng giá tập trung trong quý I/2022, sau đó chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng quý II/2022.

Trong khi đó, giá nhà ở riêng lẻ, đất nền cho xây dựng nhà ở tại các dự án trong quý II/2022 đang có xu hướng chững lại ở hầu hết các địa phương khi các hoạt động đầu tư, kinh doanh, dịch vụ thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác được phục hồi, bình thường trở lại. Tại nhiều địa phương (như Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, Vũng Tàu, Đắk Lắk...) đã xuất hiện tình trạng các nhà đầu tư nhỏ lẻ tự mua gom đất ở, đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm và lợi dụng các thông tin về quy hoạch, đầu tư hạ tầng để phân lô, tách thửa và chào bán tràn lan gây mất ổn định cho thị trường bất động sản. Trước tình hình đó, cơ quan quản lý tại các địa phương đã phải đưa ra các biện pháp ngăn chặn như siết chặt, dừng việc phân lô bán nền đối với các giao dịch đất đai trên địa bàn.

Trong báo cáo, Bộ Xây dựng nhấn mạnh sự hạn chế về nguồn cung sản phẩm ở tất cả các phân khúc bất động sản. Nguyên nhân là do các cơ quan chức năng việc siết chặt các thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản. Ngoài ra việc dòng vốn cho thị trường bị thu hẹp từ nhiều phía như kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, sự suy giảm của thị trường trái phiếu…cũng là nguyên nhân khiến nguồn cung hạn chế.

Nhà ở, đất nền vẫn là loại hình bất động sản thu hút sự quan tâm nhiều nhất trong nửa đầu năm 2022, đặc biệt là phân khúc nhà ở thương mại trung cấp, bình dân và nhà ở xã hội, tuy nhiên, nguồn cung cho phân khúc này tương đối ít.

Tình hình giao dịch các sản phẩm bất động sản trên thị trường sơ cấp và thứ cấp có cải thiện so với cùng kỳ năm 2021 tuy nhiên đang có xu hướng chững lại so với thời điểm cuối năm 2021. Các giao dịch chủ yếu vẫn tập trung ở loại hình căn hộ chung cư trung cấp, nhà ở riêng lẻ và đất nền.

Tình hình phát hành trái phiếu đối với lĩnh vực bất động sản

Trong Quý II/2022, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tiếp tục suy giảm khi tổng số đợt phát hành trong quý chỉ đạt 16 đợt, giảm 63% số đợt trong quý I, tương ứng với giá trị gần 8,6 nghìn tỷ, giảm sâu tới 79% so với quý trước.

Trong tháng 4 không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu, trong tháng 5 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với tổng giá trị khoảng 7.000 tỷ. Trong tháng 6, Vingroup dẫn đầu về khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản với 100 triệu USD trái phiếu quốc tế (tương đương hơn 2.300 tỷ đồng); về trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong nước, Novaland đứng đầu về giá trị phát hành trong tháng 6 với tổng giá trị phát hành gần 2.300 tỷ đồng, Tập đoàn Nam Long với 500 tỷ đồng...

Về dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến 30/6 dư nợ tín dụng đạt 784.575 tỷ đồng.

Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 182.263 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 23,2% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 46.667 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,95% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 36.343 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,6% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 34.618 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,4% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 56.864 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,25% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 141.308 tỷ đồng, chiếm 18% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 78.861 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,1% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 207.651 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 26,5% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, tính đến 20/6, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà Đầu tư nước ngoài đạt trên 14,03 tỷ USD, bằng 91,1% so với cùng kỳ năm 2021. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,15 tỷ USD.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc thế thì Việt Nam vẫn là điểm sáng về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, lượng vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành và lĩnh vực bất động sản nói riêng sẽ tiếp tục được cải thiện khi Việt Nam cũng như các nước trở lại trạng thái bình thường sau đại dịch.

Để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững trong thời gian tới, Bộ Xây dựng kiến nghị, các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần nghiên cứu dự thảo, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) theo Nghị quyết số 50/2022/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, thuế, tín dụng, kinh doanh bất động sản… để tăng cường quản lý, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất (pháp luật về đấu giá, pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý thuế) cũng cần nghiên cứu, sửa đổi, rà soát nhằm bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Tuệ Minh

Xem thêm: lmth.341265a-gnuhc-teyut-pas-2m-ueirt-52-oh-nac/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Căn hộ 25 triệu/m2 sắp “tuyệt chủng””0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools