Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020. Báo cáo của Chính phủ do Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, thừa ủy quyền của Thủ tướng ký.
Theo dự kiến, ngày 26-10, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận trực tuyến về báo cáo của các cơ quan tư pháp, trong đó có báo cáo này.
Việc bắt, giam, giữ đúng quy định
Theo đó, trong kỳ báo cáo, cơ quan điều tra (CQĐT) các cấp đã thụ lý điều tra hơn 110.400 vụ với hơn 161.600 bị can. Đáng chú ý, tổng số người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là hơn 13.200 (tăng hơn 13%). trường hợp VKS không phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là 136 (tăng hơn 22%), trong đó có 15 trường hợp trả tự do, không xử lý hình sự.
Tổng số đối tượng bị tạm giữ là hơn 76.900 trường hợp, số đối tượng bị tạm giam là hơn 125.700 trường hợp (tăng gần 16%)…
Chính phủ nhận định: “Nhìn chung, công tác điều tra, xử lý tội phạm; công tác bắt, giam, giữ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, có sự giám sát chặt chẽ của VKS các cấp. CQĐT các cấp đã thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, nhiệm vụ về công tác điều tra, xử lý tội phạm”.
Báo cáo cũng nhấn mạnh các giải pháp chống oan sai, bức cung, nhục hình được đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.
Cụ thể, CQĐT cấp trên đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra của CQĐT cấp dưới. Nội dung kiểm tra tập trung vào một số vấn đề như việc chấp hành pháp luật trong tạm đình chỉ điều tra vụ án, bị can; công tác bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, xử lý tội phạm.
Đồng thời, CQĐT chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm; xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm.
Cũng theo báo cáo, CQĐT luôn tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư, người giám hộ, người bào chữa, trợ giúp pháp lý tham gia hoạt động tố tụng hình sự theo quy định pháp luật.
Các luật sư tham gia bào chữa tại tòa trong một vụ án hình sự tại TAND TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Một số ít điều tra viên năng lực yếu
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Chính phủ đánh giá công tác điều tra, xử lý tội phạm, việc tạm giữ, tạm giam luôn được CQĐT các cấp thực hiện đúng theo quy định và cơ bản đạt yêu cầu, chỉ tiêu Quốc hội giao.
Tuy nhiên, báo cáo thừa nhận vẫn còn xảy ra các trường hợp đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm; kết thúc thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can phạm tội. Ngoài ra còn có việc VKS không phê chuẩn các lệnh, quyết định của CQĐT và bị can, phạm nhân trốn, chết tại trại tạm giam, nhà tạm giữ...
Cạnh đó, sự phối hợp giữa CQĐT và VKS cùng cấp trong điều tra, giải quyết vụ án ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ, thống nhất, nhất là trong thu thập, đánh giá chứng cứ, dẫn đến việc VKS trả hồ sơ để điều tra lại, điều tra bổ sung. “Tình trạng sợ trách nhiệm, tâm lý giữ an toàn đã khiến tinh thần, ý chí tấn công tội phạm có lúc, có nơi giảm sút, chưa xử lý tội phạm kịp thời...” - báo cáo nêu.
Theo báo cáo, biên chế điều tra viên, cán bộ điều tra đang thiếu. Một số đơn vị, địa phương, bình quân mỗi điều tra viên phải thụ lý giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và điều tra các vụ án 20-30 vụ/năm.
Đánh giá về chất lượng điều tra viên và cán bộ điều tra, Chính phủ cho rằng đội ngũ này đều được đào tạo cơ bản, bố trí công tác theo tiêu chuẩn chức danh và thường xuyên được tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt. Đây là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, chấp hành nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, Chính phủ thừa nhận vẫn còn một số ít điều tra viên trình độ, năng lực yếu, chưa đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, xử lý tội phạm trong tình hình mới, cá biệt còn vi phạm trong hoạt động điều tra. Theo báo cáo, có hơn 40 điều tra viên vi phạm trong hoạt động điều tra hình sự.
Ba nhiệm vụ chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao Báo cáo của Chính phủ nhận định về cơ bản, những nhiệm vụ, chỉ tiêu Quốc hội giao trong nghị quyết đều đạt và vượt. Tuy nhiên, còn một số nhóm nhiệm vụ chưa đạt. Cụ thể, vẫn còn trường hợp đối tượng tạm giữ, tạm giam trốn, chết do đánh nhau, tự sát, phạm tội mới trong các cơ sở giam giữ. Cạnh đó, số người bị kết án phạt tù trốn ngoài xã hội tuy giảm song chưa đáng kể. Tỉ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt yêu cầu Quốc hội giao. Báo cáo sau đó nêu bảy nhóm nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Đáng chú ý, Chính phủ cho rằng việc tổ chức thực hiện các văn bản triển khai Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam còn lúng túng, vướng mắc. Cạnh đó, đối tượng bị bắt đưa vào cơ sở giam, giữ thường có tâm lý hoang mang, lo lắng, sợ bị trừng phạt của pháp luật, quanh co chối tội, luôn tìm cách chống đối, trốn. Một số đối tượng bi quan, mặc cảm, ân hận với tội lỗi do bản thân gây ra nên tìm mọi cách để tự sát. Nhiều đối tượng bị mắc các bệnh xã hội, HIV/AIDS, nghiện ma túy nặng, sức khỏe yếu. Đáng chú ý, biên chế cán bộ tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ còn thiếu; chế độ, chính sách đối với một số vị trí công tác chưa tương xứng với mức độ khó khăn, gian khổ, nguy hiểm của công việc… |