Thị trường có tuần hồi phục thứ ba liên tiếp, qua đó giúp VN-Index vượt qua ngưỡng tâm lý 1.200 điểm. Tuy vậy, nhưng thanh khoản khớp lệnh trong cả tuần vẫn ở mức dưới trung bình. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 11,57 điểm (+1%) lên 1.206,33 điểm, HNX-Index giảm 0,22 điểm (-0,1%) xuống 288,61 điểm, UPCoM-Index tăng 0,77 điểm (0,87%) lên 89,61 điểm.
Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 0,2% so với tuần trước đó với 59.710 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 5,2% xuống 2,4 tỷ cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 2,7% so với tuần trước đó với 7.031 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 9% xuống 321 triệu cổ phiếu.
Tương tự như các tuần trước đó, biến động của nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn có sự phân hóa tuy nhiên, số mã tăng vẫn nhỉnh hơn. Thống kê 125 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán, trong tuần từ 25 – 29/7 có 68 mã tăng giá trong khi số mã giảm là 47 mã.
Đứng đầu danh sách tăng giá ở nhóm bất động sản là NVT của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay với 22,6%. Trong tuần, NVT đã tăng từ 11.500 đồng/cp lên thành 14.100 đồng/cp. Dù có cải thiện so với tuần trước nhưng thanh khoản của NVT vẫn thuộc diện trung bình. Theo BCTC hợp nhất quý II/2022, NVT lãi sau thuế hợp nhất 10,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái báo lỗ. Nguyên nhân chính được doanh nghiêp này đưa ra đó là hoạt động kinh doanh của các công ty con đã tăng trưởng mạnh bởi phục hồi của các hoạt động du lịch trong nước.
Các cổ phiếu đứng sau về mức tăng giá ở nhóm bất động sản gồm HD6 của CTCP Đầu tư Phát triển nhà số 6 Hà Nội (tăng 17,6%), SIP của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (tăng 15,8%) và VNI của CTCP Đầu tư Bất động sản Việt Nam (tăng 14,4%). Tuy nhiên, các cổ phiếu này đều thuộc diện thanh khoản ở mức trung bình và thấp.
DXG của CTCP Tập đoàn Đất Xanh gây chú ý khi tăng mạnh 12,7% trong tuần giao dịch vừa qua. DXG tăng giá bất chấp việc kết quả kinh doanh quý II/2022 không được tốt. Cụ thể, doanh nghiệp này báo doanh thu thuần giảm 57% so với cùng kỳ và đạt 1.550 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 133 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái. 6 tháng đầu năm, công ty đạt 3.490 tỷ đồng doanh thu và 401 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ, giảm lần lượt 46% và 52% so với cùng kỳ. Như vậy sau 6 tháng, DXG thực hiện 32% kế hoạch doanh thu và 29% kế hoạch lợi nhuận.
HDG của Tập đoàn Hà Đô cũng gây chú ý khi tăng 11,8% chỉ sau một tuần giao dịch. Khác với DXG, kết quả kinh doanh của HDG trong quý II/2022 là rất tích cực. Cụ thể, doanh thu thuần đạt hơn 1.007 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần và lợi nhuận sau thuế đạt 418 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, HDG ghi nhận gần 1.692 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt gần 714 tỷ đồng, tăng 48%. Tuy nhiên, theo giải trình của doanh nghiệp, đóng góp chính cho kết quả này là mảng năng lượng.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu TBR của CTCP Địa ốc Tân Bình giảm mạnh nhất nhóm bất động sản với gần 45%. Giá cổ phiếu TBR giảm từ 19.900 đồng/cp xuống chỉ còn 10.951 đồng/cp. Cổ phiếu TBR mới chỉ giao dịch trên UPCoM từ 14/7 với giá tham chiếu 29.000 đồng/cp. Tuy nhiên, ngay sau khi lên sàn, cổ phiếu này liên tục giảm giá và phải đến phiên 29/7 mới có một phiên tăng giá.
Tiếp sau đó, cổ phiếu BVL của CTCP BV Land cũng giảm hơn 24%. Tuy nhiên, thanh khoản của BVL chỉ ở mức khiêm tốn với khối lượng khớp lệnh bình quân là 400 đơn vị/phiên. Cổ phiếu BVL giảm mạnh bất chấp việc kết quả kinh doanh tích cực. Quý II/2022, doanh nghiệp báo lãi ròng 37,5 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với con số hơn 6,4 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn, VHM của CTCP Vinhomes tăng hơn 2% trong tuần giao dịch từ 25 – 29/7. 6 tháng đầu năm 2022, tổng lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này đạt 7.142 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 5.049 tỷ đồng, giảm lần lượt 65% và 68%. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 1.160 đồng. Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản Vinhomes đạt 299.562 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 129.348 tỷ đồng, tăng lần lượt 42% và 30%.
Trong khi đó, VIC của Tập đoàn Vingroup giảm gần 4%. Theo công bố mới đây, 6 tháng đầu năm, doanh thu của Vingroup đạt 32.083 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do các dự án bất động sản đang trong quá trình xây dựng và sẽ được bàn giao nhiều trong nửa cuối năm, trong khi các lĩnh vực còn lại đều ghi nhận sự hồi phục và tăng trưởng tốt. Lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 3.334 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.028 tỷ đồng. Tại ngày 30/6, tổng tài sản Vingroup đạt 508.609 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm, chủ yếu nhờ tiền cọc từ khách mua bất động sản dành cho các dự án vừa mở bán.
Trong khi đó, VRE của CTCP Vincom Retail tăng mạnh gần 7,7% nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt. Cụ thể, doanh thu thuần quý II/2022 đạt 1.850 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 773 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.
Tương tự là trường hợp của Tổng công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp (BCM) khi tăng hơn 10,5% chỉ sau một tuần giao dịch. Kết quả kinh doanh của BCM cũng rất tích cực. Doanh thu thuần quý II/2022 đạt 1.924 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu kinh doanh bất động sản và bất động sản đầu tư đạt 1.511 tỷ đồng, tăng 24% và chiếm 78,5% tổng doanh thu. Công ty lãi sau thuế 978,5 tỷ đồng tăng hơn 88% so với quý II/2021. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 919 tỷ đồng, tăng 90%./.
Xem thêm: lmth.24431000042210202-7-92-52-naut-gnort-hnam-gnat-nas-gnod-tab-ueihp-oc-ueihn/nv.semitaer