Những chiếc siêu xe, xe siêu sang hàng chục tỷ đồng luôn là niềm ao ước của nhiều người. Tuy nhiên, việc sở hữu một chiếc xe như vậy không chỉ là mua về và sử dụng mà còn liên quan đến hàng loạt các vấn đề khác đủ để khiến chủ nhân từ cảm thấy “sướng run người” mỗi khi cầm lái trở nên lo âu.
Hạ tầng, mật độ giao thông
Tuy hạ tầng giao thông có thể nói là không còn khó khăn để những chiếc siêu xe gầm thấp di chuyển như hồi mới được đưa về Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khó khăn để những chiếc xe này có thể đi thoải mái. Chất lượng đường không tốt mang đến cảm giác không thoải mái khi sử dụng xe, đồng thời khiến các chi tiết cơ khí, điện tử ở hệ thống treo hoạt động nhiều hơn.
Mặt khác, mật độ giao thông đông đúc tại các thành phố lớn (nơi tập trung hầu hết xe đắt tiền tại nước ta) cũng là một vấn đề mà các chủ xe phải bận tâm. Điều này khiến chủ sở hữu trở nên e dè mỗi khi xuống phố do lo ngại va quẹt.
Chất lượng nhiên liệu
Tại Việt Nam, loại nhiên liệu cao cấp nhất hiện tại là xăng RON 97, một loại nhiên liệu phù hợp với những chiếc siêu xe, xe sang đắt tiền. Tuy nhiên, loại nhiên liệu này vẫn chưa được phổ biến và đa số vẫn phải dùng xăng RON 95. Với những chủ nhân kỹ tính, RON 95 vẫn chưa phù hợp và có thể sẽ gây hư hỏng về sau cho xe của họ. Để khắc phục, những người này thường sử dụng phụ gia tăng octane cho xăng.
Cơ sở bảo dưỡng
Siêu xe, xe sang đắt tiền tại Việt Nam đa phần được được về bởi các đơn vị nhập khẩu tư nhân chứ không phải là các đơn vị phân phối ủy quyền và thậm chí là có mặt trước khi đại lý được mở tại Việt Nam. Điều này khiến cho các chủ xe phải sử dụng dịch vụ bảo dưỡng, bảo trì tại các gara bên ngoài thay vì gửi chiếc xe cho những chuyên gia được đào tạo bởi hãng.
Mặc dù các hãng xe sang, siêu xe phổ biến đã đều có mặt tại nước ta, phần nhiều chủ xe vẫn sử dụng các dịch vụ đến từ gara bên ngoài. Sở dĩ có tình trạng này là do các gara ngoài đã quá quen với chủ nhân xe, giá cả hợp lý hơn so với chi phí mà chủ nhân phải bỏ ra khi vào hãng. Bên cạnh đó, những chiếc xe mua không chính hãng phải buộc mua thêm gói dịch vụ mới có thể được các chuyên gia chính hãng chăm sóc.
Bảo hiểm
Cuối cùng, là những chiếc xe trị giá ngang những căn biệt thự, biệt phủ nhưng những chiếc xe này thường ít khi nào được mua bảo hiểm. Vấn đề đến từ việc giá bảo hiểm hai chiều cho chúng khá “chát”, khoảng 1,5% giá trị xe khiến những gói bảo hiểm mỗi năm có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Đồng thời, khi xảy ra sự cố, các công ty bảo hiểm thường giải quyết chậm chạp cũng là lý do khiến các chủ xe không muốn mua bảo hiểm.
Mặt khác, những chiếc siêu xe đắt tiền thường chỉ được cho xuống phố vài lần mỗi tháng, từ đó cũng giảm thiểu khả năng xảy ra sự cố của chúng trong một năm./.
Theo Hoàng Lê
VOV
Xem thêm: nhc.46921451113702202-gnous-eh-gnohk-am-gnous-gnout-yt-cuhc-ex-ueis-uuh-os/nv.zibefac