Những nỗi niềm đó có thể đọc thấy qua những góp nhặt về quãng lịch sử ra đời và phát triển của nghề xuất bản sách ở Việt Nam trong Những con chữ ngoài trang sách (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM) của tác giả Trần Đình Ba; trong câu chuyện làm báo nghiêm túc và bôn ba của doanh nhân Bùi Huy Tín trong cuốn sách Bùi Huy Tín với Thực Nghiệp Dân báo và Tràng An báo (Nhà xuất bản Hồng Đức) của tác giả Trần Viết Ngạc.
Những chuyện thú vị của ngành xuất bản
Là một tác giả trẻ, Trần Đình Ba đã vận dụng khả năng tổng hợp tư liệu khá bao quát và chi tiết của mình để mang đến cho độc giả hàng loạt câu chuyện xung quanh những nhà xuất bản sách đầu tiên ở Việt Nam từ trăm năm trước, khi kỹ thuật in ấn Tây phương vừa được du nhập.
Khiêm tốn để tựa Những con chữ ngoài trang sách nhưng kết cấu sách thật sự là một tập hợp những câu chuyện thú vị đáng được tìm hiểu của ngành xuất bản: bước tiến dài mà chớp nhoáng từ những bản khắc gỗ sang những con chữ chì, những tâm tư văn nhân say mê con chữ, vui buồn giấy mực...
Và trong mắt người đọc như tôi, điều thú vị nhất lại vẫn chưa phải là bản thân những câu chuyện ngoài trang sách ấy.
Thú vị nhất và đáng để suy ngẫm nhất là qua trăm năm, những gì đã diễn ra trong buổi đầu sơ sinh của ngành xuất bản ấy lại vẫn đang sôi động trong đời sống của sách hôm nay, với chính chúng ta - những người thuộc thế hệ đi sau.
Từ nhà in đầu tiên do người Pháp thành lập và phổ biến kỹ thuật in mới, rất nhanh đã xuất hiện những nhà in tư nhân của các nhà tư sản người Việt, các nhà xuất bản bắt đầu như "nấm mọc sau mưa", các tác giả được khuyến khích xuất hiện với độ tuổi ngày càng trẻ, có người đã mạnh dạn tự bỏ tiền in sách, tự phát hành và... ế khiến gia đình phải góp tiền trả nợ nhà in như chính nhà văn Phạm Cao Củng rất nổi tiếng sau này.
Rồi những câu chuyện quảng cáo, phát hành, chuyện đếm chữ tính nhuận bút, chuyện tìm họa sĩ vẽ bìa thật đẹp, tặng thêm phụ bản tranh nâng giá trị sách quý, chuyện kiểm duyệt, sách gian sách giả...
Những câu chuyện không hề xa lạ mà có phần nào y hệt ngày nay ấy chứng tỏ xuất bản Việt Nam đã tiến bộ rất nhanh ngay từ những ngày đầu tiên.
Phải nói phải, trái nói trái
Đọc về sự nghiệp làm chủ báo của nhà tư sản Bùi Huy Tín lại càng nhiều suy ngẫm. Số phận đưa đẩy cậu bé mồ côi trở thành một trong những doanh nhân đầu tiên hợp tác với chính quyền thực dân.
Ông làm thầu đường sắt, làm chủ mỏ, lập đồn điền từ Bắc vào Trung, trở thành một trong bốn người giàu có nhất Bắc Kỳ "nhất Bưởi, nhì Thu, tam Phu, tứ Tín".
Và rồi ông còn mở nhà in Đắc Lập, làm chủ Thực Nghiệp Dân báo ở Hà Nội, Tràng An báo và LaGazette de Hue ở Huế. Không phải vì lợi nhuận mà như ông giãi bày: "Tôi lập nhà in ở tại kinh đô này chỉ vì sự mở mang và vì nghĩa vụ đoàn thể của đồng bào trong buổi tranh thương".
Xuất bản số đầu tiên tháng 2-1920, Thực Nghiệp Dân báo góp phần "khai dân trí, chấn dân khí" bằng những loạt bài về công thương kỹ nghệ của các quốc gia trên thế giới, bàn bạc các phương thức phát triển kinh tế Bắc Kỳ, Trung Kỳ, vấn đề cạnh tranh kinh tế với Hoa kiều, phổ biến luật pháp tam quyền phân lập ở các nước Âu Mỹ...
Và không chỉ có thế. Những bài viết ấn tượng nhất, giá trị nhất đến ngày nay là hàng trăm bài tường thuật mạnh mẽ và bền bỉ phiên tòa Phan Bội Châu, đám tang Phan Châu Trinh, cuộc khởi nghĩa Yên Bái, khắc sâu vào lòng độc giả hình ảnh những người con hào hùng của dân tộc ngay khi tờ báo nằm trên lưỡi kéo của nhà cầm quyền.
Tràng An báo với chủ bút Phan Khôi đã khởi lên những diễn đàn văn học, nghệ thuật, xã hội, tư tưởng và càng chẳng kiêng dè triều đình.
Những bài châm biếm sắc sảo, không úy kỵ về một Nam triều trống rỗng, đứng hình, tàn tạ "như xe lửa trật đường rầy", "bản Hòa ước như giấy lộn trong hũ nút" đã gây nhiều sóng gió trên văn đàn và hẳn nhiên - không ít sóng gió cho chủ bút, chủ báo.
Vậy nhưng Bùi Huy Tín vẫn điềm nhiên tự chấp bút khẳng định trên mặt báo: "Tôi làm chủ nhiệm, thái độ của tờ báo là thái độ của tôi, trách nhiệm tờ báo là do tôi chịu. Trước sau như một, luôn lấy vô tư làm đầu, phải nói phải, trái nói trái".
Có lẽ chính nhờ thái độ thẳng thắn cứng cỏi ấy mà Tràng An báo đã vượt qua được nỗi lo "không đủ lượng độc giả" của những ngày đầu để thổi luồng không khí sôi động vào sự trầm mặc xứ Huế cho đến tận cuộc cách mạng 1945.
Sau hơn 100 năm, đọc về những tờ báo đầu tiên, những phóng viên, những chủ bút, chủ nhiệm đầu tiên mà bâng khuâng. Báo chí của chúng ta đang gặp muôn khó, ngàn thách thức là vì phóng viên, chủ bút, chủ nhiệm, hay vì thời cuộc của thông tin đã khiến độc giả không còn cần báo chí?
Không phải như thế. Độc giả của chúng tôi khẳng định vậy...
Những quyển sách in trên 10.000 bản từ trước 1945
Trong cuốn Những con chữ ngoài trang sách, tác giả đã dày công sưu tập để cho chúng ta biết: mỗi đầu sách xuất bản từ 1945 trở về trước được in tối thiểu 1.000 bản.
Tiểu thuyết Cư Kỉnh của nhà văn Hồ Biểu Chánh được in 10.100 bản, và một cuốn phổ biến kiến thức nông học như Bí mật của bèo dâu cũng được in 10.000 bản - những con số vẫn là mơ ước của các nhà xuất bản hiện giờ, khi bao nhiêu thế hệ và những bước tiến bộ kinh tế - xã hội đã bước qua, dân số đã tăng cấp lũy thừa và trình độ văn hóa đã phổ cập vượt bậc.
Nỗi niềm người đọc, nỗi niềm người làm sách thật khó nói thành lời.
Quan sát đời sống văn chương Việt Nam trong những năm gần đây, sẽ thấy số sách ra đời từ nhu cầu tỏ bày rất lớn.