Sáng 1-7, workshop Bổng - Thưởng thức hương vị của thời gian diễn ra tại Trà Sử quán - Bảo tàng Lịch sử TP.HCM với sự tham gia của nhiều bạn trẻ.
Đây là một trong những hoạt động nằm trong dự án Cảm Việt - khai thác các chất liệu Việt Nam qua năm giác quan của con người. Từ đó lan tỏa tinh thần bảo tồn, phát huy giá trị di sản, nhất là giá trị tinh thần.
Bảo tồn di sản theo cách riêng của người trẻ
Anh Văn Hồng Thiên - sinh viên Khoa Truyền thông đa phương tiện Trường đại học FPT (TP.HCM), đại diện dự án Cảm Việt - cho biết dự án có các hoạt động giúp cho mọi người, nhất là sinh viên có thể tiếp cận với các giá trị di sản của Việt Nam.
Theo đó, dự án xây dựng các hoạt động cụ thể để người tham gia trải nghiệm và cảm nhận qua năm giác quan gồm:
- Nhìn (ngắm nhìn đường phố, công trình kiến trúc hay những khoảnh khắc cuộc sống);
- Nghe (giao lưu và thưởng thức đàn tranh, câu chuyện về đàn tranh, tâm huyết người nghệ sĩ gắn bó với đàn tranh),
- Chạm (biến những khối đất vô hồn thành những sản phẩm gốm ý nghĩa khi chạm vào tạo nên hình hài);
- Ngửi và nếm (tìm hiểu, trải nghiệm và thưởng thức hương vị trà Việt).
Là những người trẻ nhiệt huyết, yêu văn hóa dân tộc, các bạn sinh viên FPT đã sáng tạo trong cách tổ chức, giúp người trẻ tiếp cận một cách gần gũi, thoải mái và lưu lại được những kiến thức và kinh nghiệm bổ ích sau mỗi hoạt động.
Chủ tịch Hội Di sản TP.HCM Lê Tú Cẩm đánh giá dự án Cảm Việt lôi cuốn mọi người ngay từ tên gọi cuốn hút của dự án.
Bà cho biết thêm: “Người tham dự sẽ thấy thông điệp muốn gửi gắm từ trong tư duy, ý tưởng, để cùng biết, cảm nhận những nét đẹp văn hóa, từ đó chia sẻ cho người khác những gì cảm nhận được, đây cũng là mục tiêu của người bảo tồn di sản.
Tôi rất vui vì các bạn trẻ có nhiều cách làm thay đổi tư duy của những thế hệ đi trước về bảo tồn di sản”.
Nét đẹp văn hóa trà Việt
Ở chặng cuối của hành trình Cảm Việt, các bạn trẻ được thưởng thức hương vị của thời gian qua workshop Bổng qua phần chia sẻ về Trà Việt của anh Trần Công Danh - chi hội trưởng, Chi hội Kết nối Di sản Văn hóa Trà Việt (trực thuộc Hội Di sản Văn hóa TP.HCM).
Người tham dự như được lên chiếc thuyền trở về quá khứ tìm hiểu về nguồn gốc cây trà, các loại trà phổ biến hiện nay, cách chế biến, bản quản và công dụng của chúng.
Trong đó, anh Trần Công Danh nói nhiều về trà trà phơi, trà xanh và trà đen.
Không những vậy, người tham dự còn được hướng dẫn cách phân biệt các loại trà, cách pha trà ngon và cùng thưởng thức trà.
Bánh in là một trong những loại bánh phổ biến, thường thấy trong mâm cúng trên bàn thờ gia tiên mỗi khi lễ, Tết hoặc đám giỗ của người dân tỉnh Bình Định.