Chứng khoán toàn cầu 6 tháng đầu năm 2023
Trong nửa đầu năm, nhiều thị trường chứng khoán ghi nhận mức tăng mạnh, một phần là do đã giảm quá sâu trong năm ngoái và kỳ vọng về một chính sách dễ thở hơn trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Tăng mạnh nhất là chỉ số chứng khoán của Argentina với mức tăng 111%. Đứng ở các vị trí tiếp theo là Venezuela, Hy Lạp, Nhật Bản. Với Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 của nước này vừa lập đỉnh 33 năm sau khi tỷ phú Warren Buffett đầu tư vào xứ sở mặt trời mọc và kéo theo nhiều nhà đầu tư lớn khác.
Ở chiều ngược lại, sắc đỏ vẫn duy trì tại một số thị trường. Suy yếu mạnh nhất là Iceland, Thái Lan, Malaysia, Phần Lan. Thị trường Trung Quốc cũng đang trong xu hướng suy yếu, với mức giảm 5%, khi kinh tế chậm lại.
Chỉ số Nasdaq tăng mạnh nhất trong 40 năm
Với thị trường chứng khoán lớn nhất, báo chí Mỹ dành từ thăng hoa để miêu tả khi cả 3 chỉ số chính của phố Wall đều tăng điểm, trong đó chỉ số Nasdaq ghi nhận nửa đầu năm tăng mạnh nhất trong 40 năm qua.
Có thể nói nhóm cổ phiếu công nghệ là trụ đỡ rất lớn của thị trường Mỹ 6 tháng qua khi đà leo dốc đáng kinh ngạc. Kết quả đó là tập đoàn Apple đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới vượt mốc vốn hóa 3.000 tỷ USD.
Một số chuyên gia trên Phố Wall dự báo chứng khoán Mỹ sẽ có những biến động trong nửa cuối năm. Ảnh minh họa - Ảnh: CNBC.
Sau 6 tháng, chỉ số S&P 500 tăng 16%. Nasdaq vọt lên tới gần 32% trong khi Dow Jones có thêm 3,8%. Giá trị thị trường của Apple xuyên thủng mốc 3.000 tỷ USD lần đầu tiên kể từ tháng 1/2022, khi giá đang ở mức gần 194 USD/cổ phiếu, nhờ sức mua vào đối với các cổ phiếu tăng trưởng cũng như nhận định nhà sản xuất iPhone sẽ thành công tại các thị trường mới.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư phấn chấn trong phiên cuối cùng của quý II, khi có những dấu hiệu cho thấy lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt nhanh. Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưu thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng 3,8% trong tháng 5/2023, so với mức tăng 4,3% của tháng trước.
Tuy nhiên, bất chấp đà tăng mạnh này, một số chuyên gia trên Phố Wall dự báo sẽ có những biến động trong nửa cuối năm và có khả năng chốt lời sớm từ nhà đầu tư hưởng lợi từ đợt tăng giá vừa qua.
Chứng khoán châu Âu tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm
Còn tại châu Âu, báo chí kinh tế khu vực tuần qua cũng đã điểm lại hiệu suất đầu tư chứng khoán trong nửa đầu năm nay. Các chỉ số chứng khoán đều tăng trưởng thuận lợi, ngược với các dự đoán bi quan hồi đầu năm. Theo báo chí châu Âu, xu hướng chứng khoán châu Âu cuối năm nhiều khả năng cũng sẽ thuận lợi.
Chứng khoán Tây Ban Nha hôm nay sẽ bắt đầu tuần giao dịch đầu tiên của tháng 7 - tháng mà theo dự kiến, hơn 30 công ty niêm yết sẽ chia gần 7 tỷ Euro cổ tức cho cổ đông.
Tờ Expansión của Tây Ban Nha dành 2 trang viết về lượng cổ tức đặc biệt, cao hiếm thấy sẽ được chia cho cổ đông trong tháng này. Trong số các công ty chia cổ tức phụ trội, lĩnh vực năng lượng chiếm tới 60% dòng thác ngàn triệu Euro. Bài báo viết: Ngành năng lượng là vua cổ tức, nhờ tạo ra thu nhập ổn định và khả năng sinh lời hấp dẫn. Đối với nhà đầu tư hướng vào cổ tức, thì năng lượng luôn luôn là những mã chứng khoán thú vị nhất.
Tình trạng hỗn loạn và biến động giá cả dữ dội trên thị trường năng lượng trong năm ngoái đã tạo ra cơ hội vàng cho các công ty kinh doanh năng lượng. Tờ Borsen ra tại Đan mạch lấy một ví dụ, lợi nhuận bùng nổ của công ty môi giới năng lượng Incommodities, lợi nhuận sau thuế tăng 849%, không phải gấp đôi gấp ba, mà là gấp 8,5 lần. Nhờ đó, tổng số cổ tức phụ trội từ kết quả kinh doanh năm ngoái của công ty môi giới đó nay sẽ chia cho cổ đông, lên tới 477 triệu kroner, khoảng 1.600 tỷ đồng.
Chứng khoán châu Âu đã tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm. Ảnh minh họa - Ảnh: THX/TTXVN.
Tiếp sau cổ phiếu năng lượng, các mã ngân hàng và du lịch cũng nổi bật về giá trị cổ tức sẽ chia trong tháng 7 này. Tại Pháp, nổi bật hơn cả năng lượng là đồ xa xỉ. Tờ Le Figaro của Pháp nhấn mạnh những giá trị đích thực của thị trường chứng khoán là những công ty có doanh thu và lợi nhuận đều, dòng tiền mạnh, tính chu kỳ thấp và ít vay nợ. Đó cũng chính là đặc điểm của 5 mã chứng khoán có mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay tại Pháp, trong đó có đến 3 liên quan đến hàng xa xỉ: Hermès, Louis Vuitton và L’Oréal, cộng thêm một hãng sản xuất chip bán dẫn và một hãng chế tạo vật tư điện lực.
Vậy nửa cuối năm nay sẽ ra sao? Tờ El Economista của Tây Ban Nha cho rằn, sẽ là thuận lợi. Tăng trưởng lợi nhuận vẫn sẽ mạnh trong 6 tháng cuối năm. Cho tới lúc này thì chỉ số chứng khoán Ibex của Tây Ban Nha, Eurostoxx của châu Âu, DAX của Đức, CAC của Pháp hay MIB của Italy đều có hiệu suất cả năm cao hơn 10%.
Triển vọng đến cuối năm nay là tươi sáng, có thể tăng tới 17,9% trên sàn chứng khoán Pháp và 23,3% trên sàn giao dịch Italy. Tờ báo Tây Ban Nha dự đoán rằng viễn thông sẽ là một trong những ngành triển vọng trong năm 2023 này, trong khi cổ phiếu bất động sản sẽ khó mà hồi phục trong năm nay và cả năm sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.42932139030703202-gnaht-ton-gnab-ial-pehk-man-uad-aun-uac-naot-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.vtv