vĐồng tin tức tài chính 365

Cách Hàn Quốc thay đổi luật để bảo vệ nạn nhân bị xâm hại tình dục

2023-07-03 10:46

Choi bị tuyên có tội sau khi bên công tố và tòa án bác tuyên bố tự vệ của cô. Vụ án là một dấu mốc trong các bản án oan sai và là lời nhắc nhở về thực trạng quyền phụ nữ.

Kể từ đó, nhiều cuộc chiến pháp lý đã giúp xóa dần sự kỳ thị nữ giới và nâng cao nhận thức về quyền của các nạn nhân tội phạm tình dục ở Hàn Quốc.

Hôn nhân từng là 'giải pháp hòa bình' cho tội hiếp dâm

Choi, nạn nhân của vụ tấn công tình dục năm 1964, đã bị tòa án và thậm chí cả luật sư của cô thúc giục kết hôn với nghi phạm. Các bài báo trước đây cho thấy tình huống như vậy không hiếm gặp.

"Tòa án kết đôi bị cáo và nạn nhân" là tiêu đề của câu chuyện đăng trên ấn bản ngày 20/5/1973 của tạp chí Sunday Seoul. Bài viết đưa tin về việc các thẩm phán của Tòa án cấp cao Daegu đã tìm cách ghép cặp một nạn nhân 17 tuổi với kẻ hiếp dâm, cũng 17 tuổi.

"Các thẩm phán thuyết phục hai gia đình bằng cách nói rằng nạn nhân đã bị tổn thương, vì vậy tốt hơn là cả hai nên kết đôi và sống hạnh phúc, đồng thời cố gắng hứa hôn cho họ trước tòa", bài viết ghi lại.

Trên chương trình Crime Trivia của kênh tvN, luật sư Seo Hye-jin cho biết vào thời điểm đó, mọi người thường đề nghị kết hợp như vậy nếu đương sự trong các vụ án hiếp dâm chưa kết hôn.

"Cảnh sát, công tố viên, thẩm phán và thậm chí cả luật sư của Choi đều đề cập đến một đám cưới", luật sư Seo nói.

Việc này kéo dài đến những năm 1990, ngay cả khi quyền của phụ nữ dần được cải thiện ở Hàn Quốc thông qua Đạo luật Bảo vệ Nạn nhân và Phòng chống Bạo lực Tình dục, ban hành năm 1994.

Một bài viết đăng trên tờ Hankyoreh ngày 25/12/1998 cho biết, Tòa án cấp cao Seoul giảm án cho một kẻ hiếp dâm 23 tuổi xuống tù treo, sau khi cha mẹ của kẻ hiếp dâm và nạn nhân đồng ý giải pháp kết hôn. Nạn nhân lúc đó mới 17 tuổi.

Nạn nhân bị quấy rối tình dục lần đầu thắng kiện

Trước những năm 1990, cụm từ "quấy rối tình dục" thậm chí còn không tồn tại trong các cuộc đàm luận chính thống của công chúng. Chỉ đến năm 1996, với việc ban hành Đạo luật Bình đẳng Giới, cụm từ này mới xuất hiện lần đầu tiên trong luật pháp Hàn Quốc.

Năm 1993, nữ trợ giảng họ Woo tại Đại học Quốc gia Seoul cáo buộc sếp cũ, giáo sư Shin Jeong-hyu, vì đưa ra những nhận xét không phù hợp về tình dục và có hành vi tiếp xúc thân thể mà không có sự đồng ý của cô. Woo nói bị ông Shin sa thải vì từ chối tuân theo những đề nghị của ông ta.

Vụ kiến kéo dài 6 năm, ông Shin bị tòa án yêu cầu trả cho Woo 5 triệu won tiền bồi thường. Đó là phán quyết mang tính bước ngoặt, đánh dấu lần đầu tiên hành vi quấy rối tình dục bị trừng phạt về pháp lý tại Hàn Quốc.

Tòa án công nhận những cáo buộc về việc Shin chạm vào tay, vai và lưng của Woo mà không có sự đồng ý. Ông ta cũng thể hiện những hành vi không phù hợp như bình luận khi chạm vào tóc của Woo, mời cô đi ăn tối riêng kèm rượu sau khi Woo được tuyển dụng chính thức và nhìn cô từ trên xuống dưới.

Sau vụ việc, Đại học Quốc gia Seoul thành lập một ủy ban đặc biệt về bạo lực tình dục và đường dây nóng cho các nạn nhân vào năm 1998.

Cố thị trưởng Seoul Park Won-soon là đại diện pháp lý của Woo trong vụ án. Vào thời điểm đó, luật sư Park cho rằng vụ việc là cơ hội để đàn ông Hàn Quốc đối xử bình đẳng với phụ nữ và để nước này yêu cầu người sử dụng lao động đặt ra các quy định chống quấy rối tình dục.

Trớ trêu thay, chính Park bị cáo buộc quấy rối tình dục thư ký trong nhiệm kỳ thị trưởng thứ hai, năm 2020. Ông tự tử sau khi cảnh sát bắt đầu điều tra.

Chiến thắng của Woo phải trả bằng cái giá đắt. Dù thua kiện, Shin vẫn tiếp tục làm việc tại trường đại học danh tiếng cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2008, còn Woo không xin được công việc trợ giảng tại các cơ sở giáo dục khác.

Những tranh cãi thúc đẩy luật pháp hoàn thiện

Năm 2004, tòa án Hàn Quốc đưa ra phán quyết đầu tiên về tội hiếp dâm trong hôn nhân. Một người đàn ông nhận án 2 năm rưỡi tù với ba năm tù treo vì ép vợ quan hệ tình dục không đồng thuận. Với công luật, việc này cho thấy Hàn Quốc đã tiến bộ như thế nào kể từ phán quyết bác bỏ một vụ kiện giống hệt vào năm 1970 của Tòa án Tối cao.

Nhưng vẫn có phán quyết gây nghi ngại. Năm 2019, Tòa án cấp cao Gwangju hủy bỏ quyết định của tòa án cấp dưới về việc sa thải phó hiệu trưởng một trường tiểu học vì tội tấn công tình dục một nữ tài xế taxi 67 tuổi. Điều làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trên toàn quốc là lý do tòa án đưa ra rằng nạn nhân có "nhiều kinh nghiệm xã hội" và bà "dường như không bị sốc nặng" hay bị làm nhục do vụ việc.

Năm 2020, Tòa án Tối cao bác bỏ quyết định của tòa án Gwangju, cho rằng tuổi tác hay kinh nghiệm của nạn nhân không đồng nghĩa với việc có thể xem nhẹ vụ việc.

Dù không còn phổ biến như trước đây, những phán quyết như vậy cho thấy quyền của các nạn nhân tội phạm tình dục vẫn cần cải thiện.

Trong trường hợp của Choi, bà phải sống với tai tiếng là kẻ "cắn lưỡi", đã hủy hoại cuộc đời một chàng trai trẻ chỉ vì một nụ hôn. Năm 2020, ở tuổi 74, Choi đấu tranh để được xét xử lại vụ án. Tuy nhiên, đến nay, hai tòa án đã bác bỏ yêu cầu của bà.

Dù thừa nhận phán quyết ban đầu khiến Choi trở thành tội phạm là sai, các thẩm phán cho biết phán quyết "được đưa ra cách đây nửa thế kỷ trong bối cảnh văn hóa xã hội khác biệt".

Hàn Quốc đã thực hiện những thay đổi về luật pháp để bảo vệ nạn nhân của tội phạm tình dục, nhưng các nạn nhân nhấn mạnh rằng những thay đổi này nên được áp dụng một cách công bằng trong các trường hợp thực tế.

Tuệ Anh (Theo Korea Herald)

Xem thêm: lmth.4951264-couq-nah-o-cud-hnit-iah-max-ib-nahn-nan-auc-hnart-uad-couc/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cách Hàn Quốc thay đổi luật để bảo vệ nạn nhân bị xâm hại tình dục”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools