Đây là thông tin được ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) chia sẻ tại Tọa đàm: "Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ”.
Theo cơ quan này, các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, như bột ngọt, mỳ gói, đến hóa mỹ phẩm, hàng may mặc...là những nhóm hàng bị làm giả nhiều nhất.
Các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh đều "đau đầu" trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Cụ thể, hãng bột ngọt Ajinomoto, nhà sản xuất mỳ gói Acecook của Nhật Bản đều phản ánh bị thiệt hại lớn do hàng giả, hàng nhái.
Mỹ gói và bột ngọt là hai sản phẩm được người Việt Nam tiêu thụ rất nhiều, trong vòng 20 năm qua, số gói mỳ tôm được bán ở thị trường Việt Nam khoảng gần 30 tỷ gói.., đồng nghĩa doanh nghiệp bị mất một phần doanh số bởi hàng giả, hàng nhái thương hiệu, nhãn hiệu.
"Tập đoàn Procter & Gamble với các sản phẩm như mỹ phẩm, sữa tắm, xà phòng… cũng bị làm giả nhiều ở thị trường nội địa. Ngay cả đồ chơi trẻ em của một hãng rất nổi tiếng trên thế giới đó là Lego của Đan Mạch trong tháng qua cũng đã làm việc với chúng tôi hai lần về việc bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của sản phẩm Lego ở thị trường Việt Nam", ông Linh cho biết.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, các vụ việc vi phạm thương hiệu, nhãn hiệu ngày càng trở nên tinh vi. Phương thức kinh doanh hàng giả qua thương mại điện tử với nhiều thủ đoạn lẩn tránh làm khó cơ quan chức năng. Có đến 80-90% hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được tiêu thụ, mua bán trên mạng.
Hàng giả, hàng xâm phạm quyền thì thiệt hại đầu tiên chính là người tiêu dùng. Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI, họ cảm thấy không yên tâm đối với môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
Còn đối với các doanh nghiệp trong nước, thiệt hại về thương hiệu của doanh nghiệp rất lớn. Thương hiệu bị làm giả, làm nhái và nguy hiểm nhất là làm xói mòn sức sản xuất của doanh nghiệp khi phải cạnh tranh với hàng giả, giá rẻ.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, nhấn mạnh: "Doanh nghiệp muốn bảo vệ thương hiệu thì doanh nghiệp phải chủ động, cần có sự hợp tác giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong thực thi chế tài xử lý vi phạm".
"Khi đi công tác nước ngoài, tôi nhận thấy, Hải quan các nước đã có sự hợp tác với doanh nghiệp để nhận diện hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng. Ví dụ sản phẩm của Louis Vuitton, nếu một người mang hàng nhái thương hiệu này vào các cửa khẩu châu Âu, hải quan phân biệt được ngay đâu là hàng giả, hàng thật để thu luôn. Đấy là một sự hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ quan cơ quan thực thi pháp luật rất hiệu quả", ông Lập nói.
Thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tập trung vào các nhiệm vụ chính để bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp. Trong đó, tập trung kế hoạch trọng điểm về chống hàng giả tại hơn 20 tỉnh, thành phố có nhiều tụ điểm nổi cộm về hàng giả. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống trên nền tảng số, thực hiện kiểm tra đột xuất các đối tượng bán hàng trên mạng xã hội.
Việc kiểm tra, rà soát hàng giả và hàng nhái trên mạng sẽ là ưu tiên số một của lực lượng quản lý thị trường từ nay đến năm 2025.
Tuy nhiên, ông Linh cũng nhấn mạnh, để tăng hiệu quả bảo vệ uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp phải chủ động hơn nữa trong phối hợp với cơ quan chức năng.