Công ty khởi nghiệp Orbit Fab muốn chấm dứt tình trạng các vệ tinh vẫn còn hữu ích bị bỏ đi vì hết xăng giữa không gian. Họ đang xây dựng một mạng lưới kho tiếp nhiên liệu trên quỹ đạo có thể giữ vệ tinh hoạt động lâu hơn.
Nhận được sự hậu thuẫn của Bộ Quốc phòng Mỹ, Orbit Fab phát triển một tiêu chuẩn dành cho các cổng tiếp nhiên liệu đang được các nhà sản xuất vệ tinh sử dụng. Họ vừa huy động được 28,5 triệu USD, nâng khoản đầu tư mạo hiểm vào công ty lên 31,6 triệu USD.
Giám đốc điều hành Orbit Fab - Daniel Faber - cho rằng việc kéo dài tuổi thọ của các vệ tinh là một bước tiến tự nhiên so với tiêu chuẩn dành cho tên lửa tái sử dụng do SpaceX đặt ra. Tuy nhiên, xây dựng một cơ sở hạ tầng cho phép các vệ tinh được tiếp nhiên liệu là điều không đơn giản.
Nhà phân tích ngành vũ trụ Chris Quilty nói thật khó kêu gọi các nhà sản xuất đầu tư vào khả năng tiếp nhiên liệu mà không có cơ sở hạ tầng tiếp nhiên liệu và ngược lại, nên rất cần nguồn tài chính.
Các vệ tinh địa tĩnh lớn cung cấp năng lượng cho các ứng dụng như mạng truyền thông có thể tiêu tốn hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ USD, và việc phóng chúng có thể tiêu tốn hàng chục triệu USD.
Nhưng lực hấp dẫn từ Trái đất, Mặt trời và Mặt trăng đều có thể làm lung lay nhẹ những vệ tinh đó ra khỏi quỹ đạo mong muốn, và chúng cần nhiên liệu để giữ nguyên vị trí.
Orbit Fab đang định giá chi phí tiếp nhiên liệu cho một trong những vệ tinh này là 20 triệu USD cho 100kg hydrazine - một thành phần trong nhiên liệu tên lửa có thể giúp các vệ tinh giữ nguyên vị trí lâu hơn và kéo dài tuổi thọ hữu ích của chúng.
Faber nói lợi thế khác của việc tiếp nhiên liệu trong không gian là chi phí rẻ hơn so với việc phóng cùng một lượng nhiên liệu vào không gian ngay từ đầu. Nghĩa là không nhất thiết phải phóng đi vệ tinh với một bình xăng đầy, sẽ giúp cắt giảm chi phí đưa nó vào quỹ đạo.
"Chuyển chi phí vốn cho việc đổ tất cả nhiên liệu vào bình thành chi phí vận hành sẽ thay đổi cuộc chơi", người sáng lập Orbit Fab nói.
Được Faber và Jeremy Schiel thành lập năm 2018, Orbit Fab đã thực hiện một số bước xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp nhiên liệu trên quỹ đạo. Họ chứng minh rằng phần cứng tiếp nhiên liệu của mình hoạt động khi trở thành công ty tư nhân đầu tiên cung cấp nước cho Trạm vũ trụ quốc tế năm 2019.
Faber tin khi có đội ngũ lớn hơn, nhiều vốn hơn, Orbit Fab sẽ đẩy nhanh sự phát triển không chỉ của công ty mà cả ngành công nghiệp vũ trụ.
Chế phẩm sinh học từ vỏ tôm bảo quản trái cây lâu hơn của sinh viên Trường đại học Văn Lang (TP.HCM) đoạt giải đặc biệt cuộc thi khởi nghiệp Ra khơi năm 2023.