Theo đó, Bộ Nội vụ đề nghị UBND TP.Hải Phòng căn cứ quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các nghị quyết, quy định pháp luật có liên quan để rà soát, đối chiếu với các điều kiện tiêu chuẩn thực hiện quy trình, thủ tục xây dựng đề án điều chỉnh địa giới, thành lập đơn vị hành chính nêu trên. Trong đó, cần lưu ý gắn việc xây dựng đề án này với việc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố trong giai đoạn 2023 - 2030 theo Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị.
Đồng thời bám sát quá trình xây dựng, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền có liên quan. Trong quá trình xây dựng đề án, đề nghị UBND TP.Hải Phòng chủ động phối hợp Bộ Nội vụ để triển khai thực hiện bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Trước đó, vào ngày 12.6, Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Kết luận số 250-KL/TU về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện An Dương để mở rộng Q.Hồng Bàng. Theo đó, cắt 3 xã đường 5 của H.An Dương, gồm: An Hồng, An Dương và Đại Bản để sáp nhập vào Q.Hồng Bàng; đồng thời tiến tới thành lập đơn vị hành chính Q.An Dương thay vì H.An Dương.
Cả 2 nội dung trên sẽ được hoàn thành trước năm 2025.
Theo UBND TP.Hải Phòng, việc mở rộng địa giới Q.Hồng Bàng là để đảm bảo tiêu chí về quy mô, diện tích, dân số, cũng như đơn vị hành chính của một quận theo quy định của Bộ Nội vụ bởi một số phường trung tâm thuộc quận tới đây sẽ được sáp nhập do không đảm bảo tiêu chí dân số, diện tích.
Việc chuyển đổi từ H.An Dương thành Q.An Dương sẽ làm thay đổi diện mạo đô thị; chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây sẽ được nâng cao.
Hiện H.An Dương đã hoàn thành chủ trương sắp xếp 16 đơn vị hành chính xã để thành lập 12 đơn vị hành chính phường. Cơ sở hạ tầng tại nhiều xã đã và đang được TP.Hải Phòng đầu tư mở rộng, nâng cấp theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Các tuyến đường trục xuyên tâm đã được mở rộng, kết nối đồng bộ với các khu đô thị mới đang hình thành, các khu công nghiệp, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.