Theo Cục Thống kê Kiên Giang, kinh tế của tỉnh này 6 tháng đầu năm 2023 vẫn ổn định và đạt mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ; hầu hết các ngành, lĩnh vực đều tăng trưởng dương, đáng chú ý là các ngành dịch vụ và công nghiệp đều đạt mức tăng tương đối cao.
Ước tính tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm đạt trên 35.872 tỷ đồng, bằng 49,22% kế hoạch năm, tăng 6,37% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (khu vực I) ước tính 13.897,96 tỷ đồng, đạt 52,70% kế hoạch năm, tăng 2,49% so với cùng kỳ, đóng góp cho tăng trưởng chung 1 điểm phần trăm. Khu vực I tăng trưởng khá so với cùng kỳ chủ yếu do sản lượng nuôi trồng hải sản tăng khá, sản lượng lúa vụ mùa và vụ đông xuân cũng tăng hơn so cùng kỳ.
Tổng giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp và xây dựng (khu vực II) ước tính 7.151,09 tỷ đồng, đạt 45,52% kế hoạch năm, tăng 7,09% so với cùng kỳ, đóng góp cho tăng trưởng chung 1,4 điểm phần trăm, trong đó lĩnh vực công nghiệp đạt 4.102,51 tỷ đồng, tăng 9,91% so với cùng kỳ, đóng góp cho tăng trưởng chung 1,1 điểm phần trăm. Khu vực II tăng cao hơn năm trước là do một số ngành đạt mức tăng khá như: khai khoáng, sản xuất giày da, chế biến thuỷ sản... Tuy nhiên, ngành xây dựng tăng trưởng còn thấp do giá vật liệu xây dựng đều tăng cao, ảnh hưởng đến thực hiện nhiều công trình, dự án.
Tổng giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ (khu vực III) ước tính trên 12.862 tỷ đồng, tăng 10,79% so với cùng kỳ, đóng góp cho tăng trưởng chung 3,71 điểm phần trăm. Khu vực III tăng trưởng cao hơn cùng kỳ và đã đóng góp tích cực cho mức tăng trưởng chung, trong đó một số dịch vụ có mức tăng cao, như: dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải và du lịch lữ hành.
Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 1.960,67 tỷ đồng, tăng 4,55% so với cùng kỳ và đóng góp cho tăng trưởng chung 0,25 điểm phần trăm.
Về cơ cấu kinh tế (cơ cấu GRDP): Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 39,18%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 19,20%; khu vực dịch vụ chiếm 36,20%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,42% (cơ cấu này cùng kỳ năm trước lần lượt là 40,82%; 21,17%; 32,34%; 5,67%).
Tổng thu ngân sách trên địa bàn tháng 6 ước tính 825,90 tỷ đồng; luỹ kế 6 tháng ước tính 6.770 tỷ đồng, đạt 55,60% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, tăng 5,40% so cùng kỳ. Một số khoản thu đạt cao so với dự toán và tăng so với cùng kỳ, như: thu từ tiền sử dụng đất đạt 77,40%, tăng 126,51%; thu khác đạt 98,66%, tăng 47,50%; thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương đạt 55,16%, tăng 28,92%,...
Tổng chi ngân sách địa phương tháng 6 ước chi hơn 1.635 tỷ đồng; luỹ kế 6 tháng ước tính chi 7.071,93 tỷ đồng, đạt 41,46% dự toán năm, tăng 9,43% so cùng kỳ.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,28% so với tháng trước; sau 6 tháng, CPI tăng 1,18%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, chỉ có nhóm bưu chính viễn thông là bình ổn giá (bằng 100%), còn lại tất cả các nhóm khác đều tăng giá.
Trong đó, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng cao nhất với mức tăng 2,64%; kế đến là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,64%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,49%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,21%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 2,10%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,81%; nhóm giao thông tăng 0,77%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,48% (trong đó ăn uống ngoài gia đình tăng 2,30%).
Bên cạnh đó, tình hình thực hiện vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm gặp rất nhiều khó khăn, trước sự tăng giá và khan hiếm của nguyên vật liệu xây dựng. Tiến độ triển khai thực hiện một số công trình trọng điểm còn chậm, vốn giải ngân còn thấp; nhiều công trình, dự án khó triển khai do vướng mắc trong khâu thủ tục đầu tư, cơ chế chính sách đầu tư.
Ước tính tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đạt trên 19.939 tỷ đồng, bằng 45,52% kế hoạch cả năm và tăng 10,89% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước ước thực hiện 2.291,76 tỷ đồng, đạt 36,72% kế hoạch năm, tăng 34,86% so cùng kỳ (đầu tư công chỉ chiếm 11,49%, còn lại là đầu từ từ khu vực ngoài nhà nước chiếm 88,51%).
Tình hình hoạt động của phần lớn doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn. 6 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại đều giảm, doanh nghiệp tạm ngưng lại tăng lên.
Tính đến ngày 15/6, số doanh nghiệp được thành lập mới là 708 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký là 16.640,30 tỷ đồng, giảm 21,07% về số lượng và tăng 44,38% về số vốn đăng ký. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 23,50 tỷ đồng, tăng 82,87% so cùng kỳ, đây là tín hiệu tốt cho thấy quy mô vốn của doanh nghiệp đang có xu hướng tăng lên.
Sản xuất lúa năm nay thuận lợi hơn năm 2022. Tổng diện tích gieo trồng lúa vụ mùa và đông xuân là 349.538 ha, đạt 100,03% kế hoạch và giảm 0,45% so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch 2.526.089 tấn, đạt 104,21% kế hoạch và tăng 3,05% (tăng 74.767 tấn) so cùng kỳ.
Trong đó, diện tích gieo trồng lúa vụ mùa 68.499,20 ha, năng suất thu hoạch đạt 5,35 tấn/ha với sản lượng đạt 366.475 tấn, tăng 1,29% (tăng 4.679 tấn) so năm trước; diện tích gieo sạ vụ đông xuân 281.039 ha, năng suất đạt 7,68 tấn/ha với sản lượng đạt 2.159.614 tấn, tăng 3,35% so cùng kỳ.
Tình hình khai thác thủy sản đang dần được cải thiện do ngư trường dần được ổn định. Tuy nhiên, việc bảo vệ nguồn lợi để tái tạo nguồn thủy sản chưa được hiệu quả, trong khi vi phạm trong khai thác vẫn còn xảy ra.
Mặt khác, giá cả sản phẩm khai thác không ổn định, việc bảo quản sản phẩm sau khai thác chưa được đảm bảo dẫn đến hiệu quả khai thác thấp; nhiều phương tiện phải nghỉ dài ngày do chi phí khai thác cao, phương tiện hư hỏng khó tiếp tiếp cận vốn vay từ ngân hàng…
Do đó, sản lượng khai thác 6 tháng đầu năm chỉ đạt gần 83,90% sản lượng so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất thủy sản tháng 6 ước tính 4.218,09 tỷ đồng; luỹ kế 6 tháng ước đạt 16.013,32 tỷ đồng, đạt 44,93% kế hoạch năm, tăng 0,56% so với cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp tương đối ổn định và đạt mức tăng trưởng khá cao. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 6 ước đạt 1.296,49 tỷ đồng; luỹ kế 6 tháng ước đạt 22.197,33 tỷ đồng, bằng 46,07% kế hoạch năm, tăng 10,24% so với cùng kỳ.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,37%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước tăng 8,40%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 5,73% và ngành khai khoáng tăng 11,58%. Một số sản phẩm đạt mức kế hoạch năm khá cao và tăng so cùng kỳ, như: giày da đạt 55,32%, tăng 24,25%; tôm đông lạnh đạt 58,40%, tăng 15,65%...
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 ước đạt gần 11.768 tỷ đồng; luỹ kế 6 tháng ước tính đạt trên 68.101 tỷ đồng, bằng 58,13% kế hoạch năm, tăng 21,57% so cùng kỳ.
Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 40.080,83 tỷ đồng, tăng 16,11% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 13.736,42 tỷ đồng, tăng 73,12% so cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 391,24 tỷ đồng, tăng 68,64% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động dịch vụ khác đạt 13.892,55 tỷ đồng, tăng 4,21% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 6 ước đạt 101,37 triệu USD; luỹ kế 6 tháng đạt 488 triệu USD, đạt 47,84% kế hoạch năm và tăng 1,81% so cùng kỳ.
Trong đó, xuất khẩu tháng 6 ước đạt 85,90 triệu USD; luỹ kế 6 tháng ước tính 410 triệu USD, đạt 47,67% kế hoạch năm, tăng 1,18% so với cùng kỳ. Nhập khẩu tháng 6 ước đạt 15,47 triệu USD; luỹ kế 6 tháng ước tính 78 triệu USD, đạt 48,75% kế hoạch năm, tăng 5,23% so với cùng kỳ. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu vẫn là nguyên liệu dùng cho sản xuất.
Các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục được phục hồi và phát triển. Ước tính khách du lịch trong tháng 6 đạt 947,41 ngàn lượt khách; luỹ kế 6 tháng ước đạt 4.952,95 ngàn lượt khách, bằng 59,67% kế hoạch năm, tăng 35,81% so cùng kỳ.
Trong đó, khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch là 2.306,08 ngàn lượt, tăng 37,53% so cùng kỳ; khách quốc tế 354,99 ngàn lượt, đạt 101,43% kế hoạch, tăng 514,14% so cùng kỳ.