vĐồng tin tức tài chính 365

Bốn cha con và chiếc xe vé số

2023-07-04 11:08
Mùa hè, ông Đáng phải đẩy cả ba con đi bán vé số vì ở nhà không có ai trông coi

Mùa hè, ông Đáng phải đẩy cả ba con đi bán vé số vì ở nhà không có ai trông coi

Người dân khu đường số 36 (TP Thủ Đức, TP.HCM) đã quen với cảnh một người cha đẩy xe đưa con đi bán vé số. Đang mùa hè nên trên xe có cả ba đứa trẻ vì em lớn được nghỉ học. Đó là ông Ngô Quang Đáng (57 tuổi) và ba cậu con trai. Cả ba em đều chậm phát triển, ông phải đưa đi cùng vì để ở nhà không ai trông nom.

Dạo này nhiều bữa mệt nhưng tôi phải đi bán, không dám nghỉ vì cha con lấy gì mà sống.

Ông NGÔ QUANG ĐÁNG

150 tờ vé số nuôi giấc mơ con

6h sáng, từ con hẻm nhỏ, Vinh (Bi A), Minh (Bi E), Quang (Bi K) trèo lên chiếc xe đẩy bề dài chừng 1m, có mái che do ông Đáng chế thêm. Người cha đội chiếc nón sờn rồi bắt đầu hành trình. Vòng qua đường Kha Vạn Cân, đường số 37, qua khỏi ngã tư Bình Thái đông đúc quẹo vào đường Đỗ Xuân Hợp, ông vừa đi vừa mời vé số. Ba đứa trẻ ngồi ngó dòng xe cộ và đùa giỡn với nhau.

Bán hết cũng gần 11h, ông đẩy con về. Ba đứa trẻ cộng lại gần 70kg, lưng áo gầy của ông đẫm mồ hôi. Tới nhà, con lăn ra nghịch ngợm, ông hâm lại phần đồ ăn do một chủ quán cho để ăn trưa.

Bữa ăn đơn giản, cậu nhóc Vinh (10 tuổi), Quang (5 tuổi) ngồi nhỏ nhẻ bẻ từng miếng bánh mì. "Ăn đi con, chạy miết", ông vừa nói vừa đút miếng bánh mì cho bé Minh (7 tuổi). Nhìn thoáng qua chẳng ai biết cả bốn cha con đều chậm phát triển, phải nương tựa nhau mà sống.

Xong bữa, người cha ngồi nghỉ mệt và kể về cảnh sống của mình. Từ khi vợ không còn ở nhà, ông nhiều lúc ngẩn ngơ so với trước. Đầu óc ông vốn chậm hơn người ta, nay phải gánh gồng một lúc ba đứa trẻ. "Đêm nào cũng 3h là tôi thức rồi. Trong năm học, sáng nào tôi cũng thường chuẩn bị nọ kia rồi 6h kém chở Bi A tới trường, sau đó về đẩy xe đưa hai đứa em nó đi bán vé số", ông kể.

Mùa hè, những cơn mưa làm khó mấy cha con. Ông nói: "Tuần trước ba đứa nhỏ bệnh, cảm sốt thấy thương nên tôi phải nghỉ mấy ngày. Những lúc ở nhà cũng phải dòm chừng tụi nó cẩn thận, quên quên là con chạy chơi tuốt ngoài đường mất hút". Bé út 5 tuổi nhưng chưa biết nói, chỉ ú ớ vài tiếng.

Ông nhớ lại trước đây cảnh nhà không tới nỗi nào, dù thiếu thốn nhưng có vợ cùng lo liệu trong ngoài. "Trước đây mỗi ngày tôi bán 200 tờ, giờ ế hơn với mưa gió nên chỉ bán 150 tờ, cũng lo được tiền ăn uống cho con". 

Nói rồi ông thắp nén nhang lên bàn thờ, nơi đặt khung ảnh bé Yến Nhi, con gái đầu của mình, giọng buồn bã: "Lúc nó mất là 15 tuổi, mới hồi năm rồi, bị bệnh não".

Bốn cha con bên nhau ăn phần bò kho được người ta thương cho   - Ảnh: YẾN TRINH

Bốn cha con bên nhau ăn phần bò kho được người ta thương cho - Ảnh: YẾN TRINH

"Con thích học môn toán"

Trong căn nhà tường xỉn màu ngã sang nâu, ông Đáng treo hai bức tranh Vinh vẽ. Một bức là đồng quê xanh xanh tươi sáng, bức kia là người phụ nữ với dòng chữ "Sự tích cây vú sữa". Phía tường đối diện là giấy khen năm lớp 1 và lớp 2 của con và danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ. Trong góc cầu thang là chiếc xe lăn xếp gọn mà ông xin cho con gái, con chưa kịp dùng thì đã qua đời. Ngoài ra không còn gì đáng giá.

Nhắc về việc học của con, ông nói: "Bi A thích học lắm. Con ít nói, nhát, ai thân thân con mới nói chuyện". Nghe vậy và khi được hỏi thích môn nào nhất, Vinh nói môn toán và nói được 10 điểm. Em lấy sách vở của năm học vừa rồi, khoe những bài giải của mình với nét chữ mực tím nắn nót. Hết hè em sẽ lên lớp 4.

Nhìn con soạn sách, ông cho biết trước đây vợ ông ở nhà thường kèm bé học và chăm lo các con. "Tôi đẩy mấy đứa nhỏ đi bán vé số, có người không tin tôi là cha tụi nhỏ vì nhìn tôi già quá. Mà thiệt, chưa tới sáu mươi mà như bảy mươi" - ông nói thêm cũng muốn để con ở nhà cho đỡ mưa nắng nhưng không có ai trông coi.

Việc tiếp thu của Vinh chậm hơn trẻ bình thường, nhưng em luôn cố gắng. Nhắc đến cậu học trò có nụ cười sáng bừng, cô Vũ Viết Kim Ngân (giáo viên chủ nhiệm năm lớp 3) xúc động cho biết em luôn nỗ lực học tập. "Giờ ra chơi Vinh hay ngồi lại để làm bài tập cho kịp. Thương em, chúng tôi cũng giảng kỹ hơn, nhắc lại nhiều lần và hôm sau ôn để em nhớ lâu", cô nói.

Cảnh nhà khó khăn, bé Minh (em của Vinh) 7 tuổi vẫn chưa tới trường. Bé hiếu động, hay chạy giỡn rồi ngồi chơi trò lắp ráp với bé út. Góp chuyện, chị Thảo (25 tuổi, trọ gần nhà ông Đáng) chia sẻ rằng có thời gian rảnh là chị chỉ Minh ghép vần, làm phép tính cộng trừ. "Lâu lâu bé chạy qua, nói tìm cô Thảo, tôi thấy thương nên hay mua sữa cho bé", chị tâm sự với giọng yêu thương.

Cố lo cho con, dù rằng...

Những năm tháng đi phụ hồ rồi chuyển qua bán vé số dãi dầu mưa nắng khiến sức khỏe ông Đáng sa sút nhiều. Ông xoa xoa hai lòng bàn chân có những cục như mắt cá cộm to hơn nút áo. "Hồi đó tôi lội chỗ này chỗ nọ, giẫm gai nhưng không để ý. Lâu năm nó dày lên hoài, đi bệnh viện nạo không hết", ông nói. Ngày nào ông cũng ráng chịu đau đi bán, quãng đường đi về gần 20km, không đi thì lấy gì nuôi con.

Thương cảnh ngộ mấy cha con, người ta cho khi mấy ký gạo, khi mì gói, ổ bánh mì. Chòm xóm rành rẽ hoàn cảnh, nhìn thấy là hỏi han. Ông nói những lúc đó "thấy đỡ buồn". "Năm học vừa rồi Bi A được trường lo, lo luôn tiền bán trú nọ kia. Mấy thầy cô tốt lắm, hồi đầu năm học cũng xuống thăm, dặn tôi ráng cho con đi học", ông kể. Thầy cô cũng xót khi thấy Minh (Bi E) chưa được đến trường, "tôi cũng muốn con đi học nhưng sợ không biết lo nổi không".

Một người cha trí não chậm chạp chăm nom cho ba đứa con là điều không hề đơn giản. Bù lại, ông có một tình thương con khiến người khác cay cay sống mũi. Thấy mắt con chớm đỏ, ông ngoắc: "Bi E, vô đây ba nhỏ mắt". Cậu bé gối đầu lên chân cha, ông dỗ cho con mở mắt to để nhỏ thuốc. Tiếp nữa, thấy bé út người nong nóng, ông nhắc tụi nhỏ ngủ trưa.

Căn nhà khi mấy đứa trẻ đã ngủ trở nên lặng lẽ. Ông ngồi ngó ra cửa, nói nghèn nghẹn: "Tôi mong mình khỏe, lo cho mấy đứa nhỏ lớn lẹ lẹ. Người ta nói hay là đem gửi bớt vô mái ấm, nhưng tôi không muốn, con mình chỉ có mình chăm sóc tốt được thôi. Tôi cũng mong vợ sớm về, mấy đứa nhỏ nhớ mẹ".

Rút ruột nói những lời này, ông lại âu yếm nhìn con. Ba đứa trẻ với gương mặt thiên thần, khóe miệng nhoẻn cười như đang mơ một giấc mơ tươi đẹp.

Cô Kim Ngân cho biết ở lớp bạn bè hiểu hoàn cảnh của Vinh nên rất thương quý em. Tự biết cảnh nhà, mỗi khi trường lớp tổ chức đi chơi, Vinh lại thẽ thọt "em không đi được", nhưng cả lớp chung tay để em đi cùng mà không thấy tủi thân.

"Chi phí năm học này của em là từ quỹ khuyến học của trường và sự đóng góp của hội phụ huynh. Chúng tôi cũng đã làm danh sách đề xuất ủy ban phường có phương cách hỗ trợ Vinh. Hội phụ huynh, thầy cô và cộng đồng sẽ cố gắng giúp đỡ phần nào, tạo điều kiện cho em học tập, sau này có thể giúp được bản thân và gia đình", cô chia sẻ.

Ông Lê Xuân Biếc (75 tuổi, tổ phó tổ dân phố 5, khu phố 8, phường Linh Đông, Thủ Đức) cho biết hoàn cảnh ông Đáng khó khăn, chính quyền địa phương và khu phố cũng có những phần quà hỗ trợ. "Ổng cũng chịu khó và rất thương con, bốn cha con thường đẩy xe đi bán tới gần trưa, hay đi ngang chỗ tôi", ông Biếc nói.

Người bán vé số lại lẻ loi giữa phố phườngNgười bán vé số lại lẻ loi giữa phố phường

TTO - Sài Gòn đang trong đợt dịch thứ tư nghiêm trọng hơn mấy lần trước. Một lần nữa, COVID-19 khiến những người bán vé số lâm vào cảnh ngặt nghèo.

Xem thêm: mth.6865620140703202-os-ev-ex-ceihc-av-noc-ahc-nob/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Bốn cha con và chiếc xe vé số”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools