Nội dung đó được thể hiện trong báo cáo kết quả 3 năm triển khai Đề án chuyển một số huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021 - 2030 do UBND TP.HCM vừa báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM.
Đề án này có 10 đề án nhánh do các sở, ngành và UBND 5 huyện ngoại thành (Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ) thực hiện. Đến nay, có 2 đề án nhánh hoàn thành gồm: đề án "Con người đô thị" do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM chủ trì, và đề án "Quản lý nhà nước" do Sở Nội vụ chủ trì.
Đối với 3 đề án nhánh còn lại (kinh tế đô thị, văn hóa đô thị, hạ tầng đô thị) và 5 đề án đầu tư - xây dựng của 5 huyện, đến nay đã hoàn thành các nội dung cơ bản và đang hoàn thiện.
UBND TP.HCM đánh giá đề án này là cơ hội, điều kiện cho thành phố tập trung các nguồn lực để đầu tư, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, góp phần nâng cao đời sống người dân 5 huyện.
Dù vậy, việc triển khai cũng gặp nhiều khó khăn do đây là cách làm mới, chưa có tiền lệ khiến nội dung các đề án nhánh sẽ thiếu tính đồng bộ, có nhiều cách hiểu và yêu cầu chưa thống nhất.
Việc điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 và sự thay đổi tiêu chí, tiêu chuẩn về đơn vị hành chính của Quốc hội cũng đòi hỏi các đề án đều phải tổ chức rà soát, cập nhật cho phù hợp với quy định mới.
Mặt khác, nhu cầu vốn triển khai đề án rất lớn nhưng khả năng cân đối vốn của TP.HCM còn hạn chế. Điển hình như trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025, hiện ngân sách chỉ tập trung giải quyết các dự án chuyển tiếp và chưa đủ nguồn vốn đầu tư các dự án mới.
TP.HCM ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư cho 5 huyện giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 242.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, kết quả phân tích của Sở QH-KT cho thấy cơ hội thu lại giá trị gia tăng từ đất nếu khai thác tốt, ước tính có thể đạt khoảng 528.000 tỉ đồng trên địa bàn 5 huyện trong 10 năm tới.
Do vậy, TP.HCM cần ưu tiên đầu tư các dự án, đề án mang tính động lực trước, làm đòn bẩy để phát triển lan tỏa ra các khu vực khác trên địa bàn 5 huyện ngoại thành. Đồng thời, vận dụng cơ chế, chính sách khai thác tối đa giá trị gia tăng từ đất thông qua phương thức điều tiết và nguồn thuế, phí.
5 huyện ngoại thành TP.HCM đều chọn chuyển lên thành phố
Theo quy định, nếu chuyển đổi lên đơn vị hành chính quận thì 5 huyện phải đạt tiêu chí của đô thị loại đặc biệt, đồng thời phải có đủ 100% các xã đủ tiêu chí để chuyển đổi sang phường. Trong khi đó, hầu hết các địa phương như huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh đang còn diện tích đất nông nghiệp khá nhiều.
Do vậy, mô hình thành phố thuộc TP.HCM là phương án được 5 huyện ngoại thành lựa chọn. Điều này đáp ứng mục tiêu chuyển 5 huyện thành đơn vị hành chính cấp đô thị, nhưng vẫn giữ lại một số khu vực nông nghiệp.
Về các nhiệm vụ trọng tâm, UBND TP.HCM xác định cần ưu tiên bố trí kinh phí đối với công tác lập quy hoạch phân khu cho các huyện, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể để thuận lợi triển khai, trong đó có khâu chuẩn bị nguồn lực và phân kỳ đầu tư.
Khi giao nhiệm vụ, cần đưa ra định mức và dự toán cụ thể, chi tiết để triển khai nhanh do một số huyện như Bình Chánh đang phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại III và làm thủ tục đề nghị công nhận thành phố thuộc thành phố vào năm 2025.