“Hiện nay, mức độ tăng CPI khoảng 3,29%. Như vậy, chúng ta có rất nhiều dư địa so với mục tiêu của Quốc hội là 4,5%, tạo điều kiện cho chúng ta tập trung hơn vào các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng”, ông Phương phân tích.
Tại phiên họp Chính phủ ngày hôm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo rất đầy đủ, chi tiết về tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã trình bày 2 kịch bản tăng trưởng cập nhật trên cơ sở kết quả của 6 tháng đầu năm cũng như dự báo một số bối cảnh, tình hình trong 6 tháng cuối năm.
Bối cảnh từ nay đến cuối năm cho thấy tình hình còn tiếp tục khó khăn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi như Thủ tướng Chính phủ đã kết luận. Chính vì điều đó, gắn với mục tiêu phải đạt theo nghị quyết của Quốc hội là 6,5% cả năm thì nhiệm vụ hết sức nặng nề. Mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đưa ra một kịch bản thấp hơn một chút, tăng trưởng ở mức 6% thì tăng trưởng quý III phải đạt 6,8% và tăng trưởng quý IV phải là 9%. Đây là 2 con số khá thách thức.
Nếu muốn đạt mục tiêu 6,5% của Quốc hội thì tăng trưởng quý III tối thiểu phải 7,4% và quý IV phải 10,3%. Mặc dù quý III của năm 2022 đã đạt con số trên 10%, nhưng năm nay khó hơn rất nhiều so với năm ngoái.
Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo điều hành của Thủ tướng cũng như của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất nhóm chính sách giải pháp. Đồng thời, trên cơ sở kết quả của 27 đoàn công tác của Chính phủ đi làm việc với địa phương thời gian vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã dự thảo nghị quyết chuyên đề đặc biệt cho 6 tháng cuối năm với tên gọi Nghị quyết về bảo đảm kinh tế vĩ mô thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương cải cách hành chính. Nghị quyết này cũng đã được trình xin ý kiến Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo nghị quyết để trình Chính phủ xem xét ban hành. Đây cũng là nghị quyết tập trung rất nhiều giải pháp để làm sao phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, xã hội từ nay đến cuối năm.
Có mấy nhóm vấn đề chủ yếu, trọng tâm từ nay đến cuối năm như sau:
Một là, với nhận định tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp và khó lường, Thủ tướng Chính phủ đặt trọng tâm vấn đề tăng cường phân tích dự báo. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm đối với các bộ, ngành, đặc biệt là các bộ, ngành liên quan đến thị trường quốc tế, nắm bắt chặt chẽ tình hình, diễn biến của quốc tế, trên cơ sở đó đề xuất kịp thời các giải pháp ứng phó linh hoạt trong mọi tình huống.
Hai là bám sát quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là phải giữ cho bằng được ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là yếu tố nền tảng để chúng ta thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các động lực tăng trưởng. Trên cơ sở như vậy, nhóm giải pháp này tập trung vào việc tiếp tục điều hành hàng hoá, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cũng như kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các chương trình, định hướng cải thiện lãi suất cho vay để kích thích, khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế cũng như tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ chính sách tài khóa về miễn, giảm thuế, triển khai các nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT 2%.
Trọng tâm thứ ba là rà soát tất cả động lực tăng trưởng để tác động kích thích tăng trưởng. Có hai khía cạnh để thúc đẩy động lực này. Đầu tiên là tháo gỡ khó khăn. Một trong những phân tích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, khi chúng ta tháo gỡ được một số khó khăn, điểm nghẽn thì đồng nghĩa chúng ta tăng thêm động lực cho tăng trưởng.
“Động lực xuất nhập khẩu đang gặp khó khăn, chúng ta tập trung vào động lực phát triển tiêu dùng trong nước, khuyến khích đầu tư, trọng tâm là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đây là một trong những nhiệm vụ để khắc phục được hạn chế về tinh thần trách nhiệm đối với một số cán bộ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tháo gỡ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp để khơi thông được động lực từ đầu tư của khu vực tư nhân. Cái cuối cùng không thể bỏ qua là bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân trên tất cả lĩnh vực của xã hội, đặc biệt trên hai lĩnh vực là y tế và giáo dục, gắn với đó là bảo đảm quốc phòng, an ninh”, Thứ trưởng Phương nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm, GDP tăng 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra là 6,2%. Mức tăng tuy thấp, nhưng đã thấy xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, quý II cao hơn quý I, góp phần cải thiện kết quả chung của cả 6 tháng đầu năm, tạo đà cho các tháng tiếp theo.
Cùng với đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 3,29% so với cùng kỳ, tiếp tục xu hướng giảm, tạo điều kiện tập trung điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ phục vụ thúc đẩy tăng trưởng. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 54% dự toán; kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 6 tiếp tục xu hướng tăng so với tháng trước, ước lần lượt tăng 3,6%, 4,5%, 2,6%. 6 tháng ước xuất siêu 12,25 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước là 1,2 tỷ USD. Đầu tư có dấu hiệu tích cực hơn, ước đạt 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ.
Nhiều địa phương thuộc vùng động lực quan trọng đã có mức tăng GRDP quý II cao hơn như TP. Hồ Chí Minh tăng 5,9%, Bình Dương tăng 5,7%, Đồng Nai tăng 4,8%, Bắc Giang tăng 13,8%...
Tình hình đăng ký doanh nghiệp có tích cực hơn, với 13.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 6; gần 7.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, gấp 3,1 lần so với cùng kỳ.
Mặc dù vậy, các thành viên Chính phủ đánh giá còn nhiều thách thức và cần xử lý. Nổi lên tốc độ GDP 6 tháng thấp hơn kịch bản đề ra, còn 4 địa phương tăng trưởng âm. Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ…