“Kẽ hở” trong từng “mắt lưới”
Câu chuyện bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nói không với các hoạt động khai thác thủy hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định đều có mối liên hệ sát sao với những điều tưởng chừng nhỏ nhặt, như chuyện những con cá nhỏ, cá con.
Lâu nay, để quản lý xã hội trên một lĩnh vực cụ thể, cần quy định những điều không được làm, những hành vi bị nghiêm cấm, những biện pháp chế tài. Trong khai thác thủy sản, đã có luật, nghị định, có thông tư hướng dẫn hẳn hoi, nghề nào bị cấm, ngư cụ nào không được phép sử dụng, khu vực cấm khai thác, thời gian cấm khai thác... Ngoài ra, còn quy định về kích thước từng loại mắt lưới. Trước đó là cả một quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo, tổ chức hội nghị lấy ý kiến từ cấp cơ sở, địa phương đến trung ương, tham vấn chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế. Khi hoàn chỉnh xong xuôi, các văn bản mới được trình ký ban hành, phân giao nhiệm vụ từng ngành, từng cấp chịu trách nhiệm thực thi, hướng dẫn thực hiện, triển khai cụ thể. Tưởng như quy định đã quá chặt chẽ rồi, ấy vậy mà ngày ngày, vẫn có những con cá nhỏ, cá con dính vào mắt lưới.
Ai cũng thấy, việc đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt sẽ làm suy thoái đa dạng sinh học, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên tự nhiên. Điều trái khoáy là tài nguyên càng khan hiếm, lại càng kích thích con người tiếp tục tranh giành. Ai nhanh chân thì còn, chậm chân thì mất, người này không đánh bắt thì người khác cũng đánh bắt.
Thương hay giận trước lời phân trần của nhiều người: “Mặc dù biết là sai, nhưng do tôm cá ngày một ít đi, nên buộc phải dùng lưới mắt nhỏ để đánh bắt mới mong có vài ký để bán kiếm tiền mua gạo, nuôi con”? Một vòng lặp không lối thoát: sự nghèo khó khiến người ta chấp nhận thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật. Vậy là những con cá nhỏ, cá con vẫn không cách nào thoát khỏi mắt lưới.
Hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản diễn ra hằng ngày ở cơ sở, được quản lý đầy đủ bởi cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cơ quan chức năng xã phường, thôn ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân tự quản… Ở cấp huyện, tỉnh thì có các lực lượng kiểm tra, thanh tra chuyên ngành cấp trên, các cơ quan dân cử giám sát. Trong mỗi hộ gia đình, cũng có người là hội viên, đoàn viên các tổ chức chính trị - xã hội. Có cả một hệ thống được tổ chức chặt chẽ, tại sao những con cá nhỏ, cá con vẫn không cách nào thoát khỏi những mắt lưới?
Thiết chế quản lý xã hội đã có, công cụ quản lý xã hội cũng không thiếu, nhưng vẫn có “kẽ hở” trong từng “mắt lưới” để lọt những vi phạm. Có phải con cá nhỏ, cá con chỉ là chuyện nhỏ, chuyện của ai khác? Có phải vì “trời sinh voi sinh cỏ”, cạn kiệt tài nguyên là chuyện của tương lai, hôm nay chỉ cần tính chuyện miếng ăn hằng ngày? Có phải đa dạng sinh học là chuyện của các nhà khoa học, của cơ quan quản lý cấp trên? Đây là những câu hỏi đau đáu, nhức nhối...
Không thể xem là chuyện nhỏ
Để luật pháp, quy định đi vào cuộc sống, cần truyền thông sâu rộng. Truyền thông chính sách khác với tuyên truyền pháp luật. Truyền thông phải có tính tương tác nhằm thay đổi nhận thức xã hội, nhất là những vấn đề đã ăn sâu vào tiềm thức, tập quán.
Đánh bắt cá ở Kiên Giang - Ảnh: H.L. |
Truyền thông không chỉ là phổ biến những điều không được làm, bị nghiêm cấm, mức độ chế tài nếu vi phạm... mà trước hết và quan trọng hơn là giải thích tại sao phải như vậy, mục tiêu, ý nghĩa dài lâu là gì. Truyền thông không chỉ một lần, bằng phương thức phát văn bản, đọc văn bản mà cần được giới thiệu thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức trực quan. Truyền thông không chỉ phổ biến trong nội bộ mà cần truyền thông đến xã hội, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp; một buổi sinh hoạt của đoàn thể cũng có thể lồng ghép nội dung phổ biến pháp luật.
Mỗi người dân đều sống trong một cộng đồng nào đó. Nếu có đủ năng lực, được trao quyền, cộng đồng sẽ tự điều chỉnh theo hướng tích cực. Cơ chế “cộng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản” khá thành công ở nhiều địa phương ven biển cần được nhân rộng. Khi cộng đồng ý thức được rằng, việc những con cá nhỏ, cá con không thể vượt qua mắt lưới sẽ ảnh hưởng đến lợi ích chung, họ sẽ lên tiếng. Tin chắc rằng, số lượng người có ý thức tuân thủ, thực hiện tốt các quy định chung luôn nhiều hơn những người vi phạm.
Tất nhiên, để quản lý nghiêm minh, cần đến các công cụ xử phạt, chế tài, chứ không thể chỉ dựa trên việc nâng cao nhận thức. Đó là trách nhiệm thực thi của các đơn vị liên quan, trước hết là ở cấp cơ sở. Tuy nhiên, quản trị xã hội mà chỉ dựa vào bộ máy công quyền thì sẽ không bao giờ là đủ nhân lực, nguồn lực và luôn chậm hơn những tình huống vi phạm. Do đó, cần tạo dựng thiết chế phù hợp để người dân tham gia “cộng đồng đồng quản lý”, cùng nhắc nhở nhau, phát hiện và thông báo cho cơ quan chức năng những trường hợp vi phạm. Ngoài ra, có thể kết hợp sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, truyền thông song song với việc áp dụng các công cụ, thiết bị giám sát thông minh.
Không thể xem việc cá nhỏ, cá con bị đánh bắt là chuyện nhỏ bởi vi phạm nhỏ được mặc nhiên tồn tại sẽ dần dẫn đến vi phạm lớn hơn. Một xã hội mà luật pháp bị xem nhẹ sẽ dẫn đến rối loạn trật tự, kỷ cương. Không thể cứ để cái khó, cái nghèo biện minh cho hành vi vi phạm. Việc bỏ qua những vi phạm nhỏ sẽ làm nghèo, làm cạn kiệt tài nguyên đất nước.
Tỉnh Kiên Giang quyết định tạm ngưng khai thác nghêu lụa đến hết năm 2023 - ẢNH: H.L. |
Ở nhiều nước, ý thức bảo vệ, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên được lồng ghép vào các chương trình giáo dục. Ngay từ cấp học nhỏ nhất, các cháu đã hiểu giá trị của đa dạng sinh học, vai trò của thiên nhiên đối với sự sống của con người và nghĩa vụ của mỗi người trong việc tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhờ đó hình thành những thế hệ biết sống có trách nhiệm với môi trường, với cộng đồng.
Gần đây, khái niệm phát triển bền vững thường được nhắc đến. Phát triển bền vững được hiểu nôm na là: thế hệ hôm nay tuyệt đối không vì lý do sinh tồn mà lấy đi những gì có thể để lại cho thế hệ mai sau. Nói cách khác, đừng để “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.
Phát triển bền vững, lồng ghép tuyên truyền và thực thi pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản phải được thảo luận và đưa vào nghị quyết cấp ủy, hội đồng nhân dân, kế hoạch hành động của chính quyền, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp ở cấp cơ sở. Đó là công việc cần thực thi hằng ngày chứ không phải tập trung trong từng đợt ra quân, hoặc chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu...
Đừng để đến thời con cháu mai này, “cá tôm đầy ắp” chỉ còn trong chuyện kể, lời hát, câu ca. Hãy hành động trước khi quá muộn.
Yêu cầu quản lý tốt việc đánh bắt thủy sản Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và đoàn công tác của Chính phủ vừa kiểm tra tình hình chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) ở 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Sau khi kiểm tra thực tế, chiều 28/6, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì buổi làm việc với 13 tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện IUU. Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương cố gắng quản lý tốt nhất các tàu cá, không để xảy ra vi phạm. Về lâu dài, các địa phương cần có cách làm phù hợp nhằm gia tăng, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Huỳnh Lợi |
Kiên Giang cấm khai thác nghêu lụa, sò huyết, hến đến cuối năm 2023 Ông Quảng Trọng Thao - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang - cho biết, sở yêu cầu ngưng khai thác nghêu lụa, sò lông, sò huyết, hến từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12 nhằm bảo tồn và phát triển nhuyễn thể 2 mảnh vỏ. Cụ thể, những tàu cá có chiều dài dưới 12m sẽ không được khai thác các loài này; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản không được thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh nhuyễn thể 2 mảnh vỏ được khai thác trong thời gian cấm. Thanh Trà |
Lê Minh Hoan
(Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Xem thêm: lmth.4065941a-ac-uac-ek-neyuhc-gnort-noc-ihc-mot-ac-ed-gnud/nv.moc.enilnounuhp.www