UBND TP.HCM vừa có báo cáo kết quả ba năm phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.
Theo UBND TP, năm 2022, tình hình dịch COVID-19 tại TP tiếp tục được kiểm soát tốt, TP giữ vững thành quả là vùng xanh với toàn bộ 21 quận, huyện, TP Thủ Đức đều là vùng xanh.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình dịch ở TP đang cấp độ 1, các ca mắc COVID-19 trên địa bàn TP hầu hết được quản lý chăm sóc tại nhà, số ca nặng được duy trì ở mức thấp và không có ca tử vong do mắc COVID-19.
Bác sĩ Trạm y tế xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh, TP.HCM) khám cho bệnh nhân bằng phần mềm hội chẩn từ xa với bệnh viện tuyến trên. Ảnh: NVCC |
Qua quá trình triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, UBND TP.HCM kiến nghị Quốc hội sớm ban hành “Luật Dự phòng và kiểm soát bệnh tật” quy định chi tiết về phòng bệnh và nâng cao sức khỏe, quản lý các bệnh không lây nhiễm, khám sức khỏe và lập hồ sơ sức khỏe của người dân.
Kiến nghị Quốc hội ban hành Luật về tình huống khẩn cấp để kịp thời ứng phó với thiên tai, đại dịch, nhất là có quy định về mua sắm thuốc, vaccine, hóa chất, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao... trong tình huống khẩn cấp.
Đặc biệt, kiến nghị Quốc hội ban hành Luật Đấu thầu mới, trong đó có quy định riêng về lĩnh vực y tế; đồng thời Bộ Y tế sớm mở rộng phương thức đàm phán giá thuốc, trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm...
Đối với Chính phủ, UBND TP.HCM kiến nghị ban hành quy định về mua sắm thuốc, vaccine, hóa chất, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao... trong tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Trung ương theo yêu cầu của Nghị quyết 20 với việc thiết lập được hệ thống cảnh báo dịch bệnh từ Trung ương đến xã, phường một cách đồng bộ, liên tục.
Kiến nghị Chính phủ xây dựng đề án tổng thể về đào tạo nhân lực cho y tế dự phòng; chính sách thu hút học sinh, sinh viên, học viên theo học ngành y tế dự phòng; chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp thỏa đáng đối với cán bộ, viên chức y tế, đặc biệt là cán bộ y tế làm công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Chính phủ cũng cần trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập để tự chủ về tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự và tài chính. Xem xét ban hành quy định tiêm vaccine phòng COVID-19 bắt buộc đối với các trường hợp có chỉ định tiêm theo quy định để tăng độ bao phủ vaccine phòng COVID-19 trong cộng đồng.
Theo UBND TP.HCM, nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu thuốc như hiện nay, TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế sớm triển khai kho dự trữ quốc gia các thuốc hiếm phục vụ cho hoạt động cấp cứu, điều trị bệnh nặng; có chính sách đặt hàng cho các nhà sản xuất trong nước ưu tiên sản xuất các loại thuốc cấp cứu, đặc trị như huyết thanh kháng nọc rắn và sớm có giải pháp giải quyết tình trạng chậm cấp số đăng ký mới, giấy phép nhập khẩu thuốc, trang thiết bị nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu khám, chữa bệnh.
Đáng chú ý, TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế có cơ chế, chính sách để phân bổ bác sĩ đa khoa về tuyến y tế cơ sở. Trong đó có quy định các bác sĩ mới tốt nghiệp phải có thời gian thực hành tại y tế cơ sở để được cấp chứng chỉ hành nghề, chẳng hạn 10 tháng thực hành tại bệnh viện, 8 tháng thực hành tại y tế cơ sở.
Từ đó, hướng đến có chính sách bắt buộc tất cả các bác sĩ có nghĩa vụ công tác tại y tế cơ sở trong một khoảng thời gian nhất định, ví dụ một năm.
Theo TP.HCM, hiện nay tỉ lệ bác sĩ đa khoa công tác tại trạm y tế ở TP.HCM là khoảng 0,25 bác sĩ/vạn dân, trong khi các nước trên thế giới dao động từ 3 - 10 bác sĩ/vạn dân.
Bộ Y tế cũng cần tiếp tục mở rộng danh mục thuốc cho y tế cơ sở, đặc biệt là danh mục thuốc của trạm y tế đảm bảo ngang bằng với danh mục thuốc dùng để điều trị ngoại trú của bệnh viện tuyến huyện.
Ứng dụng CSDL quốc gia để đảm bảo an sinh xã hội
Thời gian tới, UBND TP.HCM sẽ triển khai bảo đảm tiến độ tiêm vaccine; tăng cường vận động người dân tiêm vaccine; triển khai ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để quản lý, giám sát độ bao phủ vaccine phòng COVID-19 và phục vụ phân bổ vaccine hợp lý, hiệu quả.
Tăng cường đầu tư, củng cố hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao năng lực của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP; có cơ chế chính sách thu hút, tăng cường nhân lực có chuyên môn cao cho y tế cơ sở và y tế dự phòng; huy động lực lượng y tế tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch.
Ngành Y tế vừa đảm bảo các hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân, vừa có kế hoạch, kịch bản để sẵn sàng triển khai, thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, trạm y tế lưu động, bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực khi tình hình dịch bệnh diễn biến xấu.
Đồng thời triển khai kế hoạch theo dõi, khám và phục hồi thể chất, tâm lý cho người bệnh “hậu COVID-19”.
TP.HCM cũng đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ triển khai công tác bảo đảm an sinh xã hội cho các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.