Khách quốc tế qua cảng hàng không tăng gần 500%
Được ví như một trong 2 cánh của chiếc máy bay, ngành hàng không cũng háo hức không kém khi du lịch tháo được nút thắt visa để cùng cất cánh. Đại diện Hãng hàng không Vietravel Airlines đánh giá Việt Nam đang đứng trước thời cơ vàng để mở rộng thị trường khách với đối tượng đa dạng. Mới đây, danh sách Michelin tại Hà Nội và TP.HCM đã được công bố, đánh dấu mốc lịch sử khi những cái tên từ Việt Nam chính thức xuất hiện trong cuốn cẩm nang "số 1" về ẩm thực tinh hoa thế giới. Nhiều khách nước ngoài sẽ biết đến Việt Nam, muốn đến Việt Nam, không còn chỉ vì thiên nhiên, văn hóa mà còn để trải nghiệm nền ẩm thực đã được ghi danh vào tinh hoa ẩm thực thế giới.
Sân bay Nội Bài triển khai thí điểm xác thực CCCD gắn chíp và ứng dụng công nghệ sinh trắc học cho hành khách.
Đáng chú ý, hành khách quốc tế đạt hơn gần 15 triệu, tăng 493,5% so với cùng kỳ năm 2022. Hành khách trong nước đạt gần 42,4 triệu, tăng 2%.
Sự hồi phục về sản lượng hành khách quốc tế là do chính sách mở cửa của các quốc gia, trong đó có hồi phục của thị trường Đông Bắc Á. Tuy nhiên, sản lượng hành khách trong nước chỉ tăng 2% so với cùng kỳ 2022.
Để không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ, ACV đã và đang tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc điều phối hoạt động khai thác, giảm tối đa tình trạng ùn tắc sân bay, nhất là tại 2 cảng hàng không quốc tế lớn: Tân Sơn Nhất, Nội Bài vào các dịp cao điểm vận tải hành khách.
Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi số cũng được các cảng hàng không đẩy mạnh triển khai. Hiện nay, ACV đã hoàn tất triển khai thí điểm xác thực CCCD gắn chíp và ứng dụng công nghệ sinh trắc học vào làm thủ tục toàn trình cho hành khách đi máy bay; đồng thời, đang xây dựng phương án chi tiết thu phí tự động không dừng tại các cảng hàng không Đà Nẵng, Phú Bài, Cát Bi...
Ngoài ra, các hãng hàng không, các đơn vị phục vụ mặt đất cũng đang tăng cường nhân lực phục vụ, hướng dẫn hành khách làm thủ tục tại khu vực nhà ga đi, nâng cao hiệu suất phục vụ tại nhà ga đến, bố trí nhân viên của các hãng tại các khu vực bằng chuyền để nhanh chóng hỗ trợ giải phóng hành lý sau chuyến bay. Tại các cảng hàng không đều có lực lượng an ninh hàng không túc trực, bám sát tình hình thực tế để bố trí mở tối đa các điểm soi chiếu, giám sát hoạt động taxi, xe công nghệ để phân luồng, đón khách kịp thời.
Nâng thời hạn thị thực điện tử lên 90 ngày, tăng miễn thị thực lên 45 ngày "cú hích" mạnh thu hút khách quốc tế mùa cao điểm
Thông tin thêm trên TTXVN, ngày 15/8/2023, chính sách mang tính đột phá, tạo thuận lợi về thị thực (visa), xuất nhập cảnh mà Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực. Chính sách mới cùng với xu hướng thị trường tích cực, ngành Du lịch tràn đầy niềm tin vào khả năng thu hút lượng lớn khách quốc tế đến Việt Nam thời gian tới, nhất là vào mùa cao điểm du lịch quốc tế sắp tới.
Chính sách thị thực mới với những điều chỉnh vừa được Quốc hội thông qua cho phép kéo dài thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần; nâng thời hạn tạm trú cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày… Điều này đã mở ra nhiều cơ hội để thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính khẳng định: Chính sách thị thực được tạo thuận lợi hơn. Đây là cú hích rất mạnh đối với ngành Du lịch khi mùa cao điểm du lịch quốc tế cuối năm sắp đến. Mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay hoàn toàn có khả năng vượt chỉ tiêu đề ra. Theo đó, Việt Nam hoàn toàn có thể đón được 12 triệu khách quốc tế trong năm 2023.
Chính sách tạo thuận lợi hơn về thị thực sẽ giúp ngành Du lịch đa dạng hóa thị trường, tăng số khách đến Việt Nam, kéo dài khả năng lưu trú, tăng khả năng chi tiêu của du khách. Ngoài ra, chính sách này sẽ giúp tăng số khách đi lại bằng đường hàng không; tạo thuận lợi cho giao lưu thương mại quốc tế, thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Ngoài việc tiếp tục triển khai áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương cho nhóm 13 quốc gia đã được Việt Nam miễn thị thực đơn phương (gồm Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Belarus, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy), Hội đồng Tư vấn du lịch đề xuất Chính phủ ngay trong tháng 8/2023 cho phép mở rộng thêm 33 quốc gia được miễn thị thực đơn phương mà Hội đồng đã gửi đề xuất đến Bộ Ngoại giao.
Trong số này gồm 20 nước còn lại thuộc Liên minh châu Âu chưa được miễn thị thực cùng một số quốc gia khác có nhiều khách đến Việt Nam, có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ và chi tiêu cao. Đó cũng là những nước được nhiều nước trên thế giới, khu vực miễn thị thực, có quan hệ ngoại giao tốt đẹp, giao dịch thương mại phát triển tốt… như Mỹ, Australia, New Zealand, Canada, Thụy Sĩ...
Việt Nam cần tạo hiệu ứng mạnh hơn về câu chuyện chính sách visa thông thoáng. Cần cải thiện danh sách đơn phương miễn visa vào cùng một thời điểm để du khách có nhiều lựa chọn khác nhau. Du khách nào có hành trình du lịch ngắn thì vận dụng ưu đãi từ chính sách miễn visa đến 45 ngày; đối tượng có nhu cầu ở lâu hơn thì vận dụng công cụ visa online để được lưu trú tới 90 ngày.
TS Lương Hoài Nam, thành viên Tổ tư vấn du lịch Việt Nam (TAB)
Điểm danh những địa phương dẫn đầu doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm
Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 5.574.969 lượt người. Tổng số khách du lịch nội địa đạt khoảng 64 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 343,1 nghìn tỷ đồng.
Thông tin trên báo Chính Phủ, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 9 tỉnh/thành phố đạt doanh thu du lịch từ 10.000 tỷ đồng trở lên. Bên cạnh đó, nhiều địa phương có mức doanh thu đạt khá.
Tp.HCM đạt 80.833 tỷ đồng: Là trung tâm du lịch lớn, trong 6 tháng đầu năm 2023, Tp.HCM đã đón hơn 16,415 triệu lượt khách nội địa, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng khách quốc tế ước đạt hơn 1,941 triệu lượt, tăng 306% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 80.833 tỷ đồng, tăng 62,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Hà Nội đạt 44.880 tỷ đồng: Theo UBND Tp.Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, ngành du lịch Thủ đô đón 10,3 triệu lượt khách nội địa, tăng 22,6% so với cùng kỳ. Lương khách quốc tế đạt 2,03 triệu lượt, tăng 7 lần so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44.880 tỷ đồng, tăng 74,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Quảng Ninh đạt 16.660 tỷ đồng: 6 tháng đầu năm, Quảng Ninh đón 8,86 triệu lượt du khách, tăng 61% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 16.660 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước.
Thanh Hóa đạt 15.072 tỷ đồng: Với hơn 8,3 triệu lượt khách đến Thanh Hóa trong 6 tháng qua, tổng doanh thu từ du lịch của tỉnh ước đạt 15.072 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 63,2% kế hoạch năm 2023.
Khánh Hòa đạt 12.567 tỷ đồng: Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã đón 2,78 triệu lượt khách lưu trú, tăng 165,3% so với cùng kỳ, đạt 69,5% kế hoạch năm 2023. Trong đó, có hơn 780.000 lượt khách quốc tế, tăng gấp 17,6 lần so với cùng kỳ; hơn 1,9 triệu lượt khách nội địa, tăng 99,3% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt gần 12.567 tỷ đồng, tăng 126,2 % so với cùng kỳ.
Nghệ An đạt 11.491 tỷ đồng: 6 tháng qua, Nghệ An đón 4,9 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 11.491 tỷ đồng.
Bình Thuận đạt 11.348 tỷ đồng: Nửa đầu năm 2023, toàn tỉnh đón hơn 4,46 triệu lượt khách, tăng 86,36% so cùng kỳ năm 2022. Riêng khách quốc tế đạt 133.900 lượt, tăng 5,42 lần so với cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 11.348 tỷ đồng, tăng 2,52 lần so cùng kỳ năm 2022 và đạt 71,4% kế hoạch năm.
Lào Cai đạt 10.813 tỷ đồng: Tổng lượng khách đến Lào Cai đạt gần 3,783 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế đạt 237.139 lượt; khách nội địa đạt hơn 3,545 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 10.813 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2022.
Đà Nẵng đạt 10.618 tỷ đồng: Tổng doanh thu doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 10.618 tỷ đồng, tăng 39,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Trúc Chi (t/h)