Đối mặt vô vàn áp lực về việc làm, tài chính khiến nhiều người trẻ dần không còn muốn kết hôn, sinh con để tập trung vào sự nghiệp và bản thân mình.
Cũng từ đó khiến nhiều quốc gia đối mặt với một mối lo ngại lớn là tỉ lệ sinh thấp kỷ lục. Thậm chí, để thuyết phục người dân, đặc biệt những người trẻ, chịu sinh con, nhiều quốc gia chấp nhận "trả tiền" cho họ.
Cụ thể, Nhật Bản đã đưa ra những chính sách khuyến khích các gia đình sinh thêm con từ những năm 1990. 10 năm sau đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng lục tục triển khai các chính sách “khuyến đẻ” tương tự như người láng giềng Nhật Bản.
Trong khi đó, tại quốc đảo Singapore đã bắt đầu xuất hiện những chính sách khuyến khích sinh sản đầu tiên từ những năm 1987.
Chính phủ “trả tiền” để khuyến khích người dân sinh con
Theo Đài CNN, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã thừa nhận hồi tháng 9-2022 rằng chính phủ nước này đã cho hơn 200 tỉ USD để khuyến khích người dân sinh con trong suốt 16 năm qua.
Đặc biệt, kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5-2022, chính quyền Tổng thống Yoon đã hứa nâng gói trợ cấp cho các cặp cha mẹ có con dưới 1 tuổi từ 300.000 won lên 700.000 won (từ khoảng 230 USD lên 540 USD) vào năm 2023 và sẽ tăng lên đến 1 triệu won (khoảng 770 USD) vào năm 2024.
Chị Lee Jin Song, một người chuyên viết sách về xu hướng không kết hôn hoặc sinh con của những người trẻ tuổi, cho biết việc “trốn” kết hôn và sinh con ngày càng tăng cao bởi những định kiến đè nặng lên chính người phụ nữ.
Theo chị, xã hội Hàn Quốc coi những người phụ nữ là ích kỷ vì không tuân theo những định kiến truyền thống về hôn nhân và con cái, bỏ bê nghĩa vụ của phụ nữ đối với xã hội chỉ vì hạnh phúc cá nhân.
Nữ nhà văn nhấn mạnh áp lực kết hôn, sinh con và chăm sóc con cái trong một xã hội gia trưởng như Hàn Quốc đã đòi hỏi người phụ nữ phải hy sinh quá nhiều. Chính vì vậy, những người phụ nữ bắt đầu phản kháng khi họ dần khám phá ra rằng họ hoàn toàn có thể vẫn sống tốt mà không cần lập gia đình.
Cũng như Hàn Quốc, hôm 31-5 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng tiết lộ kế hoạch đảm bảo gói hỗ trợ hằng năm rơi vào khoảng 3,5 nghìn tỉ yen (khoảng 25,2 tỉ USD) trong vòng 3 năm tới cho việc chăm sóc trẻ em, trợ cấp sinh con và nuôi con.
Gen Z đất nước tỉ dân: Muốn ưu tiên cho cuộc sống riêng mình
Theo báo South China Morning Post, các cô gái trẻ Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ gen Z (những người sinh từ khoảng năm 1995 đến 2010), đang ngày càng mong muốn ưu tiên cho cuộc sống riêng của mình.
Đối với thế hệ trẻ Trung Quốc, hôn nhân không còn là ưu tiên hàng đầu của họ nữa và cả việc sinh con cũng vậy. Không những vậy, với thế hệ trẻ Trung Quốc hiện nay, thành công trong cuộc sống không còn là phụ thuộc vào kết hôn và sinh con như trước đây nữa.
Chị Janet Song (25 tuổi), nhân viên của một quán cà phê thú cưng tại Quảng Châu (Trung Quốc), nói với tờ South China Morning Post rằng chị không nghĩ sự hiện diện của chồng hoặc con có thể trở thành nhân tố giúp chị thành công.
“Hai chị họ của tôi đều là con một trong gia đình, họ đều đã kết hôn. Thế nhưng, chính họ cũng khuyên tôi không nên kết hôn và thậm chí là không cần sinh con nếu bản thân thật sự không muốn”, chị Song bày tỏ.
Đông Nam Á cũng không thoát khỏi nạn “thiếu trẻ sơ sinh”
Tổng tỉ suất sinh của người dân Singapore trong năm 2022 chỉ đạt 1,05 và là mức thấp nhất trong lịch sử quốc đảo này. Mức thấp kỷ lục từng ghi nhận trước đó là 1,1 được ghi nhận vào năm 2020 và 1,12 vào năm 2021, theo Đài CNA đưa tin.
Lãnh đạo Văn phòng Thủ tướng Singapore (PMO), bà Indranee Rajah nhận định rằng ngày càng có nhiều người trẻ Singapore trì hoãn việc kết hôn và sinh con.
Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của người dân Singapore cũng ngày càng được nâng cao. Việc này đã trở thành một thách thức đối với những cặp vợ chồng trẻ khi vừa phải nuôi con nhỏ, vừa chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ già.
Đối mặt với sinh hoạt phí cuộc sống ngày càng cao, thất nghiệp gia tăng, giới trẻ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản trở nên e dè trước việc hẹn hò và kết hôn.