Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Chi Mai - trưởng khoa tai mũi họng Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức - cho biết tai gồm có tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai ngoài ngăn cách với tai giữa và tai trong bởi màng nhĩ.
Tai ngoài gồm có vành tai và ống tai ngoài. Ống tai ngoài như một đường hầm của sụn và xương được lót bởi da.
Chiều dài ống tai ngoài ở người lớn gần 3cm.
Ống tai ngoài cong như hình chữ S, từ ngoài vào trong lúc đầu hướng lên, nhưng càng về phía màng nhĩ thì hướng ra trước và xuống dưới.
1/3 ngoài của ống tai là sụn, da ống tai có lớp dưới da tiết chất bã tạo ráy tai.
Ngoài ra, 2/3 trong ống tai là xương, da dính chặt vào xương và rất mỏng, có nơi chỉ có vài tế bào, rất dễ tổn thương cho dù ngoáy tai với lực nhẹ và với tăm bông nhỏ.
Da ống tai di chuyển rất chậm mỗi ngày, từ rốn nhĩ lan ra rìa màng nhĩ theo hình nan hoa.
Sau đó da bong di chuyển dọc theo ống tai, mang cùng ráy tai và các chất cặn ra ngoài cửa tai nhờ cử động của các lông tai rất mềm cùng với cử động nhai của hàm. Đó là cơ chế làm sạch tự nhiên của tai.
Bác sĩ Mai cho biết thêm, khi ngoáy tai bằng tăm bông, lớp lông mịn và chất bảo vệ cũng bị cuốn vào tăm bông nên ảnh hưởng đến việc đẩy ráy tai ra ngoài theo tự nhiên.
Ráy tai sẽ ứ lại theo thời gian. Ráy tai nhiều có thể gây ra các triệu chứng khó chịu như đau tai, ù tai. Nút ráy tai có thể gây giảm thính lực, chóng mặt...
Ngoài ra, động tác ngoáy tai thô bạo bằng tăm bông, móc tai kim loại hay móng tay có thể làm trầy xước da ống tai, làm tổn thương da ống tai và làm mất lớp bảo vệ tai, tạo cơ hội cho bụi bẩn, vi trùng, nấm vào trong tai, gây ngứa tai hoặc gây nhiễm trùng, nhiễm nấm tai.
Nhiều người cảm thấy sưng đau tai, ngứa tai và ù tai sau 2-3 ngày ngoáy tai là do tai bị nhiễm trùng, cần đến khám bác sĩ để điều trị.
Một số người có thói quen phải ngoáy tai sau khi tắm, là do ngoáy tai nhiều làm mất lớp lông tai và lớp bảo vệ tai nên không chống được nước vào tai và không đẩy được nước ra khỏi tai.
Bác sĩ Mai khuyến cáo, khi có ráy tai nhiều nên đến bác sĩ để làm sạch ráy tai bằng các dụng cụ chuyên dụng với phương pháp an toàn.
Nếu có thói quen ngoáy tai thường xuyên và không từ bỏ được, bạn nên đến gặp bác sĩ để được điều trị, tư vấn giúp bỏ được thói quen không tốt này.
TTO - Ngày 24-2, các bác sĩ Bệnh viện Tai mũi họng Cần Thơ vừa phẫu thuật cấp cứu cho một bé gái bị que inox ráy tai đâm thủng tai.