Đó là đánh giá của lãnh đạo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) tại Hội nghị Ban chấp hành VARS lần thứ 3, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra chiều 7/7.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm 2023 là giai đoạn vô cùng khó khăn với thị trường bất động sản nói chung, với hoạt động môi giới nói riêng. Có thể coi đây là những khó khăn chưa từng có khi số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng mạnh.
Trong khi đó, những doanh nghiệp còn lại hoạt động cũng phải mạnh tay trong việc sa thải nhân viên để duy trì nguồn lực, đảm bảo hoạt động. Làn sóng sa thải mạnh nhất từ trước tới nay khiến lượng môi giới trong ngành còn hoạt động ước chỉ còn khoảng 30 - 40% so với giai đoạn đầu năm 2022, đặt ra những thách thức không hề nhỏ. Bởi lẽ, môi giới không chỉ đóng vai trò cầu nối giữa chủ đầu tư và khách hàng, mà còn góp phần tạo nên thanh khoản, đóng góp vào việc xây dựng cùng phát triển thị trường.
Các doanh nghiệp môi giới bất động sản hoặc chủ đầu tư có bố trí bộ phận môi giới bán hàng có tỷ lệ sa thải 50% nhân sự trở lên dưới nhiều hình thức như dừng ký hợp đồng tạm thời trong 3-6 tháng, cho thôi việc, giữ chế độ cộng tác viên…
Hội nghị Ban chấp hành VARS lần thứ 3, nhiệm kỳ 2021 - 2026 |
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu đào tạo bất động sản, có trên 50% môi giới bất động sản đã bỏ nghề trong 1 năm qua. Phần lớn đang hoạt động là nhằm duy trì kết nối với nghề và khách hàng.
Phần lớn các môi giới bất động sản còn hoạt động là những người trong nghề lâu năm, do đó sẽ hiểu tính chu kỳ của thị trường nên đã quen với bối cảnh hiện tại. Còn đối với phần lớn môi giới vào nghề dưới 10 năm thì viễn cảnh này họ không thể tưởng tượng được.
Do đó, ông Đính cho rằng, với vai trò đại diện cho cộng đồng môi giới, bản thân VARS cũng cần có sự cải tổ để thể hiện rõ nét hơn vai trò của mình trong việc giám sát, quản lý và khuyến nghị với cơ quan quản lý nhà nước về các giải pháp riêng cho cộng đồng các nhà môi giới bất động sản.
Nhìn một cách toàn diện, ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch VARS, Tổng giám đốc DKRA cho biết, lượng môi giới sụt giảm, nhưng ở dài hạn lại là cơ hội để những môi giới bất động sản chuyên nghiệp “trụ vững” với nghề tiếp, qua đó nâng cao vị thế môi giới trong lĩnh vực bất động sản, thể hiện được tác động mạnh mẽ và sâu rộng hơn đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản và nền kinh tế.
Điểm sáng đáng chú ý trong bức tranh 6 tháng đầu năm của VARS là việc Hội đã kiện toàn được bộ máy nhân sự Ban chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Tổng Thư ký, Thường trực Hội và nhân sự làm việc chuyên trách ở các cơ quan chuyên môn, từ đó, sẽ làm tốt hơn trong các công tác hỗ trợ hội viên, tiếp thu, lắng nghe và có kiến nghị kịp thời tới các nhà quản lý.
Tuy vậy, hoạt động của Hội thời gian vừa qua vẫn còn nhiều khiếm khuyết với nhiều chỉ tiêu hoạt động chưa đạt được mục tiêu đề ra. Công tác hỗ trợ các hội viên vẫn còn hạn chế bởi nguyên nhân nhân lực và nguồn tài chính. Chưa kể, các hoạt động đào tạo vẫn chưa được đẩy mạnh như mong muốn do nhiều nguyên nhân khách quan,…
Theo dự báo của VARS, từ nay tới cuối năm, mặc dù thị trường có tốt hơn khi các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường bắt đầu thẩm thấu, nhưng nhìn chung, thị trường sẽ chưa thể hồi phục ngay, nên hoạt động môi giới vẫn còn gặp nhiều thử thách. Trong bối cảnh này, VARS sẽ càng cần phải thể hiện rõ nét hơn vai trò và vị thế của mình, giúp các sàn giao dịch, nhà môi giới vượt khó khăn để ổn định và phát triển.
Do đó, trong 6 tháng cuối năm, các mục tiêu trọng tâm của Hội sẽ tiếp tục vào công tác tái cấu trúc bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội, tập trung vào xây dựng các chương trình mang tính chiến lược để nâng cao và cải thiện hoạt động của môi giới. Đặc biệt, sẽ tập trung mạnh vào các chương trình đào tạo quy mô lớn, nâng chuẩn nghiệp vụ chuyên môn. VARS xác định nâng chuẩn nghề môi giới sẽ chìa khóa để nâng cao vai trò cùng vị thế của mình, từ đó đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của thị trường bất động sản.