TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, việc nới rộng cho vay không có tài sản đảm bảo hoặc chấp nhận tài sản đảm bảo là dòng tiền tương lai sẽ hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn cần thận trọng với nguyên tắc bất di bất dịch là đảm bảo an toàn hệ thống.
PV: Ông nhận định thế nào về hoạt động cho vay tín chấp hiện nay?
TS. Nguyễn Hữu Huân: Thực tế, vấn đề cho vay tín chấp là một hình thức vay rất văn minh, hiện đại, đã phát triển ở trên thế giới. Tại Việt Nam, các nhà băng cũng triển khai hình thức vay này từ nhiều năm nay; tuy nhiên mới chỉ phát triển mạnh ở những khoản vay nhỏ, phục vụ chủ yếu là khách hàng cá nhân. Đáng chú ý cho vay tín chấp với doanh nghiệp dường như đang phát triển mạnh hơn ở khối ngân hàng ngoại, các ngân hàng nội vẫn đang khá thận trọng, đặc biệt là với các khoản vay lớn. Việc ngân hàng cấp hạn mức cho vay tín chấp đang phụ thuộc vào khả năng giám sát dòng tiền của từng doanh nghiệp, uy tín, thương hiệu, thông tin về lịch sử trả nợ, phương án kinh doanh… của doanh nghiệp. Khi thông tin càng đầy đủ, rõ ràng, có nguồn tiền hình thành trong tương lai thì ngân hàng càng yên tâm cho vay, đặc biệt là với những khách hàng thân thiết, lâu năm tại tổ chức tín dụng.
PV: Vì sao các ngân hàng lại tỏ ra khá thận trọng với hình thức cho vay này?
TS. Nguyễn Hữu Huân: Có thể thấy rõ, sau khi trải qua đại dịch Covid-19, sức khoẻ của doanh nghiệp đã bị bào mòn đáng kể, mức độ rủi ro của các khoản vay được đánh giá cao hơn, kể cả với khoản vay có tài sản đảm bảo. Do đó, các ngân hàng cũng khó khăn trong quyết định cho vay. Bởi lẽ họ phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về cho vay, mục tiêu tiên quyết đó là không được hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.
Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, các ngân hàng cũng rất thận trọng khi cho vay tín chấp, trừ khi đó là doanh nghiệp rất lớn, hoặc vừa vay tín chấp vừa vay thế chấp. Và tùy vào khẩu vị rủi ro, khả năng quản trị của mỗi nhà băng để quyết định hạn mức cho vay.
Còn đối với doanh nghiệp, nhất là DNNVV, câu chuyện về minh bạch, hồ sơ, sổ sách, báo cáo tài chính rõ ràng… là điểm hạn chế của nhóm doanh nghiệp này. Ngoài ra, một số doanh nghiệp lại có quan hệ tín dụng ở nhiều ngân hàng, khiến các ngân hàng khó kiểm soát dòng tiền. Những lý do trên khiến các nhà băng chưa mặn mà cho doanh nghiệp vay tín chấp.
PV: Vậy, cần có những giải pháp nào để thúc đẩy cho vay tín chấp trong thời gian tới, thưa ông?
TS. Nguyễn Hữu Huân: Hiện tại khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang yếu do thiếu đơn hàng, đầu ra sụt giảm. Bên cạnh đó còn một bộ phận doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng lại không đủ điều kiện vay, không có tài sản đảm bảo. Do đó việc ngân hàng đẩy mạnh cho vay tín chấp sẽ tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.
Song, để ngân hàng có thể mạnh dạn cho vay tín chấp, trước hết về phía doanh nghiệp cần phải cải thiện minh bạch tài chính, cố gắng trở thành khách hàng thân thiết, gắn bó tại một tổ chức tín dụng. Khi đó, ngân hàng kiểm soát được dòng tiền và mạnh dạn cho vay. Ngoài ra, phải có những tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập.
Đơn cử như ở Trung Quốc có mô hình hệ thống chấm điểm xã hội, những người quỵt nợ sẽ bị hạn chế đi máy, bay, đến nhà hàng… Về phía ngân hàng, cần tích cực áp dụng công nghệ hiện đại, dựa vào thông tin từ nhiều phía để định danh khách hàng. Chẳng hạn, một công ty muốn vay vốn mà chưa có tài sản đảm bảo. Trường hợp này ngân hàng có thể đánh giá dựa trên hợp đồng mà công ty đã ký với đối tác, dòng tiền mà họ có thể có trong tương lai để quyết định cho vay. Ngoài ra, ngân hàng tích cực hơn trong việc đưa ra những gói sản phẩm, dịch vụ phù hợp hơn với doanh nghiệp.
Ở cấp vĩ mô, Chính phủ cần có nhiều chính sách hiệu quả hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là nhóm DNNVV. Trong xu thế phát triển tài chính hiện tại, việc đa dạng hóa các kênh huy động vốn cho doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu kinh doanh, đặc biệt qua thị trường chứng khoán, trái phiếu là những vấn đề rất cấp bách, không nên dựa vào mỗi tín dụng ngân hàng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Xem thêm: lmth.25602000042210202-nauq-uhc-gnohk-gnuhn-pahc-nit-yav-ohc-hnam-yad/nv.semitaer