Nghe cô thao thao bất tuyệt ở đầu dây bên kia, tôi chợt thấy lòng gợn lên nỗi thương cảm, mà không phải dành cho cô - người bạn đồng nghiệp từng gắn bó với nhau trong công việc nhiều năm trời. Tôi thương và đồng cảm với chồng cô, người tôi chỉ gặp và đáp lễ bằng cái chào hỏi sơ giao mỗi khi anh đến đón vợ ở cơ quan.
Những năm tháng "hy sinh"
Cô nói về tuổi thanh xuân của cô và những tháng năm mà cô cho là đã hy sinh quá nhiều. Và, cô chia sẻ về cuộc hôn nhân đã không còn có thể cứu vãn và duy trì được nữa.
Tôi nhớ về những ngày làm việc cùng phòng với cô, những lần thấy anh chờ đón vợ tan sở bên ngoài phòng bảo vệ. Tôi thường bắt gặp nụ cười tươi rói của anh khi nhìn thấy vợ bước ra, và đáp lại nụ cười ấy thường là cái cau mày khó chịu vì sự quá xuề xòa của anh làm cho cô cảm thấy không dễ chịu.
Cô kể với tôi và vài người khác rằng cô ghét cái bản tính nhà quê và sự cù lần của anh. Cô nói giờ có phải như cái thời ông bà cha mẹ mình nữa đâu khi quần áo giày dép bán đầy đường đầy chợ, đồ ăn thức uống ê hề.
Thế mà anh vẫn giữ lại những bộ quần áo từ cái thời năm Thìn bão lụt nào đó, vẫn ăn tiêu chừng mực... dù anh chưa bao giờ tiếc với vợ con, cha mẹ hai bên bất cứ điều gì.
Rồi cô kể về "sự chịu đựng" của cô những năm tháng qua, điều mà qua giọng kể của cô càng khiến tôi thấy rõ sự hy sinh của người chồng mà cô đang cố bằng mọi cách chứng minh là "cổ hủ và không chịu thay đổi".
Cô kể về những ngày vợ chồng cô mới vào thành phố này lập nghiệp, khi đó dành dụm mãi mới mua được chiếc Dream mơ ước. Anh nhường cô chiếc xe mới, hằng ngày đi làm bằng chiếc xe đạp cà tàng. Đến khi sắm được xe tay ga đắt tiền, anh cất chiếc xe đạp vào kho, đi chiếc Dream vợ thải ra. Cô nhiều lần bảo anh đổi xe sang, xịn hơn... nhưng anh chỉ cười: "Anh thích chiếc xe này".
Có không, thanh xuân của người đàn ông?
Tôi từng nhìn thấy những người đàn ông ăn vội bữa trưa với ổ bánh mì khô khốc hay hộp cơm mua từ những quán ăn bình dân hoặc chỗ rẻ tiền nhất để dành tiền lo cho vợ con. Tôi từng chứng kiến một người đàn ông vào tiệm mỹ phẩm mua cho vợ hũ kem dưỡng da và tuýp chống nắng đắt tiền trong khi anh mặc bộ đồ lao động cũ mèm.
Và sau khi anh rời đi, chị chủ cửa hàng mỹ phẩm, cũng là chỗ quen thân với tôi, kể rằng tháng nào tầm ngày 30 tây nhận lương xong anh cũng đều ghé qua chỗ chị mua ít mỹ phẩm cho vợ, cứ thế nhiều năm nay rồi.
Tôi từng chứng kiến cảnh cô bạn thân khóc nghẹn khi từ quê trở lại thành phố. Cô nói chuyến về thăm nhà bất ngờ giúp cô hiểu rõ hơn về cha, người mà mẹ cô sắp ly hôn vì cho rằng không đủ quan tâm và hiểu bà, vì bà đã "mất cả thời thanh xuân vì chồng vì con"...
Bạn kể bạn hoảng hốt vì nhà cửa trống hoác, những tài sản giá trị không còn thứ gì. Mãi sau bạn mới liên lạc được với cha. Ông đang trong bệnh viện với mẹ, bà đã qua giai đoạn nguy kịch và trải qua hai ca phẫu thuật. Hóa ra cha bạn đã bán vội mảnh đất để dành, và bán thêm những thứ có giá trị trong nhà để đủ tiền cho những ca mổ và trang trải các thứ chi phí.
Ông không nói với các con, để tất cả yên tâm học hành, làm việc. Ông nói riêng với bạn: "Mẹ con cũng đã dành cả thanh xuân để lo cho gia đình...". Bạn khóc nấc...
Thế nên ngay khoảnh khắc cô đồng nghiệp cũ nói về thanh xuân của cô, tôi đã phải thốt lên rằng: Có bao giờ em nghĩ chồng mình cũng có một thanh xuân đánh mất không? Chỉ là, ở đàn ông, người ta không gọi là thanh xuân hay nhan sắc... mà có tên gọi là "thời trai trẻ" hay đại loại thế. Đó cũng là điều vô cùng quý giá mà họ đã tận hiến cho gia đình, và cho người vợ.
Tôi nghĩ có lẽ cô đã quên sót những đóng góp của chồng mình. Cô không nhớ rằng cô và anh cũng từng có những năm tháng thật sự vui vẻ đầm ấm. Và điều quan trọng hơn: anh cũng có một thanh xuân đánh mất chứ không chỉ riêng cô.
Phụ nữ ơi, đừng tận hiến nhan sắc và thanh xuân cho bất cứ ai, thay vào đó là biết yêu thương bản thân, những người bên cạnh một cách sáng suốt và bằng tâm thế như khi ta ươm một cái cây vào đất. Ở đó, cây đã vươn lên nhờ đất và đất cũng giàu có từ cây.
Không chỉ riêng ai hưởng lợi mà không cho đi một điều gì đó. Cần nhìn nhận mọi cái theo lẽ công bình, công tâm... nhất là khi nơi đó là hoặc từng là gia đình của ta.
Hành trình làm lại cuộc đời của cô gái tù tội Hằng (Tường Vi) trong phim 'Hoa hồng cho sớm mai' nhận được sự thương cảm từ khán giả.