Các phiên tăng giảm đan xen nhau và thậm chí là tăng giảm kéo xả xảy ra ngay trong phiên, đặc biệt là sau thời điểm 14h chiều. Kết thúc tuần giao dịch 3 - 7/7, chỉ số VN-Index tăng 17,89 điểm lên 1138.07 tiệm cận kháng cự đỉnh vùng 1140 được tạo ra ở tuần trước. Đặc biệt ở phiên giao dịch cuối tuần, sau phiên sáng khá ảm đạm, thị trường đột ngột khởi sắc khi nhiều cổ phiếu đảo chiều xanh dưới sự dẫn dắt của VCB.
Động thái giao dịch của khối ngoại tuần qua khá trái chiều, đặc biệt là phiên thứ sáu. Khối ngoại mua vào mạnh VCB, giúp cho cổ phiếu này tăng 4,27%, đóng góp đến 5,2 điểm vào chỉ số và khiến cho tâm lý thị trường có phần hưng phấn. Tuy nhiên ở chiều ngược lại nhóm này lại bán ròng 1415.40 tỷ đồng trên sàn HoSE. Tập trung bán thoả thuận EIB, VHM, KDC và một loạt các cổ phiếu khác…
Thị trường đang vào giai đoạn cuối của nhịp tăng trung hạn nên thường sẽ xuất hiện nhiều phiên điển hình như phiên ngày thứ sáu vừa qua. Hành động dễ nhìn thấy nhất là kéo trụ khiến cho tâm lý đầu tư hưng phấn để thu hút dòng tiền vào. Thanh khoản ở những phiên giảm điểm thì khá cao, còn thanh khoản phiên tăng 11,85 điểm như thứ sáu lại khá thấp. Tổng giá trị khớp lệnh của phiên thứ sáu chỉ là 17.995 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Trên đồ thị tuần, VN-Index có cây nến tuần khá đẹp khi đóng nến cao nhất tuần. Tuy nhiên vùng đỉnh 1140 vừa tạo tuần trước giờ là cột mốc mới cần phải vượt qua nếu thị trường muốn tiếp tục đà tăng trung hạn. Tuần sau là tuần thứ 34 của nhịp hồi trung hạn kể từ tháng 11/2022, đây là thời điểm cực nhạy cảm, dễ xảy ra biến động.
Trong kịch bản tăng, VN-Index đóng nến tuần vượt vùng 1.140 kèm dòng tiền tham gia tốt thì nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu và kì vọng mục tiêu cao hơn. Trong kịch bản xấu hơn, nếu VN-Index giảm phá vỡ kênh hỗ trợ chéo thì thị trường dễ xác nhận kết thúc nhịp tăng và vào nhịp điều chỉnh trung hạn. Nhóm cổ phiếu bất động sản đang có dấu hiệu điều chỉnh trước khi một vài cổ phiếu đã về vùng hỗ trợ MA50 hoặc đã thủng cả MA20 và MA50 trên khung tuần.
Kết quả kinh doanh quý II vẫn rất ảm đạm
Trong báo cáo cập nhật triển vọng thị trường quý II/2023, Chứng khoán KBSV đã hạ dự báo tăng trưởng EPS toàn thị trường từ 5% ở báo cáo chiến lược gần nhất xuống còn 0,5% so với cùng kỳ 2022, sau khi số liệu quý I công bố cho thấy sự suy yếu mạnh hơn ước tính trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Thêm vào đó, bối cảnh vĩ mô trong nước sẽ chỉ thực sự khởi sắc từ quý IV, trong khi quý II và quý III sẽ tiếp tục ảm đạm và đối diện với nhiều rủi ro khiến hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp tiếp tục kém khả quan.
Nguyên nhân do sức mua và nhu cầu tiêu thụ hàng hóa ở thị trường nội địa lẫn quốc tế đều giảm đáng kể; dòng vốn đầu tư từ nước ngoài chậm lại do tình hình suy thoái, lạm phát từ các nền kinh tế lớn; thị trường bất động sản trong nước chững lại, rủi ro đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp tập trung trong quý II và quý III là rất lớn.
Bên cạnh đó, rủi ro nợ xấu ngân hàng gia tăng áp lực trích lập dự phòng và gánh nặng chi phí lãi vay ở mức cao so với cùng kỳ dù mặt bằng lãi suất đã hạ nhiệt từ mức nền cao cuối 2022.
Câu chuyện áp lực tỷ giá tăng
Sau nửa đầu năm ổn định và góp phần giúp cơ quan quản lý “tự tin” nới lỏng chính sách tiền tệ, tỷ giá USD với đồng Việt Nam đã có tín hiệu mới khi nhích tăng nhẹ kể từ đầu tháng 6 đến nay.
Tính đến ngày 7/7, tỷ giá chào bán tại Vietcombank ở mức 23.840 đồng/USD, giảm nhẹ so với ngày hôm qua (khoảng 60 đồng), nhưng vẫn tăng khá mạnh so với mức 23.750 đồng vào cuối tuần trước, và mức 23.650 đồng/USD vào đầu tháng 6.
Ngân hàng Nhà nước hiện đang để tỷ giá trung tâm là 23.833 đồng/USD. Tỷ giá dùng để tham chiếu này tăng khoảng 33 đồng so với cuối tuần trước và tăng khoảng 104 đồng so với đầu tháng 6.
Như vậy tỷ giá đang nhích tăng dần kể từ đầu tháng 6, đặc biệt tốc độ tăng thấy rõ hơn trong hai tuần gần đây. Tính chung với cả tháng 6, giá bán USD tăng tương ứng khoảng 0,8%, đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 10/2022.
Đây là rủi ro mà Ngân hàng Nhà nước phải cân đối khi đã quyết định đi ngược chính sách tiền tệ với hầu hết các nền kinh tế khác đặc biệt là nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ. Trong những động thái mới nhất, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn cho dấu hiệu tiếp tục tăng lãi suất thêm ít nhất 2 lần nữa. Đây sẽ là bài toán của Ngân hàng Nhà nước làm sao để đi ngược lại chính sách tiền tệ của Mỹ và vẫn giữ được sự ổn định của tỷ giá./.
Xem thêm: lmth.95602000042210202-auq-naut-naohk-gnuhc-gnourt-iht/nv.semitaer