Kết luận của Thanh tra tỉnh Bình Thuận cho biết Công ty Sông Dinh có nguồn gốc từ Lâm trường Sông Dinh, thực hiện nhiệm vụ sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích nhằm đảm bảo mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất gắn với quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng.
Công ty Sông Dinh được UBND tỉnh Bình Thuận cho thuê đất để thực hiện dự án cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt tại xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh với diện tích 1.125 ha (sau này điều chỉnh diện tích còn 694 ha). Công ty này đã thực hiện nghĩa vụ tài chính về thuê đất và được Sở TN-MT Bình Thuận cấp 8 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tháng 7.2008, Công ty Sông Dinh đã ký hợp đồng kinh tế với Công ty CP Phú Long trồng cao su với diện tích 70 ha, nguồn vốn do Công ty Phú Long bỏ ra, Công ty Sông Dinh phụ trách kỹ thuật và sẽ được hưởng 10% diện tích cao su. Thời gian hợp đồng kinh tế này kéo dài 49 năm.
UBND tỉnh chưa giao đất đã tự ý san ủi
Đáng chú ý, Thanh tra tỉnh Bình Thuận phát hiện Công ty Sông Dinh khi ký hợp đồng và giao đất cho Công ty CP Phú Long trồng cao su (năm 2009) nhưng vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền nhà nước có quyết định giao đất. Kết luận thanh tra khẳng định việc làm này là hoàn toàn trái với luật Đất đai. Dù sau này Sở TN-MT Bình Thuận có thanh tra nhưng vẫn không phát hiện Công ty Phú Long đã san ủi đất khi chưa có quyết định giao đất.
Thanh tra còn phát hiện đến tháng 6.2017, Công ty CP Phú Long đã chuyển nhượng toàn bộ quyền lợi ích hợp pháp của hợp đồng trồng cao su nói trên cho Công ty TNHH đầu tư Tân Hà với giá trị 21,7 tỉ đồng. Sau đó, Công ty TNHH đầu tư Tân Hà đã chuyển mục đích trồng từ cây cao su sang cây keo lá tràm.
Theo kết luận thanh tra, đơn vị chủ quản là Sở NN-PTNT đã thiếu trách nhiệm, không đôn đốc, yêu cầu Công ty Sông Dinh xây dựng phương án liên danh, liên kết là trái với chỉ đạo của UBND tỉnh.
Trên cơ sở các sai phạm mà đoàn thanh tra phát hiện, Thanh tra tỉnh Bình Thuận kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo Công ty Sông Dinh bổ sung (phụ lục) hợp đồng thuê đất; Đo đạc lại diện tích đã tự ý chuyển từ trồng cao su sang trồng cây keo lá tràm, cây xà cừ; Tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm các sai phạm mà thanh tra nêu tại kết luận này.
Đối với Sở NN-PTNT Bình Thuận, Thanh tra tỉnh kiến nghị phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân trực tiếp phụ trách dẫn đến các sai phạm trong kết luận đã nêu. Mặt khác, phải rà soát lại đề án cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt tại quyết định 1709/QĐ ngày 30.6.2008 của UBND tỉnh Bình Thuận.
Thanh tra tỉnh còn kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Cục thuế tỉnh rà soát, xem xét việc miễn tiền thuê đất tới 90% diện tích đất trồng cao su, trong khi đơn vị trồng cao su (Công ty CP Phú Long) không trực tiếp thuê đất, có đúng quy định pháp luật hay không?
Vì sao 10 năm mới phát hiện ?
Ngày 8.7, trả lời PV Thanh Niên, nguyên Chánh Thanh tra Sở TN-MT Bình Thuận Mai Văn Tam, cho biết việc chưa có quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà Công ty Sông Dinh đã giao cho Công ty Phú Long san ủi đất để thực hiện dự án là sai quy định.
Cũng theo nguyên Chánh Thanh tra Sở TN-MT Bình Thuận, luật cho phép thuê lại đất dự án nhưng với điều kiện phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước. "Theo tôi, việc cho miễn, giảm tiền thuê đất tại dự án này là sai quy định của pháp luật, có dấu hiệu gây thất thoát ngân sách của nhà nước. Đó là chưa kể họ không thực hiện đúng cam kết là trồng cao su, mà đi trồng cây khác, có thể làm giảm đi hiệu quả kinh tế, hoặc thất thoát nguồn vốn đầu tư. Tôi đề nghị chuyển kết luận thanh tra này cho Cơ quan CSĐT điều tra theo quy định pháp luật", ông Tam nói.
Theo ông Mai Văn Tam, dù Sở TN-MT đã tiến hành thanh tra (thời điểm ông Mai Văn Tam đương chức Chánh Thanh tra Sở TN-MT Bình Thuận), Sở NN-PTNT đã kiểm tra nhiều lần nhưng tại sao không phát hiện các sai phạm tại dự án này, mà đến bây giờ, sau 10 năm mới phát hiện?