Chiều 8.7, tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL, các bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án cao tốc và triển khai các dự án ODA vùng ĐBSCL.
Tham dự hội nghị còn có Phó thủ tướng Trần Lưu Quang và các thành viên đoàn công tác của Chính phủ.
Khó khăn lớn nhất là cát và mặt bằng
Báo cáo về tình hình triển khai các dự án đường bộ cao tốc tại ĐBSCL, Bộ GTVT cho biết đến nay, khu vực này có 8 dự án (DA) đường bộ cao tốc đang triển khai với tổng chiều dài 463 km, tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỉ đồng. Dự kiến, đến năm 2026 sẽ cơ bản hoàn thành đưa vào khai thác.
Bộ GTVT thông tin hiện tại có một số DA bàn giao mặt bằng tốt như Cần Thơ - Cà Mau 98%, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng 76%... Phần lớn mặt bằng đã bàn giao, cơ bản đáp ứng yêu cầu về thi công, nhưng hầu hết phần mặt bằng còn lại là các khu vực đất ở, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật là khó khăn nhất và mất nhiều thời gian nhất.
Bên cạnh đó, nút thắt lớn nhất của các DA cao tốc là bảo đảm nguồn vật liệu cát đắp. Đơn cử như cao tốc Cần Thơ - Cà Mau tổng nhu cầu cát đắp nền cho DA khoảng 18,07 triệu m3, trong đó năm 2023 cần 9,1 triệu m3, năm 2024 cần 9 triệu m3. Đến nay, mới có An Giang thống nhất cung cấp cho dự án 1,1 triệu m3; Đồng Tháp thống nhất cung cấp 1,89 triệu m3.
Mặc dù các DA đã được xác định nguồn cung, nhưng các địa phương triển khai thủ tục để giao mỏ cho các nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ thi công. Nếu không nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc, hoàn thành các thủ tục để khai thác trong tháng 7.2023 sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án.
Từ đó, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh thành tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc để bàn giao phần mặt bằng cho DA cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau trong tháng 7.2023 và bàn giao toàn bộ mặt bằng của DA Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng trước ngày 31.12.2023. Đồng thời, đề nghị An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long quyết liệt thực hiện các thủ tục giao mỏ cát cho các nhà thầu khai thác, không phát sinh các thủ tục hành chính làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện.
Riêng đối với DA cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh An Giang, Đồng Tháp xem xét để tiếp tục cung cấp cát (An Giang 2,2 triệu m3, Đồng Tháp 0,5 triệu m3) từ các mỏ đang khai thác trong tháng 7.2023.
Nghiên cứu cao tốc trên cầu cạn khi thiếu nguồn vật liệu
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò chiến lược của vùng ĐBSCL, cũng như tầm quan trọng của việc phát triển hạ tầng giao thông, nhất là cao tốc ở khu vực này. Theo Thủ tướng, khi hệ thống cao tốc được triển khai thực hiện tốt sẽ tạo ra không gian phát triển mới cho ĐBSCL với những khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời giải quyết được 2 nút thắt lớn nhất của khu vực là hạ tầng và nhân lực.
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các DA, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo và phân công Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý bảo đảm nguồn vật liệu cho các DA trọng điểm ngành GTVT, trong đó có các DA vùng ĐBSCL. Nghiên cứu phương án sử dụng cát biển làm nguyên vật liệu đắp nền; đặc biệt là nghiên cứu các phương án xây dựng cao tốc trên cầu cạn.
Ngày 8.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ có cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, báo cáo kết quả kỳ họp và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri TP.Cần Thơ.
Tại buổi tiếp xúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin với cử tri Cần Thơ về những nội dung tại kỳ họp Quốc hội vừa qua; đồng thời trao đổi thêm về tình hình kinh tế - xã hội và trả lời kiến nghị của cử tri.
Ở nội dung được nhiều cử tri Cần Thơ quan tâm là phát triển hạ tầng giao thông, Thủ tướng nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước đang dành nhiều nguồn lực đầu tư cho ĐBSCL, trong đó có phát triển hạ tầng giao thông. Thủ tướng cũng nhắc lại Cần Thơ là đô thị trung tâm, là hạt nhân của ĐBSCL. Một khu vực đang được tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và các điều kiện cần thiết để sớm trở thành một trong những vùng động lực tăng trưởng mới của cả nước. Trong đó có thể kể đến các dự án đường bộ cao tốc như tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, các sân bay, đường thủy nội địa, cảng Cái Cui, nạo vét luồng Định An…
Thủ tướng cũng cho biết trong phát triển đường sắt tốc độ cao, tinh thần của Chính phủ là ưu tiên tuyến TP.HCM - Cần Thơ và đã giao Bộ GTVT và các cơ quan tư vấn nghiên cứu nội dung này. Thủ tướng cũng kêu gọi cử tri tại những nơi có các dự án đi qua ủng hộ các dự án trọng điểm; còn chính quyền các cấp phải làm tốt công tác tái định cư, bảo đảm người dân di dời đến nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT, nhất là Bộ GTVT và các tỉnh thành được giao làm cơ quan chủ quản DA tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu ban quản lý DA, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất trong triển khai các DA, hoàn thiện các thủ tục quy định.
Thủ tướng nhấn mạnh việc cần nghiêm túc quán triệt các yêu cầu trong triển khai các DA như: Phải bảo đảm chất lượng; tiến độ; an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường sinh thái và đặc biệt không để thiếu nguyên vật liệu; không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí ở tất cả các khâu; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân, doanh nghiệp; kịp thời khen thưởng khi làm tốt và kịp thời xử lý sai phạm.
Đối với các DA chưa hoàn thành, Thủ tướng đề nghị phải bảo đảm bàn giao 100% mặt bằng trong quý 3/2023, chậm nhất trước ngày 31.12.2023. Song song đó, các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới, sinh kế mới ít nhất bằng và tốt hơn nơi cũ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính viếng nguyên Trưởng ban Tổ chức T.Ư Lê Phước Thọ
Cũng trong ngày 8.7, tại Hội trường Thành ủy Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến viếng ông Lê Phước Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tổ chức T.Ư.
Tại lễ viếng, Thủ tướng và đoàn công tác Chính phủ gửi lời chia buồn sâu sắc đến người thân, gia quyến ông Lê Phước Thọ trước mất mát không gì bù đắp được.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng viết trong sổ tang: "Vô cùng thương tiếc đồng chí Lê Phước Thọ, người Đảng viên cộng sản trung kiên, tận tụy, gần dân, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cao cả, vinh quang của Đảng, vì hạnh phúc ấm no của Nhân dân; luôn trăn trở lo toan vì sự phát triển của đất nước và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nhất là cho ĐBSCL. Noi gương đồng chí, chúng tôi nguyện hy sinh, phấn đấu suốt đời vì đất nước VN hùng cường, thịnh vượng, nhân dân VN ngày càng ấm no và hạnh phúc".
Trước đó, sau một thời gian lâm bệnh nặng, tuổi cao, sức yếu, ông Lê Phước Thọ đã từ trần vào sáng 6.7, hưởng thọ 96 tuổi. Lễ tang ông Lê Phước Thọ được tổ chức theo nghi thức lễ tang cấp nhà nước. Lễ truy điệu lúc 6 giờ ngày 9.7. Sau đó linh cữu ông được đưa về an táng tại quê nhà tỉnh Cà Mau.