Tuy nhiên, theo ông Bình, về lâu dài cần khắc phục bất cập trong cơ cấu biểu giá trên cơ sở giá điện hai thành phần, giảm bù chéo trong giá điện và có giải pháp căn cơ về giá điện để ngăn tình trạng thiếu điện, đảm bảo an ninh năng lượng trong dài hạn.
* Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt được rút gọn từ sáu bậc còn năm bậc. Song biểu giá lũy tiến vốn được đánh giá là có bất cập, ý kiến ông thế nào?
- Chúng ta thường than phiền về việc tại sao mua điện càng nhiều giá lại càng đắt trong khi nhiều mặt hàng khác dùng càng nhiều giá càng giảm. Cần lưu ý rằng một trong những nguyên tắc định giá bán điện là khách hàng phải chi trả cho cả chi phí đã gây ra cho hệ thống điện.
Trong khi đó vào những giờ cao điểm, hệ thống phải huy động những nhà máy có chi phí cao để đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, cơ chế tiêu dùng điện sẽ không khuyến khích sử dụng điện vào khung giờ này. Việc ban hành biểu giá dựa trên các giờ cao điểm, thấp điểm sẽ không phù hợp với khách hàng sinh hoạt, mà chỉ áp dụng cho các khách hàng lớn là hộ sản xuất, kinh doanh.
Đặc điểm của các hộ sinh hoạt là sử dụng điện rất nhiều vào giờ cao điểm. Do đó, khách hàng sinh hoạt phải chấp nhận trả chi phí tăng thêm vào các giờ cao điểm. Đây là cơ sở để tiếp tục đưa ra biểu giá điện bậc thang. Cùng với chính sách trợ giá cho người thu nhập thấp, biểu giá này sẽ tác động đến ý thức tiết kiệm điện của khách hàng.
Theo đó, bậc 1 sẽ có giá thấp hơn giá bán bình quân, sau đó tăng dần cho đến bậc cao nhất (từ 701kWh trở lên). Giá bán 1kWh điện năng cho bậc cao nhất là 3.457 đồng, cao gấp hai lần so với giá bình quân.
Tuy nhiên, tổng doanh thu tiền điện của khối khách hàng này vẫn tuân thủ mức giá điện bình quân quy định là 1.920 đồng/kWh. Cách định giá này chắc chắn còn rất nhiều hạn chế nhưng đó là phương pháp hay được áp dụng khi định giá dựa trên cơ sở chi phí sản xuất.
* Với nhóm khách hàng ngoài sinh hoạt, việc phân bổ chi phí của ngành điện sẽ theo cấp điện áp, thời gian sử dụng và theo nhóm khách hàng. Dự thảo mới đưa ra nhiều thay đổi nhưng theo ông đã khắc phục được tình trạng bù chéo hay chưa?
- Tiêu dùng điện là như nhau về tính chất nhưng quá trình sản xuất ra điện lại rất đa dạng từ các nguồn nhiên liệu và công nghệ và tất nhiên, giá thành sẽ khác nhau. Ví dụ như thủy điện với hồ chứa có khả năng điều tiết, có chi phí giá thành thấp từ 1.000 - 1.200 đồng/kWh.
Song nếu huy động điện tái tạo thì giá cam kết cao nhất là 9,35 cent/kWh (tương đương 2.200 đồng/kWh); hoặc chạy dầu diesel thì giá lên tới 6.000 đồng/kWh. Giá mỗi giờ huy động ở từng nguồn điện cũng khác nhau.
Cơ cấu nguồn điện hiện nay chủ yếu từ nguồn nhiên liệu hóa thạch, nên bài toán khai thác tối ưu tài nguyên luôn phải được tính đến. Vì vậy, việc đưa ra cơ cấu giá điện trên khung giờ thấp điểm, cao điểm, theo cấp điện áp và từng nhóm khách hàng là phù hợp để đảm bảo chi phí giá thành cho ngành điện.
Tuy nhiên, với cách định giá này sẽ làm tình trạng bù chéo giá điện sinh hoạt với sản xuất vẫn diễn ra. Giá điện cho sản xuất thấp có thể thu hút đầu tư nước ngoài nhưng đi kèm là công nghệ thấp, tiêu tốn năng lượng, doanh nghiệp không có động lực đổi mới công nghệ. Trong khi ta đang khai thác tài nguyên cạn kiệt, đã phải nhập khẩu ròng năng lượng, rồi tình trạng thiếu điện trầm trọng như vừa qua.
* Vậy theo ông, cần xây dựng cơ chế giá điện gắn với giải quyết những vấn đề tồn tại trong thị trường điện hiện nay thế nào?
- Cần phải có giải pháp căn cơ để tính đúng, tính đủ chi phí giá điện. Bởi các khoản vay vốn đã đến lúc ngành điện phải trả gốc, thì với chi phí giá hiện nay liệu có đủ tiền trả nợ không? Chúng ta mua điện giá đầu vào cho năng lượng tái tạo là 9,35 cent/kWh tới 20 năm, như vậy giá đầu vào cộng thêm phí truyền tải, phân phối, quản lý đã lên tới gần 2.600 đồng/kWh.
Vậy mà giá bán bình quân là 1.920 đồng thì liệu có hợp lý không? Việc đầu tư các dự án điện tái tạo cũng đang chững lại. Vậy cơ chế nào để thu hút đầu tư vào ngành điện trong thời gian tới.
Tôi làm phép so sánh, là mỗi cốc trà đá có giá từ 2.000 - 3.000 đồng, trong khi biểu giá bán lẻ điện năm 2023 thấp nhất là 1.728 đồng/kWh và cao nhất là hơn 3.015 đồng/kWh. So sánh như vậy có thể là khập khiễng nhưng giá điện hiện có thực sự quá đắt không? Chúng ta so sánh giá điện cao hay thấp thường hay đặt trong quan hệ với thu nhập người dân, nhưng vấn đề cần nhắc đến đó là nguồn tài nguyên, cơ cấu hệ thống điện mỗi quốc gia là khác nhau.
Cơ cấu phát điện của ta chủ yếu từ nhiên liệu hóa thạch, nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt thì chúng ta cần phải sử dụng hiệu quả hơn và chấp nhận trả giá cao với nguồn điện sạch.
Chúng ta đang trong lộ trình phát triển thị trường điện và thực hiện chuyển đổi năng lượng. Xu hướng dài hạn, giá điện có thể sẽ tăng liên tục do nguồn giá rẻ đã tới hạn. Chúng ta cũng hướng tới tăng nguồn năng lượng sạch. Do đó, cơ chế giá điện cần được xây dựng gắn với thị trường và lộ trình thực hiện quy hoạch điện 8.
Cụ thể, cần xác định rõ các chi phí đầu vào các nguồn điện, nhu cầu tổng đầu tư ra sao, huy động vốn thế nào? Những điều đặt ra này phải gắn với lộ trình giá điện dựa trên quan điểm phải đối xử công bằng với sản phẩm điện năng, sớm thực hiện giá hai thành phần thì mới có cơ chế giá điện mang tính bền vững.
Bộ Công Thương: Tác động đời sống nhưng phù hợp thực tế
Cơ cấu biểu giá điện được xây dựng đều có tác động nhất định đến các nhóm khách hàng nhưng sẽ phù hợp hơn với thực tế. Do đó, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến, xem xét thận trọng đề án trên cơ sở đánh giá kỹ tác động, có lộ trình cụ thể và tham khảo ý kiến rộng rãi các đối tượng.
Điểm mới trong cơ cấu biểu giá là thực hiện theo các cấp điện áp gồm: cao áp trên 35kV (bao gồm cấp điện áp từ trên 35kV đến dưới 220kV và cấp điện áp từ 220kV trở lên), trung áp từ 1kV đến 35kV, hạ áp dưới 1kV áp dụng cho các nhóm khách hàng sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, trạm/trụ sạc xe điện và cơ sở lưu trú du lịch.
Có nghĩa, bổ sung cấp điện áp từ 220kV trở lên do hiện nay khách hàng mua điện từ cấp điện áp 220kV và 500kV là các nhà máy điện, nhưng dự kiến tới đây có thêm khách hàng mua điện tại cấp điện áp 220kV trở lên phục vụ sản xuất. Do đó việc bổ sung nhóm này vào dự thảo để phân bổ chi phí cho phù hợp với nguyên tắc giá điện phản ánh đúng chi phí.
Ông Hoàng Văn Thắng (tổng giám đốc Công ty Nước sạch Hà Đông): Chúng tôi thông cảm
Công ty chúng tôi là một trong những đơn vị đặc thù sử dụng nhiều điện cho sản xuất. Do vậy, việc tăng giá điện hay đề xuất áp dụng biểu giá điện mới rõ ràng có tác động làm tăng chi phí đầu vào, chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Nhiều năm qua, ngành điện đã có những đầu tư cho công nghệ, chất lượng dịch vụ. Do vậy phía đơn vị cũng cảm thông và chia sẻ với vấn đề tăng giá để làm sao có được nguồn điện ổn định, an toàn cho nhân dân sử dụng. Đồng thời có kế hoạch sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất may mặc ở Hưng Yên: Biểu giá điện mới sẽ gây khó cho doanh nghiệp
Hiện nay doanh nghiệp chúng tôi đang mua điện với giá dao động từ 999 đến 2.844 đồng/kWh (phụ thuộc vào giờ thấp điểm đến giờ cao điểm). Tổng số tiền điện doanh nghiệp phải trả hằng tháng cho ba chi nhánh, nhà xưởng với hơn 10.000 công nhân lên tới vài tỉ đồng. Trong khi đó từ đầu năm tới nay, tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn do đơn hàng xuất khẩu giảm mà chi phí vận chuyển, chi phí sản xuất tăng thêm khá nhiều.
Do đó, với việc tăng giá điện cũng như đề xuất áp dụng biểu giá mới dù nhiều ý kiến cho rằng mức tăng không phải cao nhưng rõ ràng sẽ tác động đến doanh nghiệp. Từ thách thức của tăng giá điện, đơn vị đã tính toán đến thắt chặt các khoản đầu tư vào chi phí để làm sao cân bằng được giá thành, đảm bảo cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.
TH.CHUNG - NG.AN
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội): Giá điện từ 6 bậc còn 5 bậc là phù hợp
Việc Bộ Công Thương đưa ra dự thảo quyết định về cơ cấu biểu giá điện bán lẻ, trong đó rút ngắn bậc thang cho giá điện sinh hoạt từ sáu bậc còn năm bậc. Ngoài ra, bậc rẻ nhất tính cho hộ gia đình dùng dưới 100kWh thay cho 50kWh hiện nay, còn bậc cao nhất từ 701kWh trở lên là phù hợp. Thêm vào đó, việc giữ nhiều bậc cũng cho thấy sự rối rắm, phức tạp nên khi giảm số bậc sẽ giúp thuận tiện hơn cho cả bên bán và bên mua điện.
Cùng với đó, việc giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0-100kWh sẽ giúp đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp.
Phương án giá sinh hoạt theo năm bậc cũng sẽ phản ánh chi phí, tức phân bổ chi phí đến từng nhóm khách hàng sử dụng, giúp hạn chế một phần tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa. Ngoài ra, chênh lệch giữa bậc 1 và bậc 5 là hai lần, phù hợp với xu thế chung thế giới nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Đối với vấn đề tăng giá điện, chắc chắn Bộ Công Thương và trực tiếp là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã có tính toán một cách kỹ càng, tổng thể. Việc tăng giá như vậy sẽ giúp cân đối được nguồn, đảm bảo bù đắp một phần chi phí khi con số lỗ quá lớn. Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư, cải tạo hệ thống lưới điện rất cấp thiết.
Trong khi đó hiện nay nhu cầu sản xuất, sinh hoạt ngày càng nâng cao nên muốn có chất lượng nguồn điện tốt hơn, hệ thống truyền tải đảm bảo phải tăng giá điện để tạo nguồn lực thực hiện. Một điểm cũng cần nói thêm việc tăng giá điện sẽ tác động đến ý thức dùng điện tiết kiệm hơn của người dân, doanh nghiệp.
Chúng ta cũng cần nhìn nhận EVN là doanh nghiệp lớn được Nhà nước, nhân dân ủy quyền thực hiện nhiệm vụ cung ứng điện nên việc EVN lỗ không phải do doanh nghiệp chịu mà vẫn là Nhà nước, nhân dân phải chịu. Thực tế, quá trình điều hành nhiều năm rồi không tăng giá và so sánh với mức tăng trưởng, giá các nước xung quanh thì việc cân nhắc tăng giá điện cũng phù hợp.
Về lâu dài, nên cân nhắc nghiên cứu, tính toán xây dựng cơ chế giá điện theo mùa. Theo đó, với những mùa sử dụng ít điện thì giá có thể thấp hơn. Còn mùa cao điểm, khô hạn, sử dụng nhiều thì giá có thể cao hơn để đảm bảo nguồn lực, tiết kiệm. Tuy nhiên, để thực hiện việc này cần có nghiên cứu, chỉ ra được tính logic, hợp lý. Đồng thời, phải làm rõ việc điều chỉnh giá điện sẽ có thể có tác động đến hành vi sản xuất, tiêu dùng điện, khi đó mới mang ý nghĩa.
THÀNH CHUNG
Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để lấy ý kiến nhân dân.