1 Anh bảo, khi mình thành công hay thất bại, gia đình vẫn là nơi anh nghĩ đến đầu tiên. Có lẽ vì sự kết nối mật thiết ấy mà nhìn anh, ai cũng cảm nhận được sự vững chãi. "Tôi nhớ nhất là lần kinh doanh thua lỗ, lúc đó cảm thấy mình vô dụng. Tôi đã về nhà và thật thà nói với ba, kể cho ông nghe về thất bại của mình. Ông lắng nghe, không trách mắng", anh kể.
Câu nói của người cha khiến anh được an ủi và mạnh mẽ trở lại chính là "té ngã chỗ nào thì đứng dậy ngay chỗ ấy".
Rồi ba anh nói: "Thực ra, ai trong đời cũng sẽ có lúc trải qua thất bại, khó khăn. Có thể vì chúng ta quá tự tin với bản thân, cũng có thể do mình háo thắng - biết thua vẫn làm, hoặc có khi vì một chút kém may mắn. Nhưng không sao, tất cả đều là bài học".
Ba anh là một thầy giáo làng về hưu. Ông đã đứng lớp nhiều chục năm, chứng kiến học trò thành danh không hiếm nhưng người thất bại cũng nhiều. "Có lẽ vì vậy mà ba tôi không bao giờ bắt con mình nhất định phải thành công hay trở thành một ai đó. Ông hay nói chỉ cần ta sống và làm việc hết mình, lựa chọn những việc và điều tử tế để làm".
Sau thời gian nghỉ ngơi, anh trở lại, làm mới mình với vai trò một nhân viên lành nghề thay vì một anh chủ trẻ chưa đủ độ vững vàng. "Tôi đã thấm thía câu gia đình là bến đỗ bình an từ lần về nhà nghe ba mình nói... không sao đâu như thế", anh chia sẻ về cái nhìn đầy sâu lắng ở tuổi bốn mươi mấy.
2 Khi con gái về nhà gục đầu vào vai mình, chị không kềm được nước mắt. Chị khóc cùng con khi nghe con kể về cuộc tình đầy sóng gió đã lấy đi rất nhiều năng lượng của con.
"À, không sao đâu con. Mẹ hiểu. Mẹ thương con. Mẹ biết con đã tổn thương nhiều. Nhưng rồi sẽ qua cả ấy mà. Con sẽ gặp người xứng đáng hơn", chị nói như vậy với tất cả tình yêu của một người mẹ, cũng đã trải qua một lần đổ vỡ.
Theo chị, chúng ta không thể mong cuộc sống luôn như ý mà cần chuẩn bị tâm thế vững vàng để đón nhận những bất toàn sẽ gặp. Với bản thân hay con cái chị đều nhất quán quan điểm ấy. Chính vì vậy, chị không cột giữ con trong vùng an toàn, chỉ bảo con phải trang bị tất cả những kỹ năng.
"Nếu có lúc nào đó khổ đau nhất, cảm thấy quá mệt mỏi thì về nhà, nên nhớ mẹ luôn yêu con", chị trao cho con tấm thẻ bài bình an này.
Do đó, con gái chị luôn tìm về bên mẹ trong những lúc chông chênh. Cô bảo mẹ như "chiếc phao" giúp mình bớt ngạt, để tiếp tục tập bơi và bơi vào biển cuộc đời.
3 "Đừng đánh rơi yêu thương", ThS giáo dục Lê Trường An, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Kỹ thuật Suranaree (Thái Lan), chia sẻ với người trẻ khi nói về việc kết nối gia đình.
Theo anh An, người trẻ hiện nay có quá nhiều thứ "lôi kéo" họ, từ mạng xã hội đến đời sống vật chất, công nghệ, kéo người trẻ xa gia đình, nên họ dễ sa đà và bị sập bẫy, đôi khi mất phương hướng, không tìm được lối ra nên rơi vào trầm cảm, hoặc biến mình trở thành đồng minh của cô đơn...
"Tôi đề cao và nghĩ về giá trị của yêu thương cùng chiếc nôi gia đình mà mỗi người trẻ cần phải gìn giữ, kết nối. Đó chính là sợi dây gắn kết cha mẹ - con cái, vợ - chồng, anh chị em. Tình thương giúp ta dễ dàng bao dung, tha thứ, giúp ta mở lòng sẻ chia và đón nhận những người thân của mình ngay khi họ có những lỗi lầm, thất bại", ThS Lê Trường An nói.
Theo ThS An, không có lý do gì chúng ta không tập yêu thương nhau, và để kiến tạo được tình thương lớn, những bài tập về thương yêu nho nhỏ, gần gũi nhất là người thân, gia đình, sẽ là nấc thang đầu tiên, nền tảng căn bản.
TTO - Nếu hộ chiếu văn hóa Việt Nam hợp thành từ nhiều thành tố, trong đó có hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, thì không thể không nhắc đến hệ giá trị gia đình, nơi được xem là thành trì vững chắc cho mỗi cá nhân hoàn thiện và phát triển.