5 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp bất động sản trên cả nước phải ngừng hoạt động và giải thể đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2022. Không ít trong số những doanh nghiệp còn lại cũng đang lâm vào cảnh "sống còn".
Khu đất tại địa chỉ 169 phố Trung Kính, phương Yên Hòa, quận Cầu Giấy hiện đang bỏ hoang. Diện tích này được UBND TP Hà Nội ban hành quyết định đầu tư dự án trung tâm dậy nghề từ năm 2016.
6 năm, kể từ khi ký hợp đồng thuê đất, chủ đầu tư đã mất hơn 30 tỷ đồng để san lấp và giải phóng mặt bằng, nhưng đến nay quận Cầu Giấy vẫn chưa bàn giao đất cho chủ đầu tư.
"Có cả văn bản đề nghị cưỡng chế nhưng không hiểu lý do gì, chính quyền vẫn chưa giải phóng mặt bằng được", ông Đinh Văn Hiếu, Giám đốc Dự án Trung tâm Dậy nghề và Thực hành DĐK 169 Trung Kính, cho biết.
Ngôi nhà cấp 4 rộng gần 100 m2 là nguyên nhân khiến dự án này bị chậm triển khai trong 6 năm qua, ngoài đất công bị bỏ hoang, còn gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Tình trạng này diễn ra ở nhiều địa phương, không chỉ ở TP Hà Nội.
Khu đất tại địa chỉ 169 phố Trung Kính, phương Yên Hòa, quận Cầu Giấy hiện đang bỏ hoang.
Dự án để hoang không chỉ do sự chậm trễ của các cơ quan quản lý nhà nước trong giải phòng mặt bằng, mà còn là những vướng mắc về mặt cơ chế đã tồn tại từ nhiều năm qua.
Khu đô thị 40 ha được triển khai từ những năm 2017 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Sau 6 năm không có nhà ở, đây trở thành nơi chăn thả trâu bò.
Doanh nghiệp muốn làm nhưng trong nhiều năm qua vẫn phải chờ vì những quy định về khung giá đất chưa được chính quyền địa phương quyết định, từ đó chưa thể triển khai đấu thầu theo quy định.
"Cấp tỉnh vẫn đang loay hoay, chưa biết tỉnh giải quyết thế nào vì giải quyết sai thì lãnh đạo tỉnh lại không được, không ai dám làm sai", ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Phổ Yên, Thái Nguyên, cho hay.
"Doanh nghiệp chỉ biết chờ đợi. Mỗi năm qua đi, các chi phí phát sinh, tất cả đều cộng dồn vào giá thành sản phẩm", bà Phạm Thu Trang, Phó Tổng Giám đốc Công ty KLand, nói.
Giải pháp khơi thông chính sách đất đai
Trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có điểm đáng chú ý, đó là đã bỏ quy định khung giá đất, thay vào đó là quy định cụ thể về nguyên tắc định giá đất, phù hợp với giá trị thị trường. Nếu phương pháp định giá đất được quy định cụ thể trong luật thì mới có thể gỡ bỏ được các rào cản cho doanh nghiệp.
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, lượng dự án bất động sản đang triển khai trên cả nước phải tạm dừng hiện lên đến hàng nghìn với tổng vốn đầu tư khoảng 800.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD. Trong đó, 60% là xuất phát từ nguyên nhân vướng mắc cơ chế chính sách liên quan đến đất đai.
"Cơ sở nào để tính giá thị trường, đây là một câu chuyện khó. Công cụ nào, phương pháp nào, kỹ thuật nào... rất cần được làm cụ thể, rõ ràng", ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nêu quan điểm.
"Việc tính giá đất theo cách thức tính trả tiền thuế hàng năm, đây là áp lực lớn cho doanh nghiệp có tiềm lực không lớn. Nó đòi hỏi một phương án kinh doanh rất hiệu quả, chi tiết", ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đánh giá.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) 2023 đã quy định khái quát 3 phương pháp định giá đất gồm: phương pháp so sánh trực tiếp, phương pháp thu nhập và phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất.
"Theo tôi, nên tính giá đất theo phương án tính đủ chi phí đầu vào, đầu ra, cộng với lợi nhuận thặng dư 10% do nhà nước quy định, sau đó ban hành hệ số k theo khu vực", ông Nguyễn Trúc Anh, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, cho biết.
Hiện các doanh nghiệp đang phải điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh theo hướng bền vững. Vì thực tế, câu chuyện ôm đất, đầu tư dàn trải trong khi đầu ra không có cũng là điều khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ tự làm khó mình.
VTV.vn - Sửa Luật Kinh doanh Bất động sản phải làm sao để cho người nghèo không nghèo hơn vì bất động sản, thế hệ sau không vô vọng với ước mơ có được căn nhà của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.43801620290703202-hcas-hnihc-pac-tab-od-gnaoh-ob-tad-atceh-nihgn-gnah/et-hnik/nv.vtv