Mỗi ngày, hàng chục tin rao cần làm giấy nghỉ ốm, nằm viện, nhập viện được đăng tải vào các nhóm kín trên Facebook. Có hội nhóm lên đến 14.000 thành viên, hoạt động như "chợ" khi người bán kẻ mua sôi động với cam kết giấy nghỉ bệnh được "chính chủ" bán ra từ bệnh viện.
Trọn gói giá 250.000 đồng
Chúng tôi đăng ký vào một nhóm có tên "Giấy nghỉ ốm hưởng BHXH" hơn 1.500 thành viên và ngỏ ý "cần giấy xác nhận nằm viện khu vực TP.HCM" thì ngay lập tức có bảy thành viên chủ động liên hệ với cam kết "nhanh chóng, uy tín và an toàn".
Một chủ tài khoản có tên H.H.D. nhận làm các giấy tờ như nghỉ ốm, nhập viện, ra viện, đơn thuốc, viện phí... kèm lời bảo đảm là giấy từ bệnh viện, không làm giấy "lậu".
Người này yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân như số thẻ bảo hiểm y tế, ngày giờ vào viện và loại bệnh muốn ghi trên giấy.
Ngày 26-6, một "khách hàng" là công nhân ở TP.HCM được người này gợi ý làm giấy nằm viện của Bệnh viện An Sinh (quận Phú Nhuận) với giá 250.000 đồng vì "làm giấy bệnh viện tư đỡ bị soi".
Và chỉ sau hai ngày, khách hàng được gửi "giấy nằm viện" về tận nơi, trên giấy ghi nhập viện do xuất hiện các triệu chứng đau nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, sốt 38,5oC và đã uống thuốc hạ sốt nhưng không hạ.
"Bệnh nhân" còn được mô tả với tình trạng da mặt đỏ, đổ mồ hôi gây mất nước và nổi ban đỏ vùng cánh tay. Đặc biệt, phía cuối giấy nằm viện còn có thông tin chữ ký của TS.BS Vũ Quang Thanh với con dấu đỏ chót.
Trong khi đó, trên "chợ trời" rao bán giấy khám sức khỏe cho người lái xe, chúng tôi tiếp cận được V.C.L.. Cơ sở y tế mà người này chọn làm giấy là Bệnh viện E (Hà Nội). Người này cho biết có thể cung cấp các loại giấy khám sức khỏe theo thông tư của Bộ Y tế và cam kết đều thật 100% với giá 220.000 đồng/giấy.
Theo ghi nhận, giấy khám sức khỏe dành cho người lái xe được người này thiết kế khá tinh vi, chuyên nghiệp, đầy đủ các mục cần thiết như tiền sử bệnh, khám lâm sàng và cận lâm sàng. Trong khi đó, các chỉ số sức khỏe và kết luận của bác sĩ được ghi đầy đủ.
Đáng chú ý, trên giấy này còn có dấu mộc của Bệnh viện E cùng với chữ ký của sáu bác sĩ, có cả trưởng khoa.
Ngoài những người cam đoan làm giấy thật từ bệnh viện, một người thừa nhận làm giấy giả y như thật. Một tài khoản có tên "giấy bệnh viện" ra giá 400.000 đồng/giấy chứng nhận nghỉ bệnh.
Ngày 5-7, người này hẹn khách tại trạm thu phí Cầu Ông Bố (tỉnh Bình Dương) để giao dịch. Người này đưa cho một xấp giấy gồm giấy chứng nhận nghỉ bệnh, đơn thuốc và kết quả xét nghiệm. Cả ba giấy này được làm giả theo mẫu của Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, có đóng dấu và chữ ký giả trên mỗi tờ.
"Mấy thông tin này đều đúng hết đó, tra trên mạng mà", người này tự tin nói và khẳng định khách có nhu cầu sẽ làm và lấy liền trong ngày.
Đối tượng này thường yêu cầu khách chụp căn cước công dân, thẻ BHYT và chuyển khoản trước để "thanh toán cho phía bệnh viện làm". Sau khi nhận được tiền, đối tượng này liền thu hồi các thông tin trước đó, chặn liên lạc và... biến mất.
Các bệnh viện nói gì?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Trần Thị Thanh Mai - phó giám đốc Bệnh viện An Sinh - khẳng định "giấy nằm viện" nêu trên là giả mạo bởi sai từ khổ giấy, màu sắc chữ, font/size chữ cho đến các đề mục nội dung bắt buộc theo mẫu.
Đặc biệt, bệnh viện chỉ có giấy "ra viện" chứ không có giấy "nằm viện".
"Giấy ra viện của Bệnh viện An Sinh được in từ phần mềm, khổ A5 in ngang và chỉ in được sau khi bác sĩ điều trị ký số cho xuất viện. Bệnh án sẽ bị khóa tự động ngay sau khi in", bác sĩ Mai nói.
Theo bà, bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin khá nhiều trong công tác quản lý bệnh án. Các bác sĩ và điều dưỡng đều có tài khoản riêng, đăng ký chữ ký số hoặc chữ ký điện tử. Và chỉ có những người đăng ký hành nghề tại Bệnh viện An Sinh trên cổng của Sở Y tế TP.HCM mới được cấp quyền xem và ghi chép phân hệ bệnh án.
Về thông tin bác sĩ ghi trong "giấy nằm viện", bác sĩ Mai khẳng định từ khi hoạt động đến nay bệnh viện không có bác sĩ nào tên Vũ Quang Thanh.
Trong khi đó, một lãnh đạo Bệnh viện E khẳng định việc giấy khám sức khỏe của bệnh viện bị các đối tượng làm giả khá phổ biến và bệnh viện thường xuyên phải giải quyết nhiều trường hợp giả mạo do cơ quan an ninh gửi tới.
"Các đối tượng làm giả nhiều loại giấy tờ, thậm chí còn ghi tên cả giám đốc, phó giám đốc. Một số lãnh đạo và bác sĩ từng làm việc tại bệnh viện đã nghỉ hưu rất lâu rồi vẫn được các đối tượng làm giả giấy tờ ghi vào. Đây là cảnh báo cho các cơ quan tuyển dụng lao động", lãnh đạo Bệnh viện E nói.
Việc giả mạo các loại giấy xuất viện, giấy khám sức khỏe khá phổ biến. Cuối tháng 3-2023, Bệnh viện Chợ Rẫy phải phát cảnh báo hiện tượng giả "giấy nhập viện".
Ông Lê Minh Hiển - trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy - kể gần nhất có người đến phòng xuất trình "giấy nhập viện" của một bệnh nhân quê Cà Mau với chẩn đoán chấn thương sọ não, đa chấn thương.
"Tờ giấy này có đầy đủ con dấu và chữ ký các trưởng khoa chỉnh hình của Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy vậy, ở ô chữ ký của giám đốc bệnh viện lại được một trưởng khoa ký thay", ông Hiển nói. Và trong quá trình bệnh viện đang xác minh mục đích của việc sử dụng "giấy nhập viện" giả, người này cũng bỏ đi.
Nghỉ việc nhưng vẫn hưởng bảo hiểm
Tháng 5-2023, Công an Đồng Nai phát hiện nhiều phòng khám tư nhân tại TP Biên Hòa bán giấy nghỉ việc, hưởng BHXH cho người lao động. Đây được đánh giá là vụ án trục lợi bảo hiểm có quy mô rất lớn với vài chục ngàn người mua "giấy chứng nhận nghỉ việc".
Đến nay, cơ quan điều tra xác định có trên 130.000 giấy chứng nhận nghỉ bệnh bị làm khống để hưởng BHXH và hơn 400 giấy khám sức khỏe.
Các giấy này được làm để bán cho người lao động, chủ yếu là công nhân trong các công ty. BHXH tỉnh Đồng Nai đã thu hồi trên 7,2 tỉ đồng mà các đối tượng trục lợi.
Gần nhất, ngày 23-6, Công an huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) công bố kết luận điều tra, đề nghị truy tố tám bị can đều là công nhân mua giấy chứng nhận nghỉ việc.
Cơ quan điều tra xác định từ cuối năm 2021 đến tháng 2-2022 các công nhân này đã mua giấy chứng nhận nghỉ việc của người không rõ lai lịch trên mạng, mục đích nghỉ làm nhưng vẫn được chi trả tiền BHXH, trong khi không mất tiền chuyên cần và ngày nghỉ phép năm.
Có thể bị phạt tù
Luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn luật sư TP.HCM - cho biết điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
Còn hành vi cung cấp giấy khám sức khỏe khi không thực hiện quy trình khám bệnh đầy đủ sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 46 nghị định 117/2020/NĐ-CP.
Mua súng trên mạng về đùa giỡn cùng bạn, khẩu súng bị cướp cò khiến một thanh niên chết vì bị trúng đạn vào đầu.