Địa phương bất ngờ
Kế toán xã đấu giá trúng 23 lô đất ở nói trên cũng là em trai của phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu - người trực tiếp phê duyệt giá đất, định giá khởi điểm các lô đất đấu giá.
Vừa qua Công ty đấu giá hợp danh Quang Công Minh tổ chức đấu giá đất công khai 56 lô đất ở tại khu vực Đồng Quan, xóm 5, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Tổng trị giá khởi điểm gần 60 tỉ đồng.
Buổi đấu giá hoàn thành với 56 lô đất đều có "chủ nhân" và mang lại tổng giá trị tài sản cho Nhà nước hơn 85 tỉ đồng.
Trong 10 người trúng đất đấu giá, ông Nguyễn Văn Trọng (51 tuổi, ngụ xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu) trúng nhiều nhất với 23 lô đất, tổng trị giá khoảng 30 tỉ đồng.
Thời điểm này, ông Trọng đang là kế toán UBND xã Quỳnh Bá, huyện Quỳnh Lưu.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - chủ tịch UBND xã Quỳnh Bá, huyện Quỳnh Lưu - xác nhận ông Trọng hiện là công chức kế toán, làm việc tại UBND xã được khoảng 10 năm. Đồng thời, ông Trọng cũng là em trai ông N.V.Q. - phó chủ tịch huyện Quỳnh Lưu.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, trước đó vào ngày 4-4, ông Q. là người ký quyết định phê duyệt giá đất cụ thể, giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất của 56 lô đất tại xã Quỳnh Hưng.
Theo ông Tùng, hằng năm thông qua việc xác nhận kê khai tài sản của cán bộ công chức tại địa phương gửi Phòng Nội vụ huyện Quỳnh Lưu thì không có vấn đề gì bất thường.
"Tuy nhiên việc ông Trọng trúng đấu giá 23 lô đất với giá trị hàng chục tỉ đồng ở xã Quỳnh Hưng khiến dư luận địa phương rất bất ngờ", ông Tùng nói.
Không công nhận kết quả trúng đấu giá
Trả lời báo chí, ông Trọng cho hay do có người thân làm doanh nghiệp muốn mua toàn bộ khu đất khoảng 4.000m2 để kinh doanh. Ngày đấu giá đất, do người thân bị ốm, không về được nên nhờ ông Trọng đứng tên mua các lô đất.
Để trúng toàn bộ 23 lô đất, bình quân mỗi lô ông Trọng bỏ số tiền cao hơn giá khởi điểm từ 300 đến 800 triệu đồng.
Ông Hoàng Văn Bộ - chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu - cho biết phía huyện đã kiểm tra, xác minh và có thông báo về việc không công nhận kết quả trúng đấu giá 23 lô đất của ông Trọng.
Để xảy ra sai sót nêu trên là do đấu giá viên chủ quan, không kiểm tra, rà soát kỹ tư cách khách hàng khi tham gia đấu giá.
UBND huyện Quỳnh Lưu cũng chỉ đạo công ty đấu giá khẩn trương tiến hành thủ tục xử lý 23 lô đất không đủ điều kiện công nhận kết quả đấu giá theo quy định và đấu giá lại các lô đất trên đảm bảo kịp thời, khách quan, đúng quy định pháp luật.
Vi phạm Luật Đấu giá tài sản
Theo điểm b, khoản 4, điều 38 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định những trường hợp không được tham gia đấu giá tài sản: "Người làm việc trong tổ chức đấu giá tài sản thực hiện cuộc đấu giá; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá; người trực tiếp giám định, định giá tài sản; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người trực tiếp giám định, định giá tài sản".
Tại mục 10.2 của "Thông báo đấu giá tài sản" mà đơn vị tổ chức đấu giá cũng đã công khai niêm yết, phổ biến rõ ràng, cụ thể về việc những trường hợp không được tham gia đấu giá tài sản.
Xét theo các quy định trên, ông Trọng không được tham gia đấu giá các lô đất mà ông Q. - phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu - đã phê duyệt trước đó.
Sau gần 10 năm Bình Dương dời trung tâm hành chính vào thành phố mới (từ năm 2014), các khu đất vàng được bán đấu giá vẫn là câu chuyện nóng nhận được sự quan tâm của dư luận.