Khi cuộc đụng độ của Jack Ma với chính phủ Trung Quốc sắp kết thúc sau gần ba năm, các công ty của vị tỷ phú lừng danh gồm Ant Group Co. và Alibaba Group Holding Ltd đã phải trả giá rất đắt.
Chính quyền Trung Quốc cho biết hôm thứ sáu tuần trước rằng họ sẽ kết thúc một cuộc điều tra về Ant và công ty công nghệ tài chính này phải trả khoản tiền phạt gần 1 tỷ USD. Cuộc điều tra bắt đầu sau khi Jack Ma chỉ trích quy định của Bắc Kinh đối với lĩnh vực tài chính vào năm 2020, buộc Ant phải hủy đợt IPO lớn nhất trong lịch sử.
Dẫu vậy, khoản phạt chỉ là một phần nhỏ trong số những “nỗi đau” mà các công ty của Jack Ma phải gánh chịu. Động thái của chính phủ đã làm xói mòn niềm tin vào khu vực tư nhân ở Trung Quốc khi nước này phải đối mặt với sự yếu kém ngày càng tăng về mọi thứ, từ chi tiêu tiêu dùng đến thị trường nhà ở, xuất khẩu và đầu tư cơ sở hạ tầng. Ant đã phải đại tu toàn bộ mô hình kinh doanh, rút lui khỏi các lĩnh vực nhạy cảm và giảm bớt cạnh tranh với các ngân hàng được nhà nước hậu thuẫn.
Định giá của Ant, được hình dung vào khoảng 315 tỷ USD sau IPO, đã giảm xuống còn khoảng 78,5 tỷ USD vào những ngày gần đây. Hôm thứ bảy, Ant đã đề xuất mua lại tới 7,6% cổ phần trong nỗ lực tạo cơ hội cắt giảm cổ phần cho các nhà đầu tư bị mắc kẹt sau vụ IPO bị hủy.
Alibaba cũng không khá hơn. Chính quyền Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào nhà tiên phong thương mại điện tử trong một cuộc đàn áp trên các nền tảng internet hàng đầu và Alibaba cho biết đầu năm nay họ sẽ chia thành sáu doanh nghiệp lớn.
Giá trị thị trường của Alibaba là 234 tỷ USD ngay cả sau khi cổ phiếu niêm yết tại Mỹ tăng 8% vào thứ sáu, cộng với thông tin về việc kết thúc của cuộc thăm dò Ant. Con số này thấp hơn khoảng 620 tỷ USD so với mức đỉnh vào năm 2020. Cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của họ đã tăng tới 5,6% vào thứ hai. "Các công ty được kết luận có sai phạm và các hình phạt đã kết thúc - ít nhất là đối với loạt vấn đề này", Kendra Schaefer, một đối tác tại công ty tư vấn Trivium China có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết.
Đế chế có trụ sở tại Hàng Châu của Jack Ma là trung tâm của một cuộc tấn công của chính phủ vào khu vực tư nhân, từ bất động sản và giáo dục trực tuyến đến trò chơi và gọi xe. Trong khi các biện pháp mới nhất của Trung Quốc có thể báo hiệu việc nới lỏng kiểm soát, nhưng các ưu tiên chính sách đảm bảo ổn định xã hội và an ninh quốc gia vẫn không thay đổi.
"Bạn phải chăm sóc nhân viên và xã hội, và sau đó bạn có thể chăm sóc các nhà đầu tư của mình", Schaefer nói. "Đó thực sự là thông điệp cho thời điểm này". Vốn hóa các công ty của Jack Ma bị mất hơn 850 tỷ USD là một dấu hiệu cho thấy việc xây dựng lại niềm tin với các nhà đầu tư quốc tế sẽ khó khăn như thế nào. Không chỉ lợi nhuận doanh nghiệp chịu áp lực khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, mà các ưu tiên quốc gia cũng đã thay đổi theo những cách cơ bản.
Cùng với Ant, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã phạt một số ngân hàng khác và Tencent Holdings Ltd. Ant và Tencent đưa ra tuyên bố của riêng họ sau khi bị phạt, cho thấy họ đã hoàn thành phần lớn các cải cách cần thiết theo quy định của đất nước. "Các nhà chức trách rõ ràng đã phải rất khó khănđể xác định chính xác họ muốn không gian công nghệ tài chính trông như thế nào và vai trò của các công ty công nghệ lớn trong đó", Martin Chorzempa, thành viên tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết. "Đây là lý do tại sao phải mất rất nhiều thời gian để xác định rằng họ đang gần đến đích của kế hoạch cải chính với công ty công nghệ tài chính quan trọng nhất ở Trung Quốc”.
Sự sụp đổ của Jack Ma bắt đầu vào tháng 10/2020 khi doanh nhân vốn nổi tiếng thẳng thắn từ lâu bước lên sân khấu một hội nghị ở Thượng Hải để phát biểu trước các nhà đầu tư và quan chức chính phủ. Với việc Ant đã sẵn sàng lên sàn trong một đợt IPO bom tấn, Jack Ma đã nói về những gì ông gọi là các quy định lỗi thời sẽ kìm hãm sự đổi mới trong nước.
Chỉ vài ngày sau, các quan chức đã triệu tập Ma đến Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc và giải thích rằng họ đã tìm thấy một loạt những thiếu sót trong hoạt động kinh doanh của Ant, từ cho vay tiêu dùng và quản lý tài sản đến thanh toán trực tuyến. Và rằng vụ IPO, có thể huy động được 35 tỷ USD, sẽ phải bị hủy bỏ. Gã khổng lồ fintech kể từ đó đã bị ảnh hưởng bởi các rào cản pháp lý bổ sung và buộc phải hành xử giống như một ngân hàng truyền thống.
Lợi nhuận của Ant sụt giảm khi công ty tái cấu trúc hoạt động kinh doanh để đáp ứng yêu cầu của các cơ quan giám sát của Trung Quốc và chuyển trọng tâm từ mở rộng sang tuân thủ quy định. Lợi ròng của công ty từ mức tăng trưởng hai con số vào đầu năm 2021 đến thảm họa bốn quý giảm liên tiếp so với cùng kỳ năm 2022. Đầu năm 2023, Jack Ma cho biết ông sẽ từ bỏ quyền kiểm soát Ant mặc dù ông sẽ giữ lại khoảng 6,2% quyền biểu quyết dựa trên tính toán của Bloomberg.
Đã có vô số thất bại mà Ant gặp phải ở đỉnh điểm của cuộc đàn áp công nghệ kéo dài hai năm. Vào tháng 4/2021, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu Ant biến mình thành một thực thể nắm giữ tài chính nhưng cho đến nay công ty vẫn chưa thể có được giấy phép. Ant cũng buộc phải mở ứng dụng thanh toán của mình cho các đối thủ cạnh tranh và các hoạt động cho vay của họ đã bị hạn chế đáng kể. Công ty đã bị cấm thực hiện các thao tác hướng người dùng đến các khoản vay và các dịch vụ sinh lợi khác, và khả năng cho vay của họ bị hạn chế với các quy tắc mới. Các khoản vay tiêu dùng được thực hiện chung với các ngân hàng - trước đây là động lực tăng trưởng chính - đã được tách ra khỏi các thương hiệu Jiebei và Huabei.
Ant nắm giữ 50% cổ phần trong mảng kinh doanh cho vay tiêu dùng, được thành lập vào năm 2021 như một phần của cuộc cải tổ. Đơn vị này có khả năng phát hành các khoản vay khoảng 400 tỷ đến 500 tỷ NDT dựa trên tính toán của Bloomberg. Tài sản được quản lý tại quỹ thị trường tiền tệ Yu'ebao của Ant - từng là quỹ lớn nhất thế giới - đã giảm khoảng 36% xuống còn 759 tỷ NDT (111 tỷ USD) tính đến tháng 9 so với hai năm trước.
Ở một mức độ nào đó, số liệu của Ant phản ánh sự tăng trưởng trì trệ của lĩnh vực internet rộng lớn hơn của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi các hạn chế Covid kéo dài, nghiêm ngặt của Trung Quốc và sự giám sát chặt chẽ. Trong bối cảnh những bất ổn kinh tế và quy định ngày càng tăng, Alibaba cũng đã suy giảm và trở thành cái bóng của chính mình trước đây.
Từng là công ty giá trị nhất châu Á, hoạt động kinh doanh thương mại nội địa cốt lõi của Alibaba đã bị ảnh hưởng bởi một cuộc điều tra chống độc quyền và cuối cùng là khoản tiền phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD vào năm 2021. Họ tiếp tục bị cản trở bởi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các đối thủ bao gồm JD.com Inc. và PDD Holdings Inc., và mất thị phần trong mảng điện toán đám mây vào tay các đối thủ được nhà nước hậu thuẫn.
Sau khi Alibaba công bố quý thứ ba liên tiếp tăng trưởng doanh thu một con số, công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc đã tiến hành cải tổ quản lý lịch sử vào tháng sáu. Họ đã đưa các cấp phó kỳ cựu của Jack Ma là Joe Tsai và Eddie Wu trở lại để điều hành đế chế chỉ vài tháng sau khi công ty công bố kế hoạch chia thành sáu đơn vị chính. Cặp đôi này mang hy vọng xoay chuyển một công ty đã phải vật lộn để lấy lại vị thế của mình kể từ cuộc chấn chỉnh của chính phủ.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư dường như không tỏ ra lạc quan với những thay đổi lần này. Cổ phiếu của Alibaba đã giảm 1,5% vào ngày họ tuyên bố chia tách thành 6 và trượt dốc trong ba ngày giao dịch tiếp theo. Một Alibaba chia rẽ cũng có thể chỉ làm trầm trọng thêm tai ương mà Ant có thể gặp phải.
"Kế hoạch chia tách của Alibaba có thể gây hại nhiều hơn lợi", Francis Chan, nhà phân tích cấp cao tại Bloomberg Intelligence nhận định. "Hoạt động kinh doanh tín dụng vốn là “viên ngọc quý” của họ phải đối mặt với những hạn chế về giá cả và vốn đối với tăng trưởng. Các công ty điều tra tín dụng sẽ đứng giữa Ant và các đối tác tài trợ. Phí thanh toán cũng đang trở nên nhỏ hơn, trong khi Yu'ebao đã mất đi sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư bán lẻ. Jack Ma, người vẫn là lãnh đạo tinh thần của Alibaba, đã xuất hiện tại Hàng Châu vào tháng trước, ngay trước thềm cuộc cải tổ quản lý.
Các quan chức Trung Quốc đã tìm cách trấn an cả các công ty nước ngoài và Trung Quốc rằng nước này đang mở cửa kinh doanh trở lại, bị thách thức bởi sự phục hồi kinh tế gập ghềnh hậu Covid và căng thẳng đang diễn ra với Mỹ về ưu thế công nghệ. Chiến dịch đó đã không đặc biệt hiệu quả.
Theo nhà cung cấp dữ liệu Preqin, tổng đầu tư vốn mạo hiểm vào Trung Quốc đã giảm xuống còn 3,6 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2023, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. "Khoản tiền phạt khổng lồ đối với Ant và Tencent, một mặt, thể hiện cam kết của Bắc Kinh trong việc tăng cường giám sát tài chính, nhưng mặt khác, cũng báo hiệu sẽ chấm dứt sự khắc phục có hệ thống của đất nước đối với cái gọi là các công ty nền tảng internet", Shen Meng, giám đốc ngân hàng đầu tư Chanson &Co. có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết. "Mục đích là để kích thích niềm tin của các doanh nghiệp tư nhân, Nhưng liệu việc này có thể mang lại kết quả như mong muốn hay không vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ. Rất có thể sẽ có một khoảng cách giữa kỳ vọng của Bắc Kinh và thực tế".
Nguồn: Bloomberg