Đại biểu Lê Minh Đức, phó trưởng Ban Pháp chế của HĐND TP.HCM, đặt vấn đề về tình trạng lấn chiếm lòng lề đường dù nhiều quận, huyện ra quân chấn chỉnh nhưng vẫn còn nhức nhối.
Không thể "đánh trống bỏ dùi"
Ông Đức cho rằng để giải quyết vấn đề này cần những giải pháp căn cơ hơn chứ không chỉ ra quân hình thức, tiền hô hậu ủng xong rồi “đánh trống bỏ dùi”.
Trong đó cần có biện pháp kêu gọi, vận động người dân chia sẻ, xã hội hóa việc lắp đặt các camera ở các tuyến đường. Việc này vừa giúp phục vụ cho việc đảm bảo an ninh trật tự, vừa giúp phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm lấn chiếm lòng lề đường.
Cùng với đó, ông Đức đề nghị các sở, ngành sớm nghiên cứu tham mưu UBND TP ban hành tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm để tăng tính răn đe.
Đại biểu Đức cũng nói đến một vấn nạn nhức nhối là việc xâm phạm, lạm dụng trẻ em và người khuyết tật để kiếm lợi.
“Hằng ngày đi trên đường phố vẫn thấy nhan nhản hình ảnh các phụ nữ sử dụng trẻ em, người khuyết tật đứng bán vé số, tăm bông… Hình ảnh này gây thương cảm và một số người đã mua để chia sẻ với các em bé, người khuyết tật. Tuy nhiên điều căn cơ là phải làm sao để tình trạng này không diễn ra trên đường phố”, ông Đức chia sẻ.
Theo đại biểu, các cơ quan quản lý cần phải rà soát, điều tra để biết được đứng sau việc chăn dắt và đối tượng hưởng lợi là ai để có những giải pháp mạnh tay xử lý.
“Tại sao chúng ta để các em, người khuyết tật bị ngược đãi, lợi dụng như thế? Tôi thấy chúng ta chưa đủ quyết tâm, chính quyền chưa thực hiện hết trách nhiệm.
Việc chấn chỉnh tình trạng này còn kiểu gắp cóc bỏ dĩa, từ phường này đuổi sang phường khác. Đề nghị các phường đánh giá lại để có giải pháp mạnh hơn”, ông Đức nói.
Nhiều lo ngại về an ninh mạng
Một vấn đề nữa ông Đức nói đến là tình trạng các cuộc gọi mạo danh cơ quan chức năng để dẫn dụ, lừa đảo người dân.
“Người dân bức xúc tại sao trình độ công nghệ thông tin hiện nay lại không có giải pháp góp sức để ngăn chặn tình trạng các cuộc gọi rác, lừa đảo. Đề nghị các cơ quan nghiên cứu vấn đề này”, một lần nữa ông Đức nêu đề xuất.
Cũng nói việc này, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân cho rằng: “Chúng ta nói kinh tế số nhưng không có an ninh mạng thì đây là việc rất đáng quan tâm”.
Theo ông Quân, nếu không có giải pháp ngăn chặn những người sử dụng mạng để đe dọa, lừa đảo thì kinh tế số khó phát triển bền vững. Ông đề nghị TP bố trí nhân lực, tài lực để đảm bảo việc giữ an ninh mạng.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, đã nêu một ví dụ nhức nhối về tình trạng đảm bảo an ninh mạng còn lỏng lẻo.
Theo ông Hiếu, vừa qua khi sở chưa công bố điểm chuẩn lớp 10, các trường ngoài công lập đã có dữ liệu học sinh và nhắn tin mời gọi phụ huynh, học sinh đăng ký học.
Phụ huynh thắc mắc tại sao các đơn vị lại biết số điện thoại và thông tin của thí sinh. Khi kiểm tra, rà soát, các trường nói có dữ liệu qua các buổi tiếp xúc, tư vấn. Tuy nhiên việc này không đúng.
Từ việc này, ông Hiếu đề xuất: “Chúng ta đang xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu trên nền tảng số, do vậy cần các giải pháp ngăn chặn quyết liệt, nghiêm cấm trao đổi, mua bán dữ liệu cá nhân và quy định rõ các dữ liệu cấm khai thác”.
Trao đổi lại các vấn đề, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết TP đang xây dựng đề án tích hợp các camera ở các tuyến đường do Công an TP chủ trì. Hy vọng thời gian tới sẽ hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự lòng lề đường.
Riêng vấn đề đảm bảo an ninh trên môi trường số, vị này nói chính quyền TP rất quan tâm. Đặc biệt, trong tình trạng TP đang đẩy nhanh việc chuyển đổi số, việc đưa ra các giải pháp ngăn chặn tình trạng mạo danh các cơ quan chức năng, thậm chí những cơ quan an ninh để lừa đảo rất được quan tâm.
Có tình trạng chăn dắt trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật ăn xin dưới nhiều hình thức và có tính đối phó trên địa bàn TP.HCM.