Điều mong mỏi nhất của chị B. trong thời gian mang bầu, sinh và nuôi con là được ở bên cạnh gia đình mẹ ruột, nhưng khoảng cách địa lý xa xôi và ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nên điều tưởng rất dễ ấy lại trở nên không thể. Lúc bấy giờ, dù có chồng và gia đình chồng san sẻ một phần gánh nặng, nhưng chị B. vẫn còn rất nhiều vướng bận trong lòng.
Mất ngủ kéo dài, lo âu, trầm cảm… gia tăng
Bị mất ngủ kéo dài vì phải trông con, chị B. vẫn phải làm việc nhà, nấu nướng cho nhà chồng với sáu người. Đây là điều khiến chị mệt mỏi quá sức nhưng không dám thổ lộ với ai ngoài chồng. Bí bách, chị dần trở nên cáu gắt với chồng, hay buồn tủi, hay khóc một mình…
May mắn được người chồng hiểu chuyện, biết nhường nhịn, dành nhiều thời gian san sẻ việc nhà nên tâm lý chị B. dần ổn định hơn theo thời gian con dần lớn.
Đã có rất nhiều vụ người mẹ, người cha ôm con tự tử, hoặc tự tay giết con rồi kết liễu cuộc đời mình. Như trường hợp anh Đ.M.T. (ngụ TP.HCM) đã ôm đứa con 5 tuổi vào phòng ngủ sát hại, rồi treo cổ tự tử. Theo người nhà, thời gian trước khi tự tử, anh T. có biểu hiện trầm cảm.
Bác sĩ Trần Duy Tâm - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Tâm thần TP.HCM - cho hay trầm cảm, rối loạn lo âu là vấn đề nghiêm trọng, chiếm tỉ lệ lần lượt là 9,5% và 6,1% dân số TP.HCM, cao hơn tỉ lệ của cả nước (tỉ lệ dân số bị trầm cảm và rối loạn lo âu trên cả nước lần lượt chiếm 2,4% và 2,2% dân số cả nước).
Ngoài ra, sa sút tâm thần ở nhóm người từ trên 65 tuổi tại TP.HCM rất cao, với 7,8 - 9,7% dân số, trong khi tỉ lệ này cả nước là 0,7%. Đây là điều mà ban giám đốc Sở Y tế TP.HCM rất trăn trở, cần làm sao có mạng lưới, hỗ trợ những nhóm người này.
Theo bác sĩ Tâm, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cần triển khai về tới trạm y tế, triển khai thêm đơn vị phục hồi chức năng ở cấp quận, huyện. Ông Lại Đức Trường (Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam) nhận định việc chăm sóc sức khỏe tinh thần hiện nay tại Việt Nam còn nhiều thách thức khi ngày càng gia tăng các vấn đề bất lợi cho sức khỏe tinh thần như áp lực công việc, gia tăng cách biệt giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội…
Đặc biệt nhận thức của người dân hiện nay chưa đúng, còn cho rằng người gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần là bị tâm thần phân liệt, bị điên. Người bệnh bị kỳ thị nên họ có xu hướng giấu bệnh. Ngoài ra Việt Nam còn thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho các đối tượng đặc biệt sau thảm họa, thiên tai như dịch COVID-19 vừa qua.
Để tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần người dân Việt Nam, ông Trường khuyến nghị cần bảo đảm cung cấp dịch vụ toàn diện, lồng ghép vào chăm sóc sức khỏe chung và tập trung vào chăm sóc sức khỏe ban đầu. Song song đó cần tăng cường dự phòng và nghiên cứu sức khỏe tâm thần hơn.
Dễ bị bỏ qua vì khó nhận biết
TS Dương Minh Tâm (Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ các triệu chứng, dấu hiệu của trầm cảm như "tảng băng trôi". Phần nổi (người bên ngoài, người bệnh cảm nhận được) rất ít, các biểu hiện rất giống các vấn đề hay gặp hằng ngày nên mọi người dễ nhầm lẫn và cho đó là bình thường. Điều khác lạ hơn, nhìn thấy được chỉ là người bệnh trông buồn hơn bình thường.
"Thậm chí có những người bệnh trầm cảm biểu hiện ra bên ngoài còn rất "khôn", tôi từng khám và tư vấn cho một thanh niên trẻ, có biểu hiện trầm cảm rõ và đủ yếu tố chỉ định nhập viện điều trị. Thanh niên này cũng có cảm nhận về bệnh của mình và có tìm hiểu trên mạng, nhưng khi trao đổi với gia đình thì mẹ cháu nói là bác sĩ đánh giá sai, cháu rất khôn, làm sao trầm cảm được… Mẹ con cháu về và hai tuần sau cháu tự tử" - bác sĩ Tâm nói với Tuổi Trẻ.
Ông cũng cho biết như suy nghĩ của nhiều người, trầm cảm tức là "điên", nhưng thực ra họ vẫn rất "khôn ngoan" nhiều mặt. Người bệnh luôn cố gắng thích nghi, nhưng (do bệnh) càng cố gắng càng nản trong khi những người xung quanh không hiểu và người bệnh có ý nghĩ họ không còn con đường nào khác và những tình huống không ai muốn có thể xảy ra.
"Số lượng bệnh nhân tăng rất nhanh, khi tôi mới ra trường khoảng hơn 20 năm trước, mỗi ngày bệnh viện chỉ nhận vài bệnh nhân trầm cảm, nhưng thời điểm hiện nay đang có hàng trăm bệnh nhân điều trị nội trú và đều là những ca nặng. Về cơ cấu bệnh lý, bệnh nhân trầm cảm do stress, nghiện chất nhiều hơn. Bên cạnh đó là trầm cảm sau sinh, đây là bệnh lý gặp rất nhiều nhưng may mắn là dễ chữa", bác sĩ Tâm nói.
Trong vài năm gần đây, trầm cảm trở thành một căn bệnh hay gặp và dẫn đến rất nhiều hậu quả trầm trọng: cha mẹ giết con rồi tự tử, trẻ tự làm đau mình hoặc tự tử… Vì lý do bệnh dễ bị bỏ qua, cộng với việc không nhiều gia đình có đủ nhận thức để đồng hành cùng người thân đối phó căn bệnh này, nên những hậu quả xấu thường xuyên xảy ra hơn, càng nhiều chuyện đau lòng hơn.
Mới đây, ca sĩ nổi tiếng Coco Lee qua đời và căn bệnh được báo chí quốc tế nói đến nhiều là căn bệnh trầm cảm.
Từ giữa năm 2022, TP.HCM có trung tâm cấp cứu cho người bị trầm cảm, nhưng chưa có nhiều tỉnh thành có trung tâm như vậy. Chưa kể ở vùng sâu vùng xa cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế còn khó khăn.
Đã đến lúc cần có một kế hoạch thật hiệu quả để đối phó với căn bệnh này, căn bệnh tưởng như không gây hại nhưng hậu quả thật đau lòng.
Ngày càng nhiều người ở mọi độ tuổi rơi vào hố sâu trầm cảm. Con đường "chiến đấu" bệnh trầm cảm, quay lại cuộc sống thường nhật không mấy dễ dàng. Họ rất cần sự giúp đỡ của người thân, bác sĩ.