vĐồng tin tức tài chính 365

"Bẫy" vốn giá rẻ

2023-07-11 13:21

Ngân hàng đau đáu về tín dụng

Tổng giám đốc một ngân hàng chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ngân hàng triển khai chương trình cho vay lãi suất 5%/năm với tổng hạn mức 4.000 tỷ đồng nhưng không giải ngân nổi bởi khách hàng không vay. Chưa khi nào ngân hàng ở tình trạng liên tục báo cáo gần như là từng giờ về tình hình tín dụng trong mấy tháng qua.

“Sáng đến cơ quan làm việc gần như chỉ đau đáu một việc tín dụng hôm nay như thế nào. Doanh nghiệp hết thời hạn vay thì chỉ đến trả nốt nợ không vay thêm. Khách hàng mới không khai thác được vì gần như “đóng băng” chờ đợi. Doanh nghiệp tìm mọi cách để được vay thì không dám cho vay bởi nhìn thấy rõ rủi ro. Ban lãnh đạo canh cánh việc đảm bảo an toàn tài chính và không ít lần đề cập đến việc có hay không điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2023”, vị tổng giám đốc nói.

Mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng trên vẫn “dưới mặt đất” trong 6 tháng đầu năm 2023 và đây không phải là trường hợp cá biệt, bởi ngay như “ông lớn” Vietcombank, tính đến cuối tháng 6/2023 cũng chỉ đạt mức tăng trưởng tín dụng 0,5%.

Trong một diễn biến có liên quan, lãnh đạo một đơn vị thành viên của PVChem cho biết, một doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh gạch ở Nam Định sử dụng dịch vụ do đơn vị này cung cấp nhưng trong 6 tháng đầu năm nay nợ gần 5 tỷ đồng chưa thanh toán. Sau nhiều lần trao đổi qua điện thoại hứa hẹn nhưng không có kết quả, cán bộ đơn vị thành viên của PVChem phải xuống tận Nam Định gặp trực tiếp lãnh đạo doanh nghiệp và nhận được lời hẹn: “Doanh nghiệp đã được ngân hàng V chấp thuận một gói vay có hạn mức là 20 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã làm hồ sơ giải ngân trước 1 tỷ đồng để thanh toán cho công ty nên cứ yên tâm về Hà Nội, 2 ngày sau có tiền sẽ trả trước một phần cho công ty”.

Thậm chí, để cán bộ đơn vị thành viên của PVChem yên tâm, người của doanh nghiệp sản xuất gạch còn gọi điện thoại cho nhân viên ngân hàng V nhằm xác thực là đang giải ngân một phần của gói vay lớn. Tuy nhiên, 2 ngày sau khi về Hà Nội, công ty vẫn chưa nhận được một đồng nào.

“Không thể tiếp tục ngồi đợi tiền sẽ tự về nên tôi lại phải xuống Nam Định một lần nữa, khi đó doanh nghiệp mới thanh toán cho chút tiền. Thậm chí, chúng tôi còn phải đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp làm hồ sơ luân chuyển lại dòng tiền, hay nói cách khác là giúp doanh nghiệp đảo nợ rồi lấy tiền của mình trả mình”, vị cán bộ cho hay.

Theo vị cán bộ đơn vị thành viên của PVChem, doanh nghiệp sản xuất gạch trên đang nợ tiền của khá nhiều đối tác và cũng hứa hẹn về gói tín dụng lớn được ngân hàng V tài trợ. Do đó, những đơn vị bị nợ tiền đều đến ngân hàng V để xác thực thông tin. Không rõ những đơn vị bị nợ tiền xác thực thông tin tại ngân hàng V có kết quả như thế nào, nhưng một điều chắc chắn là doanh nghiệp đó đang “nợ như chúa chổm” và gần như không có khả năng chi trả nếu không có các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ tín dụng của từng tổ chức tín dụng đều được cơ quan quản lý nắm được. Thực trạng nền kinh tế đang rất khó khăn, doanh nghiệp tốt lo ngại rủi ro không dám vay vốn là chủ yếu nên dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp, thậm chí âm ở một số ngân hàng.

Tuy nhiên, có một số ngân hàng, hạn mức tăng trưởng tín dụng đã được sử dụng gần hết do áp dụng biện pháp kỹ thuật đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp trong hệ sinh thái.

“Những ngân hàng này không thực hiện sai luật khi áp dụng Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với cho vay hoạt động sản xuất - kinh doanh và cho vay tiêu dùng; và điều chỉnh lại cách trích lập dự phòng đối với các khoản vay nói trên”, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hệ thống ngân hàng đã thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ cho 2.800 khách hàng và các tổ chức tín dụng vẫn đang tiếp tục triển khai công tác này.

Lãi suất có thể giảm thêm và nguy cơ nợ xấu

Một số ngân hàng triển khai chương trình cho vay với lãi suất 5%/năm.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến 27/6/2023, tín dụng tăng 4,03% so với cuối năm 2022 và tăng 9,08% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, về cơ cấu tín dụng, tín dụng vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm 2023 tăng 14%, cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường bắt đầu phát huy tác dụng. Tuy nhiên, tín dụng cho tiêu dùng bất động sản trong 5 tháng đầu năm nay lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 15%.

“Cho tới thời điểm hiện tại, nhà đầu tư bất động sản là cá nhân và người mua nhà để tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư nên tín dụng còn đang thấp. Bởi vậy, việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý, điều chỉnh giá nhà, giá bất động sản cũng là một trong những giải pháp thúc đẩy cầu tiêu dùng và đầu tư trong lĩnh vực bất động sản”, bà Nguyễn Thị Hồng nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, sau khi liên tiếp hạ lãi suất điều hành, lãi suất đã trở về mức trước đại dịch Covid-19. Ngân hàng Nhà nước là một trong số ít ngân hàng trung ương trên thế giới giảm lãi suất, trong bối cảnh hầu hết các nước vẫn giữ lãi suất ở mức cao (tính đến 15/6/2023, trên toàn thế giới có 101 lượt tăng lãi suất).

“Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát thủ tục, hồ sơ để tăng khả năng tiếp cận tín dụng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đang xem xét và sẽ sớm thông báo hạn mức tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Thống đốc nói.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam nhận xét, trước đà tăng trưởng yếu của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã hành động quyết liệt hơn dự đoán, bằng cách cắt giảm lãi suất tái cấp vốn tổng cộng 1,5%/năm tính đến tháng 6/2023, xuống 4,5%/năm. Với những hành động này, Ngân hàng Nhà nước đã thiên về chính sách nới lỏng hơn và nhiều khả năng sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong quý III/2023. Hoạt động xuất khẩu yếu với khả năng ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 6/2023 và có thể giảm lãi suất vào năm 2024, cũng như niềm tin vào tỷ giá hối đoái VND/USD ổn định, bất chấp các đợt giảm lãi suất trước đó đã thúc đẩy triển vọng cắt giảm lãi suất tiếp theo của Việt Nam trong năm nay.

“Do đó, chúng tôi dự đoán, lãi suất sẽ giảm thêm 1%/năm trong quý III/2023, trước khi Ngân hàng Nhà nước tạm dừng để đánh giá các tác động”, ông Đinh Đức Quang chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Phương Thanh, chuyên gia Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, với việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành 4 lần trong 4 tháng gần đây, các ngân hàng thương mại đều mạnh tay cắt giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Theo thống kê của VNDIRECT, nhiều ngân hàng đã thực hiện giảm đồng loạt 0,5 - 1%/năm lãi suất cho vay với các khoản vay hiện hữu và vay mới; hoặc giảm từ 1%/năm trở lên với các khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản đảm bảo, bổ sung vốn lưu động, hoặc vay mới phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.

“Tuy nhiên, việc lãi suất cho vay giảm sâu trong thời gian qua tiềm ẩn rủi ro khi nguồn vốn giá rẻ có thể chuyển sang phục vụ cho các dự án/mục đích dưới chuẩn, tạo nên rủi ro bong bóng tín dụng cho nền kinh tế”, bà Phương Thanh cảnh báo.

Giám đốc khối doanh nghiệp nhỏ và vừa của một ngân hàng thương mại cổ phần thừa nhận: “Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng không hạ chuẩn để cho vay. Ngân hàng cũng công bố không hạ chuẩn để cho vay, nhưng trước sức ép từ nhiều phía, không ít trường hợp ban lãnh đạo nhìn thấy rủi ro vẫn “tặc lưỡi” cho vay. Theo đó, con số tăng trưởng tín dụng có tăng, nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, bởi nợ xấu không phải là bóng ma, mà là hình hài rõ rệt ở phía trước”.

Xem thêm: lmth.444523tsop-er-aig-nov-yab/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

Comments:0 | Tags:Tin nhanh chứng khoán

“"Bẫy" vốn giá rẻ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools