Những người này thuộc thế hệ được sinh trong thời kỳ bùng nổ dân số Mỹ (giai đoạn 1946 - 1964). Số lượng người về hưu lớn này đang đặt ra những bài toán gì cho kinh tế Mỹ và với ngay cả những người về hưu?
Hàng triệu người về hưu mỗi năm là con số không hề nhỏ, tạo sức ép lớn lên các chương trình phúc lợi, nền kinh tế. Nhưng ở chiều ngược lại, những người về hưu cũng đang gặp khó nếu họ không muốn bị phụ thuộc.
Trang Bưu điện Washington cho biết, tỷ lệ người nghỉ hưu đang lớn hơn số lao động trẻ. Điều này sẽ đe doạ vỡ quỹ an sinh xã hội và chương trình y tế Medicare, vốn lấy tiền thuế của lao động hiện tại trả cho lao động hưu. Vì vậy, không ít người quyết định vẫn làm việc kể cả ở tuổi 60 - 70, vừa là vì sức khỏe còn tốt, có thêm tài chính trước khi nghỉ, vừa để trang trải cuộc sống hàng ngày.
Mỗi ngày, trung bình nước Mỹ có khoảng hơn 10.000 người nghỉ hưu và con số này sẽ duy trì đến năm 2030. Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Mấy năm gần đây mọi thứ ập đến không như kế hoạch của nhiều người về hưu. Hết COVID-19, lại lạm phát cao dai dẳng, khiến cho tiền lương hưu cũng chẳng thấm vào đâu.
Trang Business Insider công bố kết quả khảo sát 2.700 người Mỹ về cảm nhận của họ với tình hình kinh tế và kế hoạch về hưu. Chỉ hơn một nửa trả lời được họ cần bao nhiêu tiền để có tuổi già an nhàn và con số trung bình được đưa ra là 1,27 triệu USD (30 tỷ đồng). Nhưng hầu hết họ đều chỉ đang tiết kiệm được dưới 90.000 USD.
CNBC cho biết nguồn thu nhập chính của người về hưu ở Mỹ là từ quỹ an sinh xã hội, lương hưu và tiền tiết kiệm riêng. Nhưng các khảo sát cũng cho thấy, ít người có đủ được cả 3 nguồn này, thậm chí có người không có nguồn nào.
Kinh tế khó khăn, nguồn thu ngày càng hạn hẹp, điều này khiến cho tâm lý về hưu thực sự nặng nề với nhiều người, nên giờ về hưu cũng cần có sự chuẩn bị bài bản.
Trang tài chính của Yahoo phản ánh là ngày càng nhiều người Mỹ lo lắng về chuyện hưu. Họ lo là không biết tiền họ có sẽ tiêu được bao lâu. Để đối phó với điều này nhiều cụ còn quay lại trường học để học cách nghỉ hưu, trang Marketwatch cho biết.
Chương trình Change Makers của Đại học Colorado là ví dụ. Họ vừa làm lễ tốt nghiệp cho 17 sinh viên khóa đầu, trong đó một nửa là các cụ mới về hưu, số còn lại là sắp sửa.
Bỏ ra hơn 3.000 USD, học 2 tối mỗi tuần suốt 4 tháng, cái học viên được dạy là lên kế hoạch mục tiêu, thực hiện điều nên làm và không. Dù không phải ai cũng vỡ hết ra được, nhưng lớp học cho họ thêm những lựa chọn và sự chuẩn bị kỹ hơn trước khi về hưu.
Mô hình khoá học ngắn hạn trước khi về hưu đang ngày càng bùng nổ tại Mỹ. Nó đã xuất hiện ở một số bang miền Trung và Tây Mỹ - những nơi đang có tỷ lệ người về hưu tương đối cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.11510450111703202-ym-et-hnik-nel-pe-cus-yag-nol-uuh-ev-iougn-os/et-hnik/nv.vtv