Tại Triển lãm Xe hơi Quốc tế Indonesia hồi tháng 8, các quan chức cấp cao của Indonesia đã đi lướt qua và chỉ liếc nhìn rất nhanh chiếc Mitsubishi Xforce trưng bày - một mẫu crossover chiến lược mang tầm cỡ khu vực của hãng xe Nhật Bản.
Nhưng họ đã dừng lại và chụp ảnh tự sướng trước một mẫu xe điện đang trưng bày gần đó.
Chủ tịch Mitsubishi Motors, ông Takao Kato, cũng phải thừa nhận trước truyền thông: "Mối quan tâm duy nhất là xe điện!"
"Lỡ mất làn sóng"
Các thương hiệu xe Nhật vẫn đang nắm giữ khoảng 80% thị phần tại khu vực Đông Nam Á - là nơi sinh sống của khoảng 670 triệu người. Không có thị trường nước ngoài nào mà các hãng xe Nhật lại có được sự thống lĩnh cao tới vậy; họ đã xây dựng hình ảnh của mình từ việc sản xuất ngay tại khu vực và buôn bán từ những năm 1950.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất xe từ Trung Quốc và Hàn Quốc cũng bắt đầu tăng cường hiện diện với xe điện. Từng chiếc, từng chiếc một, họ bắt đầu kinh doanh những mẫu xe điện nhập khẩu tại khu vực, cùng với đó là kế hoạch sản xuất ngay tại khu vực.
Doanh số xe điện tại Thái Lan trong nửa đầu năm nay đã tăng ba lần, đạt 33.000 chiếc, chiếm khoảng 6% tổng doanh số. Hầu hết xe điện bán tại đây đều đến từ các thương hiệu Trung Quốc; trong khi đó thì các nhà sản xuất Nhật Bản một thời có doanh số chiếm hơn 90%, nhưng nay chỉ nhỉnh hơn 80%.
Thực tế, có lý do khiến cho các nhà làm xe Nhật Bản ngày càng lo lắng với xe điện tại khu vực. Tại Đông Nam Á, nhiên liệu hóa thạch vẫn là nguồn năng lượng chính để phát điện, nên khi có nhiều xe điện hơn thì lượng khí nhà kính thải ra chưa giảm được nhiều.
Hơn nữa, trạm sạc vẫn chưa được triển khai ở cấp độ rộng, đi cùng đó còn đặc trưng khí hậu nóng và ẩm khiến cho pin chóng xuống cấp.
Tuy nhiên, chính phủ các nước vẫn cố gắng điện hóa giao thông. Jakarta (Indonesia) và Băng Cốc (Thái Lan) đang ngập trong ô nhiễm không khí, khiến cho những cỗ xe điện, vốn không phát thải, trở nên hấp dẫn hơn. Ở đây có khao khát rất mạnh trong việc thành lập một ngành công nghiệp mới.
Các nhà sản xuất Trung Quốc và Hàn Quốc, những đơn vị không chiếm được cảm tình của người tiêu dùng, nhận thấy xe điện là một cơ hội để phá thế thống trị thị trường của Nhật Bản.
Chủ tịch Mitsubishi Motors Takao Kato bình luận: "Về lý thuyết, thời cơ chín muồi chưa tới. Nhưng chúng tôi lo rằng chúng tôi đang xem nhẹ vấn đề hoặc sẽ lỡ mất làn sóng".
Trung Quốc và Hàn Quốc đã bỏ cách quá xa!
Doanh số của Mitsubishi tại khu vực Đông Nam Á chiếm 30% tổng doanh số toàn thế giới.
Mitsubishi đang chuẩn bị để sản xuất xe thuần điện tại Indonesia, còn Toyota và Honda thì đang chuẩn bị sản xuất tại Thái Lan. Tuy nhiên, số lượng xe điện sản xuất ra sẽ rất hạn chế, và vì thế mà khoảng cách so với các nhà sản xuất Trung Quốc và Hàn Quốc là quá rõ ràng.
Tất nhiên, có lẽ lúc này chưa thể nói chắc chắn rằng các nhà sản xuất Nhật Bản đang là những kẻ "ngủ quên trên chiến thắng".
Đầu tiên, làn sóng xe điện hiện tại ở khu vực có cơ hội xảy ra, về cơ bản, do được hỗ trợ. Đơn cử như tại Thái Lan, người dân mua xe điện có thể được hỗ trợ 1.500 bạt (khoảng 1 triệu đồng), nhưng chính sách này không tồn tại mãi.
Xe sử dụng động cơ đốt trong có thể tối ưu chi phí nhờ sản xuất số lượng lớn, nhưng không thể áp dụng điều này với pin xe điện - bộ phận chiếm 30% đến 40% chi phí một chiếc xe điện. Rất khó để khẳng định khi không còn hỗ trợ thì doanh số xe điện sẽ tiếp tục đà tăng.
Điều thứ hai là xu thế trên toàn thế giới đang thay đổi. Liên minh châu Âu từng đi đầu trong ủng hộ xe điện, nhưng vừa mới dỡ bỏ lệnh cấm bán xe sử dụng động cơ đốt trong từ năm 2035, miễn là những xe đó sử dụng nhiên liệu tổng hợp trung hòa các-bon. Khu vực Đông Nam Á thường đi theo các tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu, giờ cũng đang xem xem các biện pháp của châu Âu sẽ ra sao.
Ông Noriyuki Matsushima, cố vấn tại Mitsubishi UFJ Research and Consulting, cho biết: "Chúng ta đang bước vào giai đoạn mà xe điện, động cơ đốt trong và nhiên liệu cùng lúc có những đổi mới sáng tạo".
Hiện tại, chỉ có các thương hiệu Nhật Bản đủ năng lực cơ khí để đối đầu với cả hai vấn đề này ở khu vực Đông Nam Á. Họ không nên tụt quá xa về xe điện và buộc phải bứt lên trước ở động cơ đốt trong, chủ yếu với công nghệ lai điện (hybrid).
Bất kể thị trường đi theo hướng nào, sức mạnh thương hiệu, năng lực bán và dịch vụ mà các thương hiệu Nhật đã có nhiều năm kinh nghiệm tại khu vực có thể là một thứ vũ khí đáng gườm.