Thông báo này được đưa ra hai ngày trước khi Quốc hội Thái Lan chuẩn bị bỏ phiếu bầu thủ tướng mới, sau cuộc bầu cử hồi tháng 5.
Ông Prayut, 69 tuổi, đã lãnh đạo Thái Lan từ năm 2014, khi còn là tổng tư lệnh quân đội.
Vào năm 2019, ông Prayut được bầu làm lãnh đạo sau khi Đảng Quốc gia Thái Lan thống nhất chiến thắng tại Quốc hội.
Tuy nhiên, các đảng đối lập Thái Lan đã giành được ưu thế trong cuộc bầu cử toàn quốc hồi tháng 5 vừa qua.
Đảng Tiến bước (Move Forward) đã giành được nhiều ghế nhất và tỉ lệ phiếu bầu phổ thông lớn nhất. Theo Đài CNN, đảng này vốn thu hút được lượng lớn người ủng hộ trong giới trẻ Thái Lan nhờ cương lĩnh cải cách của mình.
Trong khi đó, Pheu Thai, đảng đối lập chính trong 20 năm qua tại Thái Lan, đứng thứ hai.
Giới quan sát cho rằng ông Prayut sẽ không đủ sự ủng hộ ở Hạ viện để giành được một nhiệm kỳ thủ tướng khác. Nguyên nhân vì đảng của ông chỉ giành được 36 ghế trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 - mặc dù kết quả cuối cùng vẫn chưa chắc chắn.
Theo CNN, ông Prayut sẽ tiếp tục làm thủ tướng cho đến khi chính phủ mới được thành lập.
Chính phủ của ông Prayut đã vấp phải nhiều chỉ trích về cách xử lý đại dịch COVID-19 và nền kinh tế, chế độ gia đình trị, thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Ông Thitinan Pongsudhirak, nhà khoa học chính trị và giám đốc Viện Nghiên cứu an ninh và quốc tế tại Đại học Chulalongkorn, nhận định tình hình kinh tế là một trong những nguyên nhân đem lại ảnh hưởng tiêu cực cho chính phủ của ông Prayut.
"Thái Lan đã chứng kiến những dấu hiệu trì trệ kinh tế, suy thoái chính trị và vị thế quốc tế thấp nhất từ trước đến nay", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Ông Thitinan cũng nhận định việc ông Prayut giã từ chính trường có khả năng giúp lãnh đạo Đảng Tiến bước Pita Limjaroenrat có thêm cơ hội.
Ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo Đảng Tiến bước (MFP), dù đã chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua nhưng vẫn đang đứng trước nhiều sóng gió trong lộ trình tìm đến chiếc ghế thủ tướng Thái Lan.