Đại biểu HĐND TP.HCM đã biểu quyết thông qua Nghị quyết hỗ trợ kinh phí cho Công an TP mua sắm trang, thiết bị phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ.
Nội dung Nghị quyết được thông qua tại phiên bế mạc của kỳ họp lần thứ 10, HĐND TP.HCM khoá X, ngày 12-7.
Phiên bế mạc của kỳ họp lần thứ 10, HĐND TP.HCM khoá X, ngày 12-7. Ảnh: THÀNH NHÂN |
Trước đó, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi trình nội dung này với HĐND TP khóa X, nhằm trang bị thêm phương tiện phục vụ chữa cháy, cứu nạn cho cảnh sát cứu hỏa trên địa bàn. Kinh phí được lấy từ nguồn dự phòng ngân sách thành phố năm 2023.
Số tiền trên dùng để mua sắm 15 hạng mục trang thiết bị, gồm xe thang chữa cháy 55 m trở lên, xe hút khói và cứu nạn cứu hộ, robot chữa cháy và cứu hộ tự hành; thiết bị dò tìm, quan sát trong không gian hạn chế, thiết bị cảm biến dò tìm người bị nạn, phao cứu nạn, cứu hộ tự hành, dụng cụ phá dỡ đa năng, quần áo chuyên dụng cho người trực tiếp chữa cháy, xử lý hóa chất, bộ khí tài phòng độc cách ly, camera nhiệt chuyên dụng, găng tay cách điện…
Hiện nay, TP.HCM đã củng cố 17 đội PCCC với 150 thành viên, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các chung cư lớn, chuyên ngành xăng dầu ở các tổng kho. Sắp tới, TP sẽ tách đội CHCN khỏi PCCC; triển khai PCCC cho các công trình ngầm, Metro.
Trong năm 2022, TP.HCM xảy ra 195 vụ cháy, hai vụ nổ, làm chết 4 người, bị thương 15 người, thiệt hại về tài sản thành tiền hơn 39 tỉ đồng và 71 vụ chưa ước tính được thiệt hại về tài sản.
Ba tháng đầu năm 2023, xảy ra 37 vụ cháy, không có người chết, một người bị thương.
Công an TP.HCM đánh giá, các vụ cháy, nổ trên địa bàn phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Với số lượng cao ốc, chung cư cao tầng lớn, việc trang bị đầy đủ thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy là rất cần thiết.
Trước đó, Thủ tướng ký phê duyệt về quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quyết định yêu cầu xây dựng mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ PCCC, trong đó ưu tiên bố trí trụ sở các đơn vị cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) tại các khu vực đô thị, khu vực trọng điểm về PCCC...
Theo đó, cơ quan chức năng cần đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công trình phục vụ ứng phó khẩn cấp, huấn luyện, chỉ huy điều hành, kiểm định phương tiện và nghiên cứu khoa học - công nghệ PCCC&CNCH chính quy, tinh nhuệ…
Theo quy hoạch, hạ tầng PCCC đến năm 2030 gồm: Phân vùng hạ tầng PCCC; phương hướng phát triển mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ PCCC; phát triển hệ thống cung cấp nước phục vụ PCCC; hệ thống giao thông phục vụ PCCC; hệ thống thông tin liên lạc phục vụ PCCC.
Trong đó, quy hoạch hạ tầng về PCCC được phân thành sáu vùng.
Quyết định cũng đề xuất nghiên cứu thí điểm thành lập, bố trí địa điểm hoạt động cho đội PCCC&CNCH tình nguyện tại các khu đô thị, khu dân cư, làng nghề, cụm gia đình hoạt động kinh doanh dịch vụ.
Với quy hoạch này, dự kiến vốn đầu tư hạ tầng PCCC cho lực lượng cảnh sát PCCC&CHCN đến năm 2030 là khoảng 89.332 tỉ đồng.