Ngày 11-7, ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động cho thấy giá vé máy bay khứ hồi đường bay giữa TP HCM với Phú Quốc khởi hành từ nay tới cuối tháng 7 chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/khách, thấp hơn cả ngày thường dù đang cao điểm hè. Nhiều hãng hàng không mở bán mức giá vé thấp nhất chỉ từ 600.000 đồng/chặng đã gồm thuế phí. Dù vậy, một số người cho biết nếu chọn đi du lịch thời điểm này, họ sẽ không đến Phú Quốc.
Giá vé máy bay rẻ nhất trong 6 năm qua
Thực tế, nhu cầu đi du lịch tự túc và du lịch gần tại các khu vực quanh TP HCM hoặc Hà Nội thời gian qua khiến nhiều công ty du lịch, điểm đến rơi vào tình trạng vắng khách; các hãng hàng không "ế" vé.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2023, thị trường hàng không nội địa tăng 13% so với năm 2019 nhưng so với cùng kỳ năm ngoái thì chỉ tăng 2%. Nếu chỉ tính 3 tháng 4, 5, 6-2023, thị trường giảm mạnh 13%-18% so với cùng kỳ. Ngay trong dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, thị trường hàng không nội địa vắng khách, buộc các hãng phải giảm giá vé máy bay vào phút chót để kích cầu.
Theo phản ánh của các hãng hàng không, bay quốc tế thời gian qua phục hồi rất chậm, đặc biệt là các thị trường quan trọng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc), thậm chí cả Nhật Bản. Đồng yen của Nhật Bản mất giá mạnh thời gian gần đây cũng ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không. Thị trường bay quốc tế chưa hồi phục hoàn toàn nên các hãng đổ tải vào nội địa, trong khi với sức mua đang giảm nên giá vé máy bay giảm theo rất nhanh.
"Giá vé nội địa bình quân của Vietnam Airlines tháng 6-2023 đã giảm gần 7% so với cùng kỳ năm 2019. Xét chung cả 3 hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO, giá vé nội địa bình quân tháng 6-2023 cũng đã giảm 6,6% so với cùng kỳ 2019. Hiện nay, chi phí đầu vào vẫn cao nhưng giá vé máy bay lại rẻ nhất trong 6 năm gần đây, nhất là hè này" - ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, cho biết.
Các hãng còn phản ánh hạ tầng hàng không tại nhiều sân bay nội địa quá tải, nhất là các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài. Việc này gây kéo dài thời gian chờ đợi của hành khách, kéo dài thời gian mỗi chuyến bay, làm giảm chất lượng dịch vụ trong khi làm tăng chi phí khai thác của các hãng.
Các hãng hàng không phản ánh đang gặp rất nhiều khó khăn dù trong mùa cao điểm du lịch hè. Ảnh: TẤN THẠNH
Kiến nghị nhiều giải pháp hỗ trợ khẩn
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, nhấn mạnh các hãng hàng không đang thực sự rất khó khăn.
Ông Kỳ phân trần không phải các hãng thiếu cố gắng, nỗ lực mà có những vấn đề thuộc cơ chế, chính sách cần được Chính phủ và bộ, ngành liên quan quan tâm tháo gỡ. Lúc này, các hãng rất mong muốn có một hội nghị chuyên đề để tháo gỡ khó khăn nhằm giúp trao đổi, bàn giải pháp sớm phục hồi và phát triển trong thời gian tới.
Trước mắt, để ứng phó những khó khăn trước mắt, ông Kỳ cho biết trong 6 tháng cuối năm 2023, Vietravel Airlines dự kiến sẽ đón máy bay thứ 5 và đưa vào khai thác trong giai đoạn giữa tháng 8, đồng thời tăng đội máy bay lên 6 chiếc trong năm nay. Với việc tăng số lượng máy bay, hãng sẽ mở rộng mạng đường bay nội địa và quốc tế trong năm 2023. Thị trường mục tiêu mà hãng nhắm đến là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.
Trong khi đó, đại diện Vietnam Airlines kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét tiếp tục kéo dài đến hết năm 2024 các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch COVID-19, đặc biệt với các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng như hàng không về việc giảm phí hạ, cất cánh ở các cảng hàng không nội địa. Vietnam Airlines kiến nghị Bộ GTVT quan tâm đến việc quản lý slot (lượt cất, hạ cánh) khai thác đường bay quốc tế.
Theo Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa, trong dịch COVID-19, hãng không khai thác được thị trường London - Anh. Đến nay, hãng đã bị mất hết toàn bộ slot ở London mà không được cấp lại. Đối với Ấn Độ, tất cả các hãng hàng không hiện chỉ được cấp 28 slot ở 4 sân bay lớn.
Dưới góc độ quản lý, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết cục đánh giá thị trường hàng không 6 tháng cuối năm 2023 vẫn tiềm ẩn một số yếu tố bất lợi. Cụ thể, xu hướng thắt chặt chi tiêu của khách nội địa, sự cạnh tranh của các loại hình đường bộ với hàng loạt tuyến cao tốc đưa vào khai thác, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục leo thang, sự mất giá của đồng yen, chính sách khuyến khích khách du lịch nội địa của Trung Quốc... khiến dòng khách của các quốc gia có thị trường lớn này đến Việt Nam giảm.
Để khôi phục thị trường, Cục Hàng không sẽ tiếp tục chủ động nghiên cứu, theo dõi sát nhu cầu, phối hợp với các hãng, đơn vị chuyên ngành để có giải pháp kịp thời, phù hợp với khả năng phục vụ của điều kiện kết cấu hạ tầng hàng không; bổ sung các đường bay đến những điểm có nhu cầu cao, tăng cường hỗ trợ các hãng hàng không, tiếp tục làm việc với các nhà chức trách nước ngoài để tạo điều kiện khai thác bay quốc tế…
Ngoài ra, Cục Hàng không thống nhất quan điểm đàm phán "có đi có lại" trong việc cấp và xin slot các đường bay quốc tế, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Vietnam Airlines phối hợp với Cục Hàng không, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Vận tải rà soát lại. Trường hợp cần thiết, Bộ GTVT sẽ có văn bản hoặc lập đoàn công tác đàm phán, trao đổi trực tiếp với các nước về việc cấp slot đường bay.
Cổ phiếu HVN bị hạn chế giao dịch
Vietnam Airlines ngày 11-7 đã hủy thông báo chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền tham dự đại hội cổ đông thường niên năm 2023 vì cần thêm thời gian chuẩn bị.
Trước đó, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã thông báo chuyển cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch từ ngày 12-7, chỉ được giao dịch trong phiên chiều. Lý do là hãng chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị hạn chế giao dịch.
Xem thêm: mth.34605350211703202-ohk-naht-cut-peit-gnohk-gnah/et-hnik/nv.moc.dln