Được giải cứu bởi chính quyền địa phương và fan hâm mộ trung thành 3 năm về trước sau khi ‘bốc hơi’ hơn 70% giá trị vốn hóa, Nio - công ty xe điện có trụ sở tại Thượng Hải lại một lần nữa mắc kẹt trong chu kỳ ảm đạm.
Quyết định bán cổ phần cho CYVN Holdings LLC, một tổ chức đầu tư do chính phủ Abu Dhabi kiểm soát, được cho là có thể giúp Nio sớm thoát khỏi khó khăn, song 738,5 triệu USD tiền mặt chỉ có thể giúp hãng duy trì vài tháng. Trước đó, bản thân startup này đã chi tới 8 tỷ nhân dân tệ (1,1 tỷ USD) trong quý I/2023 để vực dậy tình hình kinh doanh.
Trong khi các giám đốc điều hành cấp cao tuyên bố chắc nịch có thể đạt mục tiêu tăng gấp đôi doanh số bán hàng lên 250.000 chiếc xe điện trong năm nay, Nio chỉ giao được 54.561 chiếc trong nửa đầu năm, tức tương đương hơn 20% mục tiêu ban đầu. Hãng cũng bỏ lỡ mục tiêu cho toàn năm 2022.
Theo Giám đốc điều hành của Nio, William Li, công ty đã buộc phải trì hoãn kế hoạch đầu tư và nghiên cứu để thận trọng mở rộng kế hoạch ra nước ngoài. William Li hiện đang giải quyết vấn đề thị trường sau khi Nio báo lỗ 4,74 tỷ nhân dân tệ. Tỷ suất lợi nhuận gộp trong giai đoạn này cũng giảm xuống 1,5%, trong khi cổ phiếu niêm yết tại Mỹ ‘bốc hơi’ gần 50% giá trị chỉ trong 12 tháng.
Vào tháng 4, ngay trước thềm triển lãm ô tô lớn Thượng Hải, Nio cam kết tăng cường mở rộng ra thị trường châu Âu và đứng ngoài cuộc chiến về giá mà Tesla tạo ra. Đại diện hãng cho biết quyết định giảm giá có thể khiến thương hiệu mới của Nio là Alps mất đi giá trị vì là thương hiệu cao cấp.
Ngoài cắt giảm chi phí, Nio cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức xoay quanh việc đẩy mạnh các phiên bản cập nhật. Trong vòng một tháng, Nio đã tiết lộ mẫu xe cải tiến của dòng thể thao đa dụng ES6 bán chạy nhất nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng, song thị trường xe năng lượng mới bão hòa tại Trung Quốc khiến mục tiêu kế hoạch trên chưa được hiện thực hóa.
Kể từ những ngày đầu thành lập, Nio đã thiết lập một mạng lưới các khách hàng trung thành; tổ chức sự kiện và party để mọi người có thể cùng giao lưu. Tuy nhiên, sau khi cơ sở khách hàng ngày càng mở rộng, cảm giác thân thuộc đã giảm đi ít nhiều. Một số còn cảm thấy khó chịu với việc giảm giá của Nio vì nghĩ rằng như vậy là làm giảm giá trị thương hiệu.
Các nhà đầu tư - và những người mua xe Nio - đều hy vọng công ty sẽ tự rút ra bài học đúc kết trong quá khứ. Dẫu vậy, hãng vẫn đang lên những kế hoạch đầy tham vọng, chẳng hạn như xây dựng 1.000 trạm đổi pin trong năm nay chỉ riêng ở Trung Quốc. Ước tính với khoảng 140.000 USD/trạm sạc, đây được cho là khoản chi mà Nio khó có khả năng lo liệu.
Đầu tháng này, NIO quyết định giảm giá tất cả các mẫu xe có sẵn ở Trung Quốc xuống 4.200 USD. Công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Thượng Hải này còn cho phép người mua mua ô tô không có pin — một trong những thành phần đắt nhất của EV — và đăng ký chương trình thay pin miễn phí.
“Cùng với các sản phẩm có tính cạnh tranh cao, chính sách sạc xe, đổi pin và thuê xe linh hoạt, chúng tôi sẽ thay đổi cục diện ngành xe điện. Cam kết với khu vực đánh dấu một chương mới trong quá trình phát triển toàn cầu của chúng tôi”, CEO NIO nhấn mạnh.
Tu Le, Giám đốc điều hành Sino Auto Insights chuyên nghiên cứu về ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc, cho biết chương trình giảm giá sẽ tạm thời thúc đẩy doanh số bán hàng, song phía NIO có thể sẽ phải điều chỉnh lại chiến lược và sản phẩm của mình nếu muốn chiến thắng.
Được biết trước đó, NIO tiết lộ kế hoạch mở rộng thị trường tại các quốc gia châu Âu, lần lượt là Đức, Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Điển. Việc đặt Đức vào một trong các điểm đến và sẵn sàng cạnh tranh với những ‘ông lớn’ như Mercedes, BMW, Audi ngay tại sân nhà cho thấy NIO đặt quyết tâm rất lớn trong việc chinh phục một thị trường khó tính.
Theo: WSJ