HĐND TP.HCM vừa thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị quyết 13 năm 2020 của HĐND TP về chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, hộ thoát nghèo (hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo) trong vòng 24 tháng kể từ thời điểm được cấp có thẩm quyền công nhận thoát nghèo sẽ được hỗ trợ theo chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.
Các hộ này cũng sẽ được hỗ trợ cho lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (từng giai đoạn) của trung ương và UBND TP, cũng như giải quyết việc làm trong nước.
TP còn có chính sách hỗ trợ các hộ nâng cao dinh dưỡng cải thiện thể chất con người; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; giáo dục (hỗ trợ học văn hóa và học nghề); trợ giúp xã hội hỗ trợ hỏa táng.
Ngoài ra có các chính sách và giải pháp hỗ trợ nhà ở phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu của hộ. Khuyến khích nguồn lực xã hội hóa đầu tư nhà ở phù hợp cho hộ và hỗ trợ tiếp cận nguồn nước sinh hoạt an toàn.
Kinh phí thực hiện chương trình gồm nguồn vốn trung ương, ngân sách TP, quận huyện, TP Thủ Đức và nguồn vốn hợp pháp khác.
Điều kiện vay vốn, người vay phải có tên trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo của TP được UBND phường, xã, thị trấn xác nhận trên danh sách đề nghị vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay.
Mức vốn cho vay phụ thuộc vào nguồn vốn để cho vay, mục đích sử dụng vốn vay, vốn tự có và khả năng hoàn trả của hộ vay. Đối với hộ vay, mức cho vay tối đa theo quy định của HĐND TP trong từng thời kỳ (hiện nay mức cho vay tối đa là 100 triệu đồng/hộ).
Đối với lao động là thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động được vay tối đa theo giá trị của hợp đồng (không phải thế chấp tài sản).
Khoản vay này nhằm tạo điều kiện cho các hộ mua sắm vật tư, phương tiện, thiết bị, giống cây trồng, vật nuôi để tổ chức sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ; xây mới, sửa chữa nhà ở - nhà cho thuê; xây dựng công trình nước sinh hoạt, nhà vệ sinh tự hoại để cải thiện điều kiện sống cho gia đình...
Người vay cũng có thể góp vốn thực hiện các dự án hợp tác sản xuất, kinh doanh; đầu tư cải thiện nghề nghiệp, xuất khẩu lao động; đóng phí học văn hóa, chi phí học tập văn hóa, học nghề; chi trả các khoản chi phí đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Về thời gian vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay và hộ vay thỏa thuận về thời hạn cho vay căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của hộ vay và nguồn vốn nhận ủy thác cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP tối đa không quá 120 tháng.
Đối với hộ mới thoát nghèo: thời gian vay tối đa là 60 tháng.
Hộ thoát nghèo được vay tối đa 100 triệu đồng giải quyết việc làm
Đối với cho vay giải quyết việc làm, nghị quyết nêu tiêu chí cho vay ưu đãi đối với người lao động để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Về mức hỗ trợ, đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng. Đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, mức vay tối đa là 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp.
Thời hạn vay vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay và người vay thỏa thuận căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của người vay. Thời hạn vay vốn tối đa 120 tháng.
Đối với người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thời hạn vay vốn không vượt quá thời hạn làm việc ở nước ngoài của người lao động ghi trong hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp.
Theo chỉ số Nghèo đa chiều công bố mới đây, Việt Nam là 1 trong 25 quốc gia giảm nghèo đa chiều thành công 15 năm qua.