Bệnh nhân kể đã nhìn thấy bác sĩ cưa hộp sọ
Bà Reynolds sinh năm 1956 tại Mỹ. Năm 35 tuổi, bà được chẩn đoán mắc chứng phình động mạch não. Bệnh của bà có hai trở ngại lớn.
Một là động mạch hình thành cái túi có kích thước lớn và hai là nằm ở động mạch gần thân não nhất. Do đó, động mạch có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào gây xuất huyết não dẫn đến tử vong.
Cơ hội sống sót của bà rất mong manh. Bà quyết định liên hệ với bác sĩ Robert Spetzler, ở Viện Thần kinh Barrow tại Arizona, bác sĩ phẫu thuật thần kinh nổi tiếng thế giới. Mặc dù tiên lượng xấu, ông vẫn đề nghị phẫu thuật não cho bà bằng một phương pháp mới được gọi là "phương pháp hạ thân nhiệt".
Trong ca phẫu thuật, các bác sĩ ngừng hoạt động tim (kết nối bệnh nhân với hệ thống tim - phổi nhân tạo), rút hết máu ra khỏi cơ thể để loại bỏ áp lực lên mạch máu, sau đó mới loại bỏ chỗ phình động mạch.
Thân nhiệt được giảm còn 15,5°C để bảo vệ não khỏi thiếu oxy. Bệnh nhân được đặt trong tình trạng chết lâm sàng trong khoảng 60 phút.
Ca mổ não thành công. Khi não bị rút hết máu và thân nhiệt giảm còn 15,5°C, lẽ ra bà không thể lưu giữ được ký ức nào.
Song điều đáng kinh ngạc là dù đã có ba lần kiểm tra lâm sàng xác nhận não đã chết, sau khi hồi tỉnh bà vẫn có thể nhận thức rõ ràng đã trải qua trải nghiệm cận kề cái chết hoàn chỉnh với các giai đoạn thoát xác, vào đường hầm, gặp bà nội và người chú đã khuất, nhìn thấy ánh sáng và cuối cùng hồi tỉnh.
Bà cho biết: "Nghe có vẻ điên rồ, đột nhiên tôi thoát đi từ phía đỉnh đầu. Tôi nhìn thấy cơ thể nằm bên dưới và tôi biết đó là cơ thể của tôi. Tôi nhìn quanh mình. Tôi không còn thấy đau nữa. Tôi nhìn thấy các bác sĩ".
Bà kể chính xác và chi tiết ca mổ dù dụng cụ dùng để khoan không bao giờ được bày ra ngoài để bảo quản vô trùng tuyệt đối. Bà có thể nghe tiếng cưa được sử dụng để mở hộp sọ và hai lần các bác sĩ khử rung tim.
Khi các bác sĩ muốn nối cơ thể bà với hệ thống tim - phổi nhân tạo, bà nghe họ nói các động mạch tại chân phải của bà quá nhỏ nên quyết định rạch một vết khác ở chân trái. Điều khiến bà thích thú là các bác sĩ có thể nghe nhạc trong phòng mổ.
Ban đầu bà Reynolds nói đùa với chồng và gia đình những gì bà thấy xảy ra trong giấc mơ. Nhưng sau khi bà kể lại, các bác sĩ và y tá xác nhận những điều bà kể đều đúng thực tế.
Bà qua đời vào tháng 3-2010 ở tuổi 54. Vì sao não ngừng hoạt động nhưng bà Reynolds vẫn trải qua trải nghiệm cận kề cái chết? Các nhà khoa học đã cố gắng giải thích vấn đề này.
Giả thiết phổ biến nhất là não thiếu oxy. Khi tim ngừng đập, não bị mất hoàn toàn hoặc một phần oxy nên não phóng thích một số chất dẫn truyền thần kinh như endorphin gây ra ảo giác.
Do tình trạng thiếu oxy thường đi kèm với nồng độ carbon dioxide (khí CO2) tăng lên trong máu, trải nghiệm cận kề cái chết có thể xuất hiện do CO2 gây ra.
Người sử dụng thuốc gây ảo giác phổ biến như LSD (ma túy), dymethyltryptamine (DMT - chất hướng thần), psilocybin (nấm ma thuật), ayahuasca (trà gây ảo giác) cũng có thể có các cảm giác như thay đổi nhận thức về thời gian, nhìn thấy quá khứ vị lai, vui vẻ và bình yên, thoát xác, gặp gỡ các sinh vật thần bí, linh hồn người quá cố hoặc nhân vật tôn giáo.
Ngoài ra, trải nghiệm cận kề cái chết có thể phát sinh khi sử dụng các hóa chất dùng trong quá trình gây mê hay não bị tổn thương làm gián đoạn giai đoạn giấc ngủ mơ. Hiện tượng thoát xác còn có thể xuất hiện sau khi kích thích điện cho não.
Bí ẩn chưa có lời giải đáp trọn vẹn
TS Bruce Greyson, ở Đại học Virginia (Mỹ), đã nghiên cứu hiện tượng trải nghiệm cận kề cái chết hơn 40 năm và đã viết hơn 100 bài đăng trên các tạp chí y học về lĩnh vực này, song ông phải thú nhận:
"Bản thân tôi là nhà khoa học và là người hoài nghi, tôi đánh giá nghiêm túc vấn đề trải nghiệm cận kề cái chết và cố gắng nghiên cứu. Song các dữ liệu nghiên cứu cho thấy đây vẫn là vấn đề bí ẩn".
Một số vấn đề chưa được giải thích như sau:
- Do ảo giác: Ảo giác thay đổi khác nhau tùy mỗi người trong khi chuyện kể về trải nghiệm cận kề cái chết đều nói đến các biểu hiện giống nhau.
- Do thuốc gây ảo giác: Chỉ DMT mới tạo ra trải nghiệm gần giống trải nghiệm cận kề cái chết. Đối với giả thiết dược phẩm gây ra ảo giác, bệnh nhân càng dùng nhiều thuốc càng ít có khả năng trải qua trải nghiệm cận kề cái chết.
- Thiếu oxy hoặc CO2: Não của người đã qua trải nghiệm cận kề cái chết có nhiều oxy hơn nhóm đối chứng. Ngoài ra, trải nghiệm này xuất hiện ở nhiều bối cảnh khác nhau như khi cái chết chắc chắn xảy tới (tai nạn giao thông...) hay khi không có nguy cơ tử vong như trầm cảm nặng, sốc tinh thần hoặc không rõ nguyên nhân.
- Kích thích điện cho não: Kích thích này chưa bao giờ tái hiện thành công hiện tượng thoát xác.
Thật ra trải nghiệm cận kề cái chết ẩn chứa nhiều bí mật vì quá trình nghiên cứu vấp phải hai trở ngại chính, một là bằng chứng và hai là làm thực nghiệm.
Bằng chứng chỉ dựa vào chuyện kể của người sống sót, vì vậy không thể xác minh đúng hay sai.
Còn về thử nghiệm thì không thể thực hiện vì lý do đạo đức.
Không thể cho ngừng tim tự nguyện, đo toàn diện về thể chất và não bộ rồi đánh thức người tham gia thử nghiệm để hỏi xem họ nhớ gì không.
Một nghiên cứu quy mô gần đây đã hé lộ ít nhiều về trải nghiệm cận kề cái chết. Nghiên cứu của Trường y khoa Đại học New York được trình bày tại hội nghị khoa học về hồi sức của Hiệp hội Tim mạch Mỹ ngày 6-11-2022 ở Chicago đã chứng minh hai điều:
Ý thức không chết khi cơ thể chết (tim ngừng đập) và các biểu hiện như thoát xác, nhìn thấy cuộc đời lướt qua không phải là ảo giác, mê sảng hoặc giấc mơ.
Nhóm nghiên cứu đã xem xét 567 bệnh nhân được hồi sức tim phổi sau khi tim ngừng đập tại 25 bệnh viện ở Anh và Mỹ từ tháng 5-2017 đến 3-2020. Từ 10 - 20% bệnh nhân hồi phục. Kết quả trong năm người sống sót có một người mô tả rõ ràng trải nghiệm cận kề cái chết.
Khi kiểm tra não của 85 bệnh nhân, nhóm nghiên cứu phát hiện não hoạt động đột biến suốt một tiếng sau khi hồi sức và xuất hiện một số sóng não thường phát sinh khi con người còn có ý thức và sử dụng nhận thức để suy nghĩ hoặc hồi tưởng ký ức.
TS Sam Parnia - nhà nghiên cứu chính - nhận xét: "Trải nghiệm được ghi nhớ và hiện tượng thay đổi sóng não có thể là dấu hiệu đầu tiên của cái gọi là trải nghiệm cận kề cái chết. Đây là lần đầu tiên chúng tôi nắm bắt được trải nghiệm này trong nghiên cứu lớn".
Ông có cảm giác bồng bềnh trên suối, thác nước và trên cánh đồng, nhìn thấy nhiều người nhảy múa, hàng triệu con bướm và trẻ em nô đùa vui vẻ.
Nghiên cứu về trải nghiệm của ông đăng trên tạp chí Bệnh Tâm Thần Và Thần Kinh (Mỹ) năm 2018 khẳng định trải nghiệm này không liên quan đến hoạt động của não vì não sau gây mê có rất ít hoặc không có hoạt động nào.
------------------
Không chỉ người bình thường, mà nhiều nhà khoa học, kể cả các bác sĩ cũng trải nghiệm cận tử với nhiều chuyện chưa lý giải được từ quan điểm khoa học.
Kỳ tới: Khi các nhà khoa học trải nghiệm cận tử
Văn hóa có thể tác động ở mức độ nhất định đến trải nghiệm cận kề cái chết nhưng đến nay không đủ dữ liệu nghiên cứu để chứng minh.