Dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay đã hạn chế đà phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ. Nhưng chứng khoán có thể đổi chiều một lần nữa nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 6 cho thấy lạm phát hạ nhiệt nhanh hơn dự đoán của các nhà kinh tế.
Quan điểm này đang được một số nhà phân tích chấp nhận, đặc biệt là sau khi họ xem xét giá của ô tô cũ. Chỉ số Ô tô cũ Manheim đã giảm 10,3% trong năm. Chỉ báo này đã giảm 10 tháng liên tiếp và ghi nhận mức giảm lớn nhất vào tháng 6 vừa qua.
Báo cáo này đã khiến thị trường chú ý. Theo FactSet, cổ phiếu của nền tảng bán xe cũ đang gặp khó khăn là Carvana Co. đã tăng 16% trong phiên giao dịch ngày 10/7 và tăng thêm gần 3% vào ngày tiếp theo, đạt mức 36 USD/cp.
Các nhà phân tích cho biết những dự đoán tích cực đối với báo cáo CPI đã thúc đẩy chứng khoán tăng trong phiên ngày 11/7.
Chuyên gia Tom Lee của Fundstrat kỳ vọng lạm phát sẽ giảm nhanh hơn dự kiến, giúp S&P 500 tăng 100 điểm, tương đương 2,3% trong tuần này. Lý do đơn giản là vì lạm phát suy yếu sẽ giảm bớt gánh nặng buộc FED phải tăng lãi suất. Ngân hàng trung ương có thể quay trở lại chính sách cắt giảm lãi suất hoặc ít nhất là không nâng lãi suất lên cao thêm.
Jason Draho, người đứng đầu bộ phận phân bổ tài sản khu vực châu Mỹ của UBS Global Wealth Management đã phân tích tác động của lạm phát hạ nhiệt đối với thị trường.
Ông viết: “Cả CPI toàn phần và CPI lõi trong tháng 6 dự kiến sẽ giảm khá nhiều”. Vị chuyên gia cho rằng một vài tháng CPI giảm đủ để thuyết phục các nhà đầu tư rằng lạm phát đã được “giải quyết”. Nếu điều đó xảy ra, FED sẽ không có lý gì phải duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn. Từ đó, rủi ro suy thoái cũng giảm.
Theo khảo sát của tờ Wall Street Journal, các nhà kinh tế dự đoán lạm phát so với năm trước sẽ giảm từ 4,0% xuống 3,1%. Lạm phát lõi so với năm ngoái sẽ giảm từ 5,3% xuống 5,0%.
Trong nỗ lực dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, các nhà phân tích đang tập trung vào một vài chỉ số hàng đầu như Chỉ số Ô tô cũ Manheim. Chỉ số này ngày càng trở nên phổ biến ở Phố Wall và được xem như công cụ dự báo lạm phát đáng tin cậy.
Chuyên gia Jim Reid của Deutsche Bank đã chia sẻ một biểu đồ minh hoạ mối quan hệ chặt chẽ giữa Chỉ số Ô tô cũ Manheim và CPI. Nếu mối quan hệ này tiếp tục được duy trì, giá hàng hoá cốt lõi giảm có thể kéo theo lạm phát hạ nhiệt trong nửa cuối năm.
Mặt khác, một số người lại cho rằng Chỉ số Manheim không còn chuẩn xác như trước. Ông Brent Donnelly của Spectra Markets thừa nhận Manheim là công cụ dự đoán lạm phát đáng tin cậy trong giai đoạn từ năm 2020 – 2022, thời điểm áp lực giá cả tăng sau một thập kỷ gần như không có lạm phát. Tuy nhiên, độ tin cậy của chỉ báo này bắt đầu suy yếu khi lạm phát hạ nhiệt từ đỉnh mùa hè năm 2022.
Các nhà đầu tư sắp biết được kết quả chính xác của CPI tháng 6 trong ngày 12/7. Trong khi đó, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) mà FED ưa chuộng sẽ được công bố vào cuối tháng 7.
Cho đến hiện tại, chứng khoán Mỹ vẫn đang hoạt động tốt. S&P 500, Nasdaq Composite và Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đều tăng, do tâm lý lạc quan về báo cáo lạm phát. S&P 500 tăng 0,4% lên 4.428 điểm ngay trước khi kết phiên giao dịch.
Tham khảo Market Watch